Tát nước lên đồng

.

Ngày xưa, khi chưa có hệ thống thủy lợi, người nông dân sáng tạo ra nhiều công cụ để “dẫn thủy nhập điền”. Phương tiện để giúp bà con xứ Quảng nói riêng, miền Trung nói chung làm thủy lợi có nhiều loại.

Ngày xưa, khi chưa có hệ thống thủy lợi, người nông dân sáng tạo ra nhiều công cụ để “dẫn thủy nhập điền”. Phương tiện để giúp bà con xứ Quảng nói riêng, miền Trung nói chung làm thủy lợi có nhiều loại.
Bờ xe nước Quảng Ngãi, tác phẩm đầy chất nghệ thuật của nhà khảo cổ Madeleine Colani, người đặt tên Văn hóa Sa Huỳnh.

Phương tiện thủ công lâu đời nhất là dùng sức người, tát nước bằng thúng nhỏ, gàu múc nước, gàu giai, gàu sòng và bờ xe nước. Bờ xe nước có hai loại: loại phải dùng đến sức người là “xe đạp nước” và loại “tự động hóa” là “máy tát nước”. Đặc biệt, bờ xe nước là sáng tạo kỹ thuật tinh tế, là những công cụ hữu ích giúp cho người nông dân chống hạn trong mùa hè khô khát của dải đất miền Trung.

Gàu giai

Gàu giai được đan bằng tre, miệng loe, giống cái phễu. Trên miệng gàu có cạp một vành nứa to cho chắc chắn, phía hai bên thành có gắn với khung nẹp tre, ở giữa có thanh tre bắc ngang qua chia đôi miệng gàu. Mỗi chiếc gàu thường có 4 sợi dây thừng, một bên có hai sợi gắn vào miệng và đáy gàu mới có thể tát nước được. Khi tát nước, hai người đứng về hai bên bờ mương, ao hồ. Công việc tát nước chẳng những đòi hỏi có sức lực và mà còn có sự kết hợp khéo léo, nhịp nhàng của động tác cơ thể. Lúc múc nước thì khom người xuống, khi tát nước thì ưỡn người ngã về sau làm cho dây thừng căng ra mới nâng được gàu nước lên rồi từ đó hắt dây đáy để nước trong gàu đổ ra phía mặt ruộng. Tát nước bằng gàu giai có thể linh hoạt số người tham gia tùy theo số gàu sử dụng. Nếu 1 gàu thì hai người đứng 2 bên để tát. Lúc đồng áng cần nguồn nước nhiều để tưới tiêu thì có thể dùng một lúc đến 3 cái gàu với 6 người tát cùng một lúc. Khi đó, những cái gàu giai được liên kết với nhau thành hàng sau trước bởi hệ thống dây thừng. Nhờ vậy mà 6 người cùng hợp lực kéo 3 cái gàu liên tục tát nước lên ruộng.

Gàu sòng

Gàu sòng cũng được làm bằng tre, chiều dài khoảng 1m, khi ngửa ra nhìn giống như một cái máng, lúc úp lại thì một đầu to giống hình quả bầu chia đôi, một đầu nhỏ thuôn dần về phía đáy gàu. Trên miệng gàu có cạp vành tre. Nếu gàu giai tát nước hoàn toàn dựa vào sức người thì gàu sòng lợi dụng điểm tựa, áp dụng nguyên tắc “cánh tay đòn” để khỏi bị tốn sức trong lúc tát nước. Trước khi tác nước người nông dân phải dựng cái giá đơn giản làm bằng 3 đoạn sào tre già. Một đầu của sào cắm xuống đất thành 3 chân kiềng, một đầu chụm lại với nhau thành đỉnh tam giác vững chắc làm giá đỡ treo chiếc gàu. Sau đó, họ lấy một đoạn dây thừng ròng từ đỉnh xuống cán gàu. Loại gàu này chỉ một người dứng dưới mương nước để tát. Lúc tát nước, một tay nắm cuối chuôi cán gàu sòng, một tay nắm đoạn giữa cán, gần chỗ buộc dây thừng vục xuống múc từng gàu nước đầy đổ nhẹ nhàng qua bờ ruộng.

Máy tát nước

Máy tát nước bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền Trung khoảng giữa thế kỷ XVIII. Nhờ sức nước, dòng chảy của các con sông, bờ xe nước tự động vận hành suốt ngày đêm, đưa nước vào các kênh mương hai bên bờ, rồi dẫn vào đồng ruộng. Vật liệu làm máy tát nước chủ yếu là tre kèm theo những loại dây rừng như song mây, dây chặc chìu... Người sáng tạo ra máy tát nước phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay để khi vận hành, bánh xe nước không bị lỗi kỹ thuật, quay vòng đều, dùng sức đưa nước lên đồng ruộng. Vào những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp thống kê trên toàn nước ta có khoảng 1.000 guồng/bờ xe nước loại đơn và loại kép. Quảng Ngãi là nơi có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn, tập trung ở sông Vệ và sông Trà. Năm 1960, trên hai dòng sông này có đến 110 bờ xe nước, bảo đảm nguồn nước tưới cho các cánh đồng lúa. Dọc hai bên bờ sông Thu Bồn trước đây cũng có rất nhiều bờ xe nước với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Xe đạp nước

Ngoài máy tát nước tự động còn có loại “máy” phải dùng sức người. Loại bánh xe nhỏ thì chỉ cần một đến hai người đạp, loại lớn thì có đến 4-5 người cùng hợp lực, dùng sức mạnh và điều khiển khéo léo, nhịp nhàng để đạp nước. Người nông dân leo lên trên đỉnh bánh xe, dùng đôi chân đạp mạnh làm chuyển động bánh xe quạt nước vào máng, đưa nước lên đồng, dân gian gọi là xe đạp nước. Xe đạp nước thường có mái che tạm để người nông dân chống chọi với nắng nôi khắc nghiệt giữa đồng.

Ngoài ra, xe đạp nước còn thiết kế những khúc cây chắc chắn nằm ngang phía trên bánh xe để ngồi đạp nước và một số cây sào cao vừa tầm tay để họ vịn, giữ thế cân bằng khi đạp nước.

Tát nước lên đồng qua ảnh tư liệu

Các nhà nhiếp ảnh tiền bối, nhất là các nhiếp ảnh gia người Pháp đã để lại cho hậu thế những bức ảnh, bộ ảnh chụp bờ xe nước, cảnh tát nước bằng gàu giai, gàu sòng có giá trị tư liệu và nghệ thuật. Đầu thế kỷ XX, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp là Dieulefils đã chụp một số bức ảnh về máy tát nước ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là những bức ảnh chụp về chủ đề bờ xe nước sớm nhất ở miền Trung nước ta. Nhà nhiếp ảnh Réne Tetard cũng đã để lại trong bộ sưu tập ảnh của mình bức ảnh “Máy tát nước” quy mô gồm hơn 10 bánh xe ở sông Trà Khúc.

Bức ảnh đã được nhà xuất bản bưu thiếp mang tên Hương Ký (Hà Nội) in và phát hành với số lượng lớn. Một điều thú vị là nhà khảo cổ học M. Colani thuộc EFEO (Viện Viễn Đông Bác Cổ), người khai sinh ra thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh” lại chụp được khá nhiều bức ảnh về bờ xe nước trên sông Trà Khúc. Những bức ảnh bờ xe nước của bà được in lên bưu thiếp, lưu trữ ở thư viện, bảo tàng Đông Dương tại Pháp. Bức ảnh “Tát nước” của nhà nhiếp ảnh xứ Quảng tên là Trương Trừng từng đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh do Toàn quyền Đông Dương tổ chức năm 1940. Ảnh chụp đúng khoảnh khắc 6 người nông dân cùng hợp lực nâng 3 chiếc gàu giai tát nước lên đồng. Tác phẩm này được in trên tờ giấy bạc Đông Dương.

Các nhà nhiếp ảnh tiền bối đã để lại trong kho tàng di sản ảnh nhiều bức ảnh có giá trị tư liệu, nghệ thuật về chủ đề làm thủy lợi. Mặc dầu ngày nay nó không còn hiện diện trong cuộc sống ở thôn quê nhưng ta có thể bắt gặp tại nhà bảo tàng, trên sách, báo, công trình biên khảo địa chí dân gian, hình ảnh được chia sẻ trên các trang mạng... Những bức ảnh tát nước một thời trong kho tàng di sản ảnh trở thành tư liệu độc đáo và càng có giá trị theo thời gian.

TẤN VỊNH

;
;
.
.
.
.
.