Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội vừa qua mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ theo tinh thần đối tác chiến lược toàn diện, đây cũng là dịp khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Một góc thành phố Đà Nẵng.Ảnh: N.T |
Theo “Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện” có 10 nội dung hết sức quan trọng, trong đó phần về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có những nội dung rất mới, đa dạng, toàn diện. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc thống nhất Tuyên bố chung mới chỉ là bước đầu, rồi đây Chính phủ, các ngành, địa phương, doanh nghiệp của hai nước phải tập trung khẩn trương triển khai, đưa những cam kết ở mức cao nhất này thành hiện thực. Đây là cơ hội lớn cho quá trình phát triển ở một tầm cao mới của hai nước, trong đó “Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường”.
Truyền thông thế giới, đặc biệt là của Mỹ nhấn mạnh sự đầu tư về đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Các dự án lớn hàng tỷ USD của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đi vào hoạt động, tạo ra chuỗi cung ổn định và tập trung, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ mới… Hiện các tập đoàn lớn như Intel (Thành phố Hồ Chí Minh 1,2 tỷ USD,) Amkor Teachnology (Bắc Ninh 1,6 tỷ USD), Marvell Technology trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới (Thành phố Hồ Chí Minh)… đã triển khai và đi vào hoạt động. Triển vọng Việt Nam thành cứ điểm cung ứng toàn cầu bán dẫn là điều chắc chắn.
Trong sự nhộn nhịp đón đầu làn sóng đầu tư, du lịch mới từ Hoa Kỳ các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, có lợi thế và sớm có sự chủ động. Đối với khu vực miền Trung, nhất là Đà Nẵng nên tập trung làm gì? Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số 3 năm liên tiếp (2020-2022), UBND thành phố Đà Nẵng 2 năm liên tiếp được trao giải thưởng tại hạng mục “Top tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số” tại sự kiện Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards năm 2023.
Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP của thành phố, với tỷ lệ ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Khu công nghiệp công nghệ cao được đầu tư khá hoàn chỉnh và tài nguyên du lịch phong phú là những lợi thế tuyệt đối của Đà Nẵng. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố xác định việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo động lực và sự lan tỏa cho cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy ngay từ bây giờ, phải có một chiến dịch xúc tiến đầu tư đặc biệt, tiếp cận trực tiếp với Chính phủ theo hướng thống nhất quan điểm ưu tiên đầu tư cho thành phố, để Đà Nẵng phải là đầu tàu của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, bước quyết định là thời điểm làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, số để kịp thời nắm bắt cơ hội.
Như chúng ta đều biết, lịch sử là tài sản vô giá, là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững, vừa là điểm thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng. Thời gian qua ngành du lịch thành phố đã có những bước khởi sắc, Đà Nẵng được nhiều tạp chí về du lịch quốc tế bình chọn là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á; top 21 điểm đến yêu thích nhất châu Á; top 3 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á..., để du lịch phát triển bền vững đa dạng, ngành du lịch thành phố phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của thành phố. Đà Nẵng trong chiến tranh là khu liên hiệp quân sự lớn thứ 2 tại miền Nam, vì vậy số lượng lính Mỹ đóng quân tại khu vực khá nhiều. Làm sao để các cựu binh và thân nhân của họ về lại chiến trường xưa, để thấy nơi đây đất nước thanh bình, biển đẹp và con người thân thiện. Nói thêm, Đà Nẵng là nơi Mỹ đổ bộ đầu tiên (3-1965), xác định chính xác lại địa điểm mà chiếc tàu đổ bộ ấy cập bờ, và có thể làm một tấm biển để nhớ về sự kiện mở đầu cho cuộc chiến tranh ác liệt nhất này cũng là một gợi ý nên được quan tâm. Một chiến dịch xúc tiến du lịch tập trung để đón những doanh nhân Mỹ làm ăn các nơi ở khu vực đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng, vui chơi là hướng cần tập trung.
Đà Nẵng có cảng biển lớn nhất miền Trung, triển khai dịch vụ logistic ngang tầm là lợi thế nhưng cũng là đòi hỏi cần có bước đi cụ thể. Các lĩnh vực thời trang và khởi nghiệp cũng đang là hướng có thể tiếp cận. Việc chuyển hướng đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề cần có sự đổi mới cụ thể hơn. “Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quân hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Với các trung tâm phần mềm lớn trên địa bàn, Đà Nẵng hoàn toàn chủ động tiếp cận và triển khai nội dung thỏa thuận trên theo lợi thế mà mình đang có.
Nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của hợp tác giữa hai nước ai cũng dễ thống nhất. Có lẽ vấn đề khó nhất là chúng ta có thể chen chân vào mắc xích nào của chuỗi nhu cầu? Đâu là lợi thế của Đà Nẵng và những biện pháp cụ thể tạo ra năng lực hấp thụ cơ hội đầu tư mới của Mỹ là gì? Cốt lõi vẫn là con người, tạo ra sự hấp dẫn không thể chỉ bằng sự kêu gọi thụ động. Trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đòi hỏi năng lực xúc tiến mới. Một lần nữa sự chủ động tham gia của thành phố đang là đòi hỏi khách quan. Ngay bây giờ cần phải cụ thể hóa từ những công việc cụ thể nhất của những mệnh đề “nâng cao”, “đẩy mạnh”, “tăng cường”… Thời cơ là do chúng ta tạo ra, và nó sẽ vô nghĩa nếu ta không biết đón nhận một cách chủ động.
MAI LỘC