.

Sự tích đường Cầu Vồng

.

Ở Đà Nẵng xưa có một con đường khá đặc biệt. Đó là đường… Cầu Vồng, chỉ đoạn kéo dài từ ngã tư Ngô Gia Tự - Lê Duẩn đến ngã tư Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm hiện nay. Thật ra, đường Cầu Vồng là cách gọi dân dã chứ Đà Nẵng không có con đường nào được đặt tên là đường Cầu Vồng cả.

Cầu Vồng xưa, hình ảnh giờ không còn. Ảnh: Ông Văn Sinh
Cầu Vồng xưa, hình ảnh giờ không còn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Tên gọi chính thức của con đường có đoạn đường Cầu Vồng thay đổi qua nhiều giai đoạn trong lịch sử. Tên xưa nhất là Rue Pigneau de Béhaine (một giáo sĩ người Pháp mà dân ta thường gọi là Bá Đa Lộc), do thực dân Pháp đặt. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi lại là đường Thống Nhất; đến năm 1987 được đổi tên thành đường Lê Duẩn. Còn sự xuất hiện của đoạn đường mà dân gian thường gọi là đường Cầu Vồng, xóm Cầu Vồng, vì đó là đoạn đường có dốc khá cao, giống như độ dốc của cầu vượt Hòa Cầm hiện nay.

Và, mươi năm trở về trước, khi đoạn đường Cầu Vồng chưa bị san bằng để tiến hành thi công đường Lê Duẩn thẳng tắp, khang trang, những ai đi xe đạp đều có tâm lý… tránh đoạn đường này. Bởi, mười người như một rất ngại đạp xe lên Cầu Vồng. Lên dốc và xuống dốc đâu phải dễ. Đạp lên đã mệt nhưng khi xuống, luôn phải cẩn thận, vì độ dốc khá lớn, rất nguy hiểm.

Thật ra, địa điểm xưa gọi là Cầu Vồng hoàn toàn không có đồi, cũng không có nổng đất cao nào cả. Đó là chỗ đất bằng phẳng. Thế rồi, khi thực dân Pháp tiến hành làm con đường sắt nối ga xe lửa Đà Nẵng, bấy giờ gọi là Gare de Tourane central, thì có một con đường sắt băng ngang qua đường Rue Pigneau de Béhaine - một trong những tuyến đường quan trọng trên cửa ngõ chính vào Đà Nẵng lúc đó nên luôn có nhiều người qua kẻ lại. Để tránh tai nạn giao thông, thực dân Pháp cho xây một cái ba-ri-e để đóng lại khi có tàu lửa đi ngang qua. Thế rồi, một lần nọ, một vị quan đầu tỉnh có công chuyện phải đi ngang qua đoạn đường có cái ba-ri-e ấy. Quan đi bằng ô-tô, bấy giờ gọi là xe đít vịt, sơn màu đen, nhỏ nhắn. Đã là xe quan thì sang trọng, ai không biết, ai không sợ. Quan mà, hét ra lửa, đâu phải chuyện chơi. Thêm vào đó, quan mà đi ô-tô thì phải là quan lớn, quyền hành ghê gớm lắm.

Chẳng may, khi ô-tô chở quan lớn từ ngã ba Huế vừa đến nơi thì tàu cũng hụ còi, báo hiệu sắp đi qua. Nhân viên gác ba-ri-e vội vàng cho đóng cổng lại nhằm ngăn tất cả người băng qua, bảo vệ tính mạng của họ. Viên quan ngồi trong xe thấy vậy, tỏ ra hậm hực. Đường đường là quan lớn mà cái gã nhân viên gác ba-ri-e quèn cũng không nể mặt cho. Ít ra, gã phải để cho quan qua, thế mới phải lẽ chứ? Tàu hú còn xa, đâu phải đã sắp đến mà không nể mặt quan, cứ thản nhiên đóng cổng lại. Hỏi thử không tức sao được. Quan nghĩ vậy. Ông ta bảo thằng lính theo hầu phải nạt gã nhân viên gác cổng một hơi cho hả giận.

Sau khi tàu lửa đi khỏi, thằng lính đi theo hầu theo lệnh quan, hùng hổ đi tới, trừng trừng nhìn nhân viên gác cổng, quát rằng: “Sao thấy xe quan đi qua mà đóng cổng, bộ không sợ sao?”. Người gác cổng thưa lại: “Tui không đóng cổng thì giờ ni quan đã chết mất rồi. Tàu lửa qua, nó có biết quan mô mà tránh. Lúc đó, ai chịu tội? Quan chớ vua qua tui cũng đóng”. Lý lẽ nhân viên gác cổng nghe qua thật có lý. Ông bà thường nói “Nói thật cục đất cũng nghe”. Thằng lính hầu lúc ấy cứng họng, ngẩn tò te, không biết nói sao. Hắn đành quay lại, bẩm sự tình với quan.

Quan nghe qua, không nói gì. Nhưng thời gian sau, quan lệnh xuống cho dân các xã Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián và Tân Chính gánh đất đổ cao lên, làm Cầu Vồng. Thực chất, đây là một chiếc cầu tránh xe lửa. Quan nghĩ, khi cầu hoàn thành, xe lửa chạy mặc xe lửa, người ta vẫn đi được. Cầu tránh xe lửa mà! Tiện lợi đôi đường. Không những tiện cho quan khi đi công vụ mà người dân cũng được hưởng lợi. Dù gì, đây cũng là công trình công ích.

Bấy giờ, không khí lao động thi công đoạn đường có danh xưng là Cầu Vồng nhiều khi rất náo nhiệt. Hầu như tất cả đều làm bằng tay nên đòi hỏi sức lực ghê gớm. Thôi thì đầu này kẻ gánh, đầu kia kẻ xúc. Trưa, cát bụi bay mù mịt. Tuy gọi là lệnh cho dân nhưng khi thi công, quan cũng xuất công quỹ. Mỗi người khi làm đoạn đường nói trên được hưởng một ít tiền công. Thế cho nên, trong dân gian mới có câu hát vui rằng “Đẩy ông Lô/ Ngày năm bảy giác/ Cũng vô bánh bèo”. Số là, thi công đường hồi đó chưa có xe lăn, xe đầm, người ta phải sử dụng gốc tre gốc, đục lỗ, chế tạo ra cái đầm bằng tay, gọi là ông lô. Đẩy ông lô tức đẩy cái đầm qua lại để nén đất cho thật chặt. Tương truyền người ta đầm cả mấy tháng trời. Tất cả đều bằng sức người là chính. Công việc nặng nhọc, vất vả, người dân mau đói bụng. Cho nên, với mấy giác (phương ngữ miền Trung, nghĩa là một hào, một cắc - ĐNCT) tiền công, chỉ đủ cho họ ăn… bánh bèo đỡ đói, chẳng nhằm nhò gì!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.