Nông Sơn là huyện miền núi mới được điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Quế Sơn cũ, đây là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Gắn liền với đó là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được khám phá hết mà câu chuyện về cầu Ngô Công dưới đây là một trong những sự tích khá lý thú.
Bia đá khắc hai chữ “Hậu thổ” đặt chung quanh đánh dấu ngôi mộ cổ. |
Mãi đến giờ, bà con thôn Trung Thượng (Cà Tang Thượng cũ), xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam (giáp giới cầu Nông Sơn), còn truyền miệng câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Rằng thuở trước người dân đến đây lập ấp, dựng làng làm ăn sinh sống. Cuộc sống đang diễn ra bình thường thì bỗng dưng có thời gian làng xảy ra nhiều điềm bất thường: người dân đau ốm nhiều, làm ăn thất bại, mất mùa liên tục, chim không kêu, chó không sủa, gà không gáy…
Trước tình hình bất thường đó, dân làng đã tìm hiểu nguyên nhân và mọi nghi ngờ đều nhắm vào ngôi mộ mới chôn trong làng. (Theo văn bia được dựng trước mộ thì mộ này của một người mang họ Trần, được xây năm Mậu Tuất - 1718, cách nay gần 300 năm). Mộ xây bằng vữa vôi trộn sỏi rất chắc chắn, trên một doi đất cao ráo có địa thế phong thủy rất đẹp, phía trước là sông, phía sau là núi. Ngôi mộ giống hình con gà đang nằm trong ổ ấp trứng, nhưng cũng có người cho rằng đó là hình con nhện. Khoảnh đất rộng xung quanh khuôn viên ngôi mộ có cắm bốn tấm bia khắc hai chữ Hán “Hậu thổ”.
Dân làng đã làm nhiều cách để cầu mong làng xóm trở lại bình yên như xưa nhưng tình hình vẫn không có gì biến chuyển. Sau đó làng họp lại quyết định đi mời thầy địa giỏi ngoài Bắc vào giải hạn. Đến nơi, sau một hồi quan sát, thầy địa cũng xác định ngôi mộ chính là nguyên nhân gây ra bất thường cho làng. Thầy khuyên dân làng nên làm cái cầu bằng gỗ hình dạng giống như con rết (con tít), dài đúng một trăm nhịp, bắc trực tiếp từ đường đi qua doi đất có ngôi mộ, làm để tượng trưng chứ không dùng để đi. Như thế, con rết sẽ khống chế (?) được con gà ấp trứng hay con nhện. Con rết, tiếng Hán gọi là ngô công (蜈蚣, còn gọi là bách túc: trăm chân; bách túc chi trùng/bách túc trùng: côn trùng trăm chân - ĐNCT), nên dân làng gọi đây là cầu Ngô Công.
Chuyện thực hư thế nào chưa ai lý giải, có điều khi làm cầu xong thì dân làng không bị đau ốm, làm ăn hanh thông trở lại, chó lại sủa, chim lại kêu, gà lại gáy. Từ đó cuộc sống dân làng bình thường trở lại. Khi cầu hỏng thì dân làng cùng nhau tu sửa. Một thời gian sau, thấy như vậy vất vả quá nên ông hương điền họ Huỳnh đứng ra hô hào dân làng góp công góp của xây cầu bằng đá.
Ông Mai Văn Dũng, một người dân địa phương, cho biết ngôi mộ này trước đây hằng năm có người từ Hội An lên hương khói, nghe nói họ là người gốc Hoa. Sau một thời gian, theo ông Dũng, có lẽ những người đó đã chết hết rồi nên ngôi mộ bị bỏ hoang. Gần đây, hằng năm đến ngày chạp mả của các tộc họ trong làng thì bà con cũng tiện thể đến chăm sóc mộ và thắp hương. Có thời gian bọn chuyên đào trộm đồ cổ đã tìm cách đào ngôi mộ này nhưng kết cấu quá chắc chắn nên đành bó tay. Cùng với đó, được nghe những câu chuyện huyền thoại kể trên, họ đã bỏ đi.
Đến nay, trải qua thời gian dài, cây cầu không còn nữa, nhưng dấu tích về hình dáng, những cọc gỗ, đá để xây cầu và ngôi mộ vẫn còn. Và sự tích về cây cầu Ngô Công vẫn được nhiều người lớn tuổi truyền lại cho thế hệ sau.
TRẦN VŨ