Bà Lê Thị Nhâm, sinh năm 1832, người làng Tiên Đỏa, huyện Lễ Dương, nay thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là con gái của ông Lê Hữu Tánh. Ông là người học giỏi nổi tiếng của làng, đỗ Hương cống vào năm Tân Tỵ (1821) dưới triều Minh Mạng, được bổ làm huấn đạo huyện Bình An. Lúc nhỏ bà đến ở nơi cha trấn nhậm, được cha truyền dạy chữ nghĩa, cho nên dù là phận gái nhưng lại thông kinh sử chẳng thua gì trai.
Tấm bia ở tiền hiền làng Hà Lam nói về chuyện bà Sanh Phong |
Năm 18 tuổi (1850) bà lấy ông Nguyễn Văn Chất, ở làng Ngọc Phô, nay là xã Bình Tú cùng huyện. Ông Chất là một học sinh đầy triển vọng, đang ngày đêm dùi mài kinh sử chuẩn bị trẩy kinh ứng thí. Năm 20 tuổi (1852) bà sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Hữu Quang. Khi Hữu Quang được một tuổi thì ông Chất đột ngột qua đời. Hàng ngày bà dắt con trai ra thắp hương mộ chồng, suốt ba năm, không bỏ sót ngày nào, dù mưa hay nắng. Khi con lên 6-7 tuổi, bà bắt đầu dạy cho con học những bài học vỡ lòng. Năm Nguyễn Hữu Quang 14 tuổi (1866) bà đem con ra làng Hà Lam, cách nhà khoảng 7 cây số, gửi nhờ tú tài Nguyễn Thuật dạy dỗ.
Nguyễn Thuật là người văn hay chữ tốt nổi tiếng khắp huyện, lúc này mới đỗ tú tài, đang ở nhà vừa dạy học vừa đọc sách để chuẩn bị cho khoa thi Hương sắp tới. Trò chăm lại gặp thầy giỏi, Nguyễn Hữu Quang ngày càng học hành tấn tới. Khoa thi Hương năm Quý Dậu 1873, tại trường thi Thừa Thiên ông Quang đỗ cử nhân. Sau đó ông được bổ làm huấn đạo huyện Quế Sơn. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nghe tiếng thầy cử Quang cũng đã từng đến thọ giáo.
Bà Nhâm là người có nhan sắc, thông Nho học, lại nổi tiếng đoan chính nên nhiều người đến dạm hỏi xin cưới làm vợ, nhưng đều bị bà từ chối. Trong làng có một tay lý trưởng nhà giàu tên là Võ Tấn Thông dù nhiều lần bị bà từ chối nhưng ỷ tiền và thế, cứ lui tới trêu ghẹo. Một lần không nhịn được, bà nói thẳng “Từ nay về sau nếu mầy còn nói tới chuyện ấy thì tau chặt đầu ngay”. Trên lý trưởng thất kinh hồn vía, từ đó không bao giờ dám léng phéng đến nhà bà. Sau này khi ông Quang đỗ cử nhân, y lại càng sợ.
Bà nổi tiếng khắp phủ huyện là người có phẩm hạnh đoan chính, thờ chồng hết đạo, dạy con nên người. Năm Đồng Khánh thứ hai (1887), quan tỉnh Quảng Nam tâu về triều đề nghị khen thưởng để nêu gương. Nhà vua cấp 6 lạng bạc và một tấm biển đề 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” (Tiết: Chí khí cứng cỏi; Hạnh: tính nết, đức hạnh; Khả: cho nên; Phong: phong thưởng). Vì thế người đương thời thường gọi bà là bà Sanh Phong, nghĩa là người được phong tặng ngay khi còn sống.
Thân hào trong tổng Phú Mỹ mừng hai mẹ con bà một bức trướng bằng gấm với một bài văn có nội dung bằng chữ Hán, được cụ cử nhân Hồ Ngận dịch như sau:
Khéo thay thợ tạo, muốn cho vật trước phải ma luyện khó khăn, cũng như muốn cho nên người trước bắt trải bao gian khổ. Ví như mùa đông non trụi, là trời làm khó cho cỏ cây, mà cây bá thì tiết vẫn cứng rắn như vậy, mùa thu cây tàn, là trời làm khó cho bông hoa mà cây cúc thì hoa vãn tươi tốt như thường.
Vậy kính tặng hai câu thơ cây bá và cây cúc:
Thơ cây bá:
Bến Tiên (1) thuyền bá ra khơi/Buồm cao lướt sóng, chơi vơi giữa trời.
Thơ cây cúc:
Vườn thu cây cúc sáng ngời/ Quản bao mưa gió sắc trời xinh tươi.
Tổng Phú Mỹ đồng kính mừng.
Quan tri phủ Thăng Bình (2) cũng mừng mẹ con bà một câu đối:
Liệt nữ phi vị danh, hoàn hữu bao phong thanh lãng tiết,/ Thư thần sở thâm hạnh, tùng tư giáo tứ cổ phương phong. (Liệt nữ há vì danh, được có sanh phong thêm rạng tiết/ Thư thần đã toại nguyện, từ đây giáo hóa được lây thơm).
Bà mất năm 1901, thọ 70 tuổi, ông Nguyễn Hữu Quang xin từ quan về cư tang mẹ. Ông làm nhà bên mộ, hương khói suốt ba năm. Mãn tang mới thôi.
Hàng năm đến ngày giỗ của bà, đồng môn và học trò của ông Quang đều về lễ bái rất đông. Mẹ tiết hạnh, con hiếu thảo, cả hai làng Tiên Đỏa và Ngọc Phô cũng được thơm lây tiếng lành.
Trước đây ở văn thánh huyện Lễ Dương có bia ghi lại tấm gương tiết hạnh, hiếu để của mẹ con bà. Tấm bia này hiện nay còn để ở tiền hiền làng Hà Lam, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dành một trang để vinh danh bà.
LÊ THÍ
(1) Quê bà ở làng Tiên Đỏa có bến sông gọi là bến Tiên. Cây bá ý chỉ bà, còn cây cúc ý chỉ ông Nguyễn Hữu Quang.
(2) Theo cụ Hồ Ngận thì đó là Ngụy Khắc Đản, nhưng không đúng, năm 1863 cụ Đản đã là Án sát Quảng Nam, sung làm Phó sứ trong sứ bộ đi sang Pháp chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.