Thời gian gần đây, Đà Nẵng xuất hiện nhiều mô hình xe đẩy cà phê. Hình thức kinh doanh cà phê take away (cà phê mang đi) ra đời xuất phát từ thói quen thưởng thức cà phê của mọi người có sự thay đổi.
Kinh doanh cà phê take away vừa ít tốn phí, vừa hợp thị hiếu người dùng. Ảnh: N.H |
Buổi chiều, khoảng 18 giờ, chiếc xe đạp màu trắng được trang trí hoa khô, đèn vàng lấp lánh có mặt tại phía đầu cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi (quận Sơn Trà). Chiếc xe bán cà phê mang đi có gắn bảng: “Lang thang cà phê - Đợi một người”. Mô hình cà phê take away này không mới, thậm chí khá quen thuộc tại các thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên, cà phê “Đợi một người” lại gây ấn tượng bởi thiết kế độc đáo, mộc mạc và cực kỳ có “gu”.
Khách đến với “Lang thang cà phê - Đợi một người” sẽ được cung cấp ly đựng cà phê và quai xách để thuận tiện mang đi. Chủ quán còn cho khách mượn ghế xếp để ngồi ngắm hoàng hôn bên sông. Hoặc, khách cũng có thể di chuyển ra các địa điểm xung quanh, vừa thưởng thức cà phê, vừa chuyện trò, ngắm cảnh.
Anh Lương Hậu (22 tuổi, quê Quảng Trị), chủ xe đạp cà phê cho biết anh bắt đầu mô hình kinh doanh cà phê take away này được hơn một tháng, và rất vui khi được nhiều người tìm đến chụp ảnh, mua cà phê. Ban ngày, Hậu làm việc tại một cửa tiệm về lĩnh vực thiết kế, trang trí. Chiều xuống, sau khi tan ca, anh mới bắt đầu đạp xe đi bán cà phê từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Hậu chia sẻ: “Trước đây tôi làm nhân viên pha chế cho quán cà phê được khoảng một năm. Với kinh nghiệm trong nghề pha chế, tôi quyết định mở cà phê take away. Tôi chọn mô hình này vì khách hàng của cà phê take away đa dạng, từ các bạn học sinh, sinh viên, đến dân văn phòng, người làm việc tự do. Mở bán cà phê mang đi không cần mặt bằng, chi phí cũng thấp, phù hợp với người vốn ít. Tôi rất vui khi công việc này ngoài mang lại thu nhập, còn có thể mang đến cho mọi người một không gian thưởng thức cà phê thư giãn, giúp giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài”.
Hành trang đi làm mỗi ngày của anh Hậu, ngoài chiếc xe đạp chở nguyên liệu pha chế, loa phát nhạc, ghế xếp... còn có chiếc máy ảnh để phục vụ nhu cầu chụp ảnh miễn phí cho khách.
Được biết, số vốn mà anh Hậu bỏ ra để đầu tư xe đạp cà phê khoảng 8 triệu đồng. Anh chọn ly giấy, ống hút giấy thay vì đồ nhựa nhằm bảo đảm sức khỏe cho khách hàng và bảo vệ môi trường dù chi phí cho ly giấy, ống hút giấy cao gần gấp đôi so với sử dụng bằng nhựa.
Em Lê Minh Ngọc (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Chiều cuối tuần, em thường đi uống cà phê thư giãn. Dạo gần đây, lên mạng xã hội em thấy xe cà phê “Đợi một người” ở cầu Nguyễn Văn Trỗi đang rất “hot” nên tìm đến để trực tiếp trải nghiệm. Thực đơn quán đa dạng, từ cà phê cho đến trà giải nhiệt. Trong đó, em thích món trà lên men Kombucha vì nó khá ngon, mới lạ, không nhiều quán tại Đà Nẵng có. Thích nhất là mua cà phê xong, anh chủ quán sẽ cho mượn ghế để ngồi bên sông ngắm cảnh, hóng gió”.
Diện tích xe cà phê khiêm tốn nhưng vẫn trang bị được đầy đủ các nguyên liệu và dụng cụ. Ngoài thức uống đang được ưa chuộng như cà phê muối, cà phê trứng, các quán còn phục vụ cả trà giải nhiệt, trà sữa, nước ép, smoothie... Theo anh Nguyễn Lương Gia Bảo (18 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn), chỉ một chiếc xe máy và chi phí khoảng 3 triệu đồng mua sắm nguyên liệu, đóng tủ cà phê, anh đã có thể bắt đầu công việc kinh doanh cà phê take away. “Tôi bán cà phê mang đi được 3 tháng. Mỗi ngày, tôi dừng xe ở tuyến đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần cầu Rồng từ 6 giờ đến 11 giờ. Sở dĩ tôi thường đứng ở đây vì mỗi sáng đoạn đường này rất đông người qua lại. Ngày nào bán nhiều cũng được 40, 50 ly cà phê”, Bảo cho hay.
Kinh doanh cà phê take away vừa ít tốn phí, vừa hợp thị hiếu người dùng. Do tính thuận tiện, giá rẻ và quen thuộc với nhiều khách hàng nên hiện nay, dạo quanh các tuyến phố tại Đà Nẵng, dễ dàng nhận thấy “chiếc xe cà phê mang đi” có mặt khắp mọi nẻo đường. Mô hình kinh doanh này vừa là kế sinh nhai của nhiều người, vừa tạo ra xu hướng thưởng thức cà phê mới mẻ, phù hợp với người trẻ hiện đại.
NGÂN HÀ