Những đứa nhỏ nhớ dai

.

Cứ nhìn thấy gánh gỏi đu đủ là thể nào đứa nhỏ nọ cũng bất thần hiện ra. Nó đòi ăn bằng được. Chị can quyết liệt, rằng hàng rong bụi bẩn với vi khuẩn không biết đâu mà lần, rằng da heo luộc - thứ quan trọng của món gỏi - đầy cholesterol xấu, tôm luộc là chúa rù quến lũ ruồi lằn, chắc gì người ta rửa lau xấp dĩa kia tử tế. Chẳng có lời nào lọt vào tai con nhỏ, kẻ đã sà xuống cái ghế mủ cạnh gánh gỏi, trong mắt nó thế giới không còn trời đất núi sông, không hoa cỏ không mưa gió, thế giới giờ chỉ là mớ sợi đu đủ vàng hồng trong veo sau hồi ngâm nước vôi trong, những lát da heo xắt mỏng, những con tôm luộc chẻ đôi và hủ nước mắm tỏi ớt mặn mòi, mớ lá rau răm hơi héo cong mép. Và khi nó, mắt vẫn nhìn vô thúng gỏi, lên tiếng bảo thím hàng rong chan cho con thiệt nhiều nước mắm, chị biết mình không thể kháng cự lại con nhỏ được rồi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi đầu chị tưởng đứa nhỏ đó chỉ xuất hiện khi chị gặp đâu đó những món ăn hồi thơ ấu, thời mà vài đồng ăn vặt cũng vàng vọt lúc có lúc không. Bánh mì chan nước sốt cà, kem ống, cốm gạo ngào đường, cơm nóng rưới mỡ heo với nước mắm đồng. Nhưng nhiều lần đưa con (và sau này là cháu ngoại) đi nhà sách, lúc ngang qua dãy kệ văn phòng phẩm, đứa nhỏ tèm hem ấy lặng lẽ hiện ra, níu chị lại chỗ mớ bút lông đủ màu, những cuốn sổ tay bìa bướm hoa sặc sỡ, những cái nhãn vỡ nhỏ xinh. Những thứ mà lúc tiểu học chị thèm muốn đến nỗi ghét luôn bạn nào sở hữu chúng, nghĩ cái hành vi bày ê hề mớ dụng cụ học tập đắt đỏ nọ ra bàn mới ngứa mắt làm sao.

Sau này có lần họp lớp gặp lại một trong mấy đứa bạn “xóm nhà tường” hồi đó, bạn ríu ran mừng, chị cũng muốn ríu ran đáp lại mà đứa con nít trong chị cứ cười nhạt. Con nhỏ nói bạn bè gì mà mượn cây viết lông cầm thử thôi cũng không cho. Nó cũng gạt đi lòng biết ơn khi mọi người nhắc về cô giáo năm cuối cấp. “Cổ toàn bênh mấy đứa giàu. Nhớ không, lần cây cài tóc của nhỏ đó gãy mà năm đứa xóm Gò Mả bị phạt quỳ oan”, nó nói. Trẻ con nên quên mấy chuyện kiểu vậy mới phải, ý nghĩ đó làm chị thấy buồn.

Con nít nhớ dai không chỉ mình nó. Hồi đại học, chung phòng trọ có cô bạn dân Cẩm Giang, hồi đầu gây sốc bởi cô dành nửa giờ đồng hồ cho một lần tắm, ở trong nhà cũng tẩm ướp dầu thơm. Đủ thân nhau, bạn kể hồi nhỏ nhà có trại chăn nuôi, đi học hay bị đám học sinh cá biệt trong lớp kêu bạn hôi heo. Tụi nó không cần nói gì nhiều, chỉ cần bạn bước qua cửa lớp là đồng loạt lấy tay bịt mũi. Cái trò đùa tai ác dẳng dai tới nỗi bạn tin mình hôi thật. Trang trại sau đó cũng rao bán, nhà bạn chuyển đi, nhưng đứa trẻ trong bạn thì bị kẹt lại với châm chọc vô tình.

Dõi theo đứa trẻ của mình đủ lâu, chị tin ai cũng mang theo một đứa nhớ dai kiểu vậy. Ít tuổi, dại khờ, nông nổi nhưng bầy trẻ đó có khả năng bẻ lái thế giới quan, thao túng hành vi của những người trưởng thành thông hiểu, trải đời. Không phải tự dưng mà phim ảnh hay dựng lên những nam chính tính khí khó ưa, những tội phạm mất nhân tính đều có thời thơ ấu tổn thương. Dĩ nhiên phim ảnh làm hơi quá lên so với đời thực. Cậu họa sĩ ở cơ quan chị tánh cởi mở phóng khoáng nhưng sắc trong tranh cậu cứ bầm bầm, lẫn vào không gian thẫm tối đó là những hình nhân méo mó. Nhìn tranh cảm giác u uất kiểu gì. Một bữa ngang qua chỗ cánh phụ nữ bày tiệc cóc ổi buổi xế, cậu nhìn chén muối ớt kể hồi cậu còn nhỏ, má cậu bị chồng đánh như cơm bữa, muối ớt là thứ bà thường đắp lên mấy chỗ sưng. “Em hay quẹt muối trên cẳng tay má nhấm nháp chơi”, cậu cười, “tới giờ không thấy thứ muối nào mặn bằng muối đó”. Chị bỗng nghĩ tranh nọ không phải cậu vẽ đâu, là đứa nhỏ buồn mà cậu mang theo cầm cọ, không chừng.

Nhiều khi không biết mấy đứa nhỏ lấy sức mạnh ở đâu mà khiến một bà già tự dưng nhảy chân sáo, ông sử gia đạo mạo đớp trái ổi đang dính cuống trên cây. Bữa chị thấy cảnh ấy qua bên cửa sổ cứ mắc cười hoài. Chột dạ nhớ những lần mình hút nhụy bông so đũa bên đường, hay mút cho kiệt tủy mẩu xương gà, hậu quả của những lần đứa nhỏ sểnh ra mà chị thì già càng lơ là cảnh giác nó. Cũng may đứa nhỏ chưa từng làm chị khó coi, như những người lớn chị từng tận thấy họ vẽ bậy lên bia tưởng niệm, vặt hoa sen trong hồ, chui qua cột phân làn để chen ngang giữa hàng.

Phước cho ai mang theo mình đứa nhỏ chỉ nhớ mật của hoa, mùi vị của những món quà vặt ấu thơ hay nụ cười của một người lạ đã tặng nó chùm bóng bay, tấm lưng đẫm mồ hôi của má cõng nó đi trạm xá, cây sậy giập vô hại mà ông ngoại lấy làm roi.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
;
.
.
.
.
.