Một ngày mùa thu khoảng giữa thế kỷ thứ XV, một tàu buôn của Thái Lan rời bến cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) mang theo khối lượng đồ gốm đồ sộ của lò gốm Chu Đậu. Khi đi ngang qua vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An), tàu gặp sóng to gió lớn và bị đắm xuống đáy đại dương...
Gốm sứ cổ Chu Đậu được khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm. (Ảnh tư liệu) |
Bí mật được “bật mí” sau hơn 500 năm
Tưởng chừng con tàu này đã đi vào quên lãng, nếu như hơn 500 năm sau không có một sự may mắn và tình cờ khi những ngư dân vùng biển Cù Lao Chàm dùng lưới quét đánh bắt hải sản đã quét được một số đồ gốm bám hàu, phần lớn được các ngư dân bán cho những cửa hàng đồ lưu niệm ở khu phố cổ Hội An... Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của những loại gốm sứ này, các nhà chuyên môn và những ban ngành liên quan đã vào cuộc.
Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin đã giao Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học hợp tác với các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Đại học Oxford (Anh) tiến hành thăm dò và khai quật trong vòng 3 năm (1997-1999). Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khảo cổ học tổ chức khai quật khảo cổ học dưới nước ở độ sâu 70m...
Tiếp đó, từ năm 2005 đến năm 2007, được sự đồng ý, cho phép của Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh phối hợp Công ty TNHH trục vớt, cứu hộ Đoàn Ánh Dương quay trở lại hiện trường con tàu đắm đã từng khai quật trước đây để khảo sát, thăm dò và tiến hành “khai quật vét” để tiếp tục tìm kiếm những cổ vật còn sót lại dưới đáy đại dương.
Kết quả qua hai đợt khai quật quy mô, các cơ quan chuyên môn và các nhà khảo cổ học đã thu được kết quả đáng kinh ngạc với hơn 260.000 cổ vật, bao gồm các loại đồ gốm men, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người… cùng với hàng triệu mảnh vỡ của các loại hình đồ gốm.
Qua nghiên cứu, phân nguồn gốc con tàu và hàng hóa trên tàu cùng với cốt người tìm thấy, các nhà nghiên cứu nhận định rằng chủ nhân của con tàu là người Thái Lan. Còn về thời gian và đường đi của con tàu thì qua giám định những thực vật, những loại quả kết hợp với tư liệu lịch sử trước đây, các nhà nghiên cứu dự đoán con tàu này đến thương cảng Vân Đồn vào mùa xuân, sau thời gian buôn bán, trao đổi hàng hóa đã khởi hành trở về vào mùa thu, khi đi ngang qua ngoài khơi Cù Lao Chàm, do gặp thời tiết xấu và chở quá nặng nên bị đắm.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những cổ vật trên con tàu đắm này có xuất xứ từ lò gốm Chu Đậu (Hải Dương). Qua phương pháp phóng xạ đồng vị C14 cho kết quả niên đại tương đối vào khoảng thế kỷ XV. Trong giai đoạn lịch sử này, nước ta có tên là Đại Việt và dưới thời trị vì của Triều Lê Sơ (1428-1527).
Đồ gốm trong con đường tơ lụa trên biển
Các cổ vật được tìm thấy bao gồm 18 loại hình chính và hơn 100 loại hình phụ thuộc nhiều dòng gốm như: gốm vẽ hoa lam, gốm vẽ nhiều màu, gốm men xanh ngọc, gốm men trắng, gốm men tráng mỏng văn in, gốm men nâu, gốm sành... Những họa tiết, hoa văn trang trí trên gốm cực kỳ phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách thể hiện. Thông qua những họa tiết, hoa văn trang trí này, có thể cảm nhận được một phần nào những hình ảnh về đất nước và con người Đại Việt thế kỷ XV.
Không những thể hiện một đất nước Đại Việt tươi đẹp, thanh bình mà những đề tài trang trí trên các cổ vật còn mô tả rõ nét về những hoạt động của con người Đại Việt thời đó. Con người Đại Việt thế kỷ XV được khắc họa khá linh hoạt, tao nhã với hình ảnh người chèo thuyền, người phi ngựa, người cưỡi hạt, người câu cá, cụ già chống gậy ngắm trăng, thầy đồ dạy học trò, nông dân đang làm trên đồng, người quản tượng, người chiến binh cưỡi ngựa, người bắn cung, mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, người phụ nữ tắm...
Bên cạnh đó, con người Đại Việt thời đó còn được khắc họa bằng những hình vẽ thể hiện các mối quan hệ trong xã hội, quan hệ đời thường như giữa quan với dân, giữa thầy với trò hoặc quan hệ yêu đương trai gái... Con người Đại Việt thế kỷ XV là những con người tài hoa, có khiếu thẩm mỹ nghệ thuật cao. Điều này được minh chứng qua những nét vẽ thể hiện các công trình kiến trúc: những mái nhà cong cong; những lâu đài nguy nga, tráng lệ; những cung điện, thành quách lộng lẫy; những chiếc cầu xinh đẹp... Những cảnh vẽ cô đọng nhưng vẫn thấy được sự bề thế và xinh đẹp của những công trình kiến trúc đương thời.
Ngoài ra, hoa văn trên gốm sứ trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm cũng phần nào nói lên được hệ tư tưởng của người Đại Việt trong giai đoạn này. Hình ảnh những con sư tử trên đầu có chữ “Vạn” (卐), hoa sen, hoa cúc hoặc cây đa có ý nghĩa tượng trưng cho Phật giáo. Những đề tài trang trí như chữ “Khổng Tử phụ”, kỳ lân, long mã... có ý nghĩa tượng trưng cho Nho giáo. Các đề tài trang trí như sừng tê giác, ngọc báu, quả đào... có ý nghĩa tượng trưng cho Đạo giáo.
Những hình ảnh này cho thấy nghệ thuật trang trí gốm men bấy giờ ít nhiều chịu sự ảnh hưởng, tác động của hệ tư tưởng tôn giáo đương thời và phản ánh được phần nào hệ tư tưởng của người Đại Việt thế kỷ XV. Đó là một xã hội Đại Việt mà Nho giáo được xem như là quốc giáo, bắt buộc mọi người dân phải tuân theo. Nhưng nhân dân lao động lại hướng tới một khát vọng tự do, thanh bình và bình đẳng hơn. Chính lúc ấy tư tưởng từ bi, cứu độ nhân thế của đạo Phật; tư tưởng gần gũi thiên nhiên, nhàn tản, thoát tục của Đạo giáo trở nên gần gũi với người dân hơn bao giờ hết. Và thế là khát vọng về một xã hội mà “Tam giáo đồng quy”, “Tam giáo đồng thuận” trong lòng dân tộc đã được thể hiện một cách đầy ẩn ý và tế nhị thông qua những nét vẽ trang trí trên gốm men...
Việc khai quật và nghiên cứu con tàu đắm Cù Lao Chàm ở thế kỷ XV góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Đặc biệt nó chứng minh trong thế kỷ XV, XVI, nước ta đã tích cực tham gia vào con đường tơ lụa trên biển trong đó mặt hàng quan trọng nhất là đồ gốm.
AN TRƯỜNG