Đó là lời tựa của tác giả Lương Thúc Kỳ trong bộ sách Quốc ngạn, xuất bản năm 1928, nhờ Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương. Ông Kỳ tự là Tử Khôi, hiệu Đài Nam, quê làng Hà Tân, nay thuộc thôn 9, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Ông sinh ngày 13 tháng 6 nhuận năm Quý Dậu (1873) và mất ngày 23 tháng 9 năm Đinh Hợi (1947). Nhà văn – nhà báo Phan Khôi là con rể của ông.
Sinh trưởng trong một gia đình làm nông khá giả, thân sinh lại là người hiếu học, ông được cha mẹ cho học hành tử tế, và bản thân ông cũng siêng năng chăm chỉ. Ông thi đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900) mở tại Huế và cũng là người đầu tiên ở Đại Lộc đỗ Cử nhân. Dịp này, Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Thuật mừng ông câu liễn: Lâm phóng nhứt chi vinh quế thọ;/ Hà lưu cửu khúc dẫn văn lan. (Rừng nho trao xuống cành vinh quế;/ Sông văn cuộn khúc tợ sông trôi). Vì gia đình liên tiếp có thân nhân qua đời nên đến năm 1905 (Ất Tỵ) ông mới ra nhậm chức Hậu bổ tỉnh Bình Thuận.
Tại Bình Thuận, ông kết bạn với hai con trai cụ Kỳ Xuyên Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh. Cụ Nguyễn Thông là một nhà khoa bảng yêu nước quê ở Tân An, Nam Bộ. Ghét thực dân Pháp nên khi Pháp chiếm Nam Kỳ, cụ bỏ quê nhà, ra ở Bình Thuận. Hai con trai cụ, nối chí hướng cha, đã cùng một số nho sĩ đứng ra lập Hội Thanh niên thể dục và mở Trường Dục Thanh tại Phan Thiết.
Theo cuốn Đông Kinh nghĩa thục của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê thì ông Lương Thúc Kỳ được mời làm giáo viên Trường Dục Thanh vào năm 1907.
Năm 1908, ông được bổ nhiệm làm quyền Tri huyện Tuy Phong, thuộc tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết 40km. Mới làm việc ở đây được 9 tháng, ông bị cách chức và bắt giam tại nhà lao Phan Thiết do có liên quan đến vụ biểu tình lớn chống xâu thuế ở Quảng Nam. Trong số khởi xướng vụ biểu tình, có hai người là cháu gọi ông Lương Thúc Kỳ bằng chú ruột là Lương Châu và Lương Thúc Cảnh. Năm 1910, ông Kỳ được thả về, hai năm sau ra làm huấn đạo huyện Đại Lộc. Từ năm 1914 đến 1918, ông liên tục làm huấn đạo huyện Cam Lộ (Quảng Trị) rồi huấn đạo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), giáo thọ phủ Tuy An (Phú Yên). Năm 1919, ông được chuyển về kinh đô Huế, làm việc ở ban Tu thư, chuyên biên soạn sách giáo khoa phục vụ cho việc giảng dạy ở Quốc Tử Giám. Năm 1923, ông về hưu, được thăng hàm Thị độc học sĩ.
Trong thời gian còn tại chức, sống ở nhiều địa phương, ông đã sưu tầm và tích lũy được một vốn phong phú ca dao tục ngữ gồm 3.000 câu. Sau khi về hưu, ông biên soạn và hoàn thành bộ Quốc ngạn gồm 2 quyển, quyển Thượng và quyển Hạ.
Nội dung Quốc ngạn là phương ngôn ngạn ngữ trong nước, chia làm nhiều liên, mỗi liên nói về một loài: như liên động vật, liên thực vật, liên khoáng vật… Mỗi câu ngạn ngữ tiếng Việt lại được ghép thêm một câu chữ Hán, vừa là câu đối, vừa bổ sung nghĩa cho câu tiếng Việt giúp người đọc dễ hiểu, rất công phu. Tác giả bộ sách viết trong lời tựa như sau:
“Nước ta ở phía Nam châu Á, đã trải qua 4 nghìn năm, dân số ước đến 25 triệu, những người biết chữ nghĩa, thông hiểu việc xưa nay trăm phần chưa được một, còn những hạng không được đi học lại thuộc phần nhiều. Nhưng xét khi ăn ở trong gia đình, ứng tiếp ngoài xã hội, câu chuyện việc làm, không điều gì là không hợp lẽ thường, giống như một người có học vậy. Nếu không nhờ phương ngôn, tục ngữ quen thuộc trên đầu lưỡi để làm nền nếp khuyên răn dạy bảo thì làm sao có được cách ứng xử giữa đời như thế. Than ôi, tiếng ngạn cũng có công hiệu với dân tộc ta nhiều!”.
Ngoài bộ Quốc ngạn nói trên, ông còn biên soạn và hoàn thành bộ Quốc ngạn phân môn gồm 10.000 câu ngạn ngữ được xếp theo từng loại sự việc như thương, ghét, hờn, giận, vui, buồn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không thực hiện được việc in ấn, đem nhượng bản quyền cho ông Nguyễn Bá Trác. Ông Nguyễn cũng không xuất bản được, bản thảo bị thất lạc trong chiến tranh.
Về hưu, ông Lương Thúc Kỳ sống cuộc đời đạm bạc chốn quê nhà, gần gũi với bà con làng xóm, được nhân dân yêu mến và kính phục. Bà con trong vùng thường gọi ông là ông Quang Lộc Hà Tân để tỏ lòng kính trọng.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông kể cho con cháu nghe việc ông có biết thầy giáo Nguyễn Tất Thành thời ông làm giáo viên Trường Dục Thanh. Đó là một thanh niên điềm đạm, đạo đức tốt, kiến thức rộng mà khiêm tốn. Được một thời gian, thầy Thành không dạy ở đây nữa và đi đâu không ai rõ. Về sau mới biết là thầy ra ngoại quốc tìm đường cứu nước...
Gần cuối tháng 9 năm Đinh Hợi (1947), ông có triệu chứng cảm nhẹ, được con cháu thường trực thuốc thang chăm sóc. Ngày 23 tháng 9, ông mệt hơn và hơi thở đã yếu, ra hiệu cho con ghé sát bên giường, cố nói bốn chữ “Đồng quy vu tận” (tất cả đều về chỗ hết) rồi ra đi nhẹ nhàng.
Phần mộ ông được nằm trên một ngọn đồi cao trong làng, dưới chân đồi có khe nước quanh năm róc rách, gọi là khe An Má.
THANH MINH