Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi là hai nhà báo tiêu biểu của đất Quảng. Cụ Huỳnh sinh năm 1876, lớn hơn cụ Phan 11 tuổi, nhưng về nghề báo thì cụ Phan lại là “đàn anh”.
Nhà báo Phan Khôi |
Tuy hai ông từng quen biết và hiểu nhau từ rất lâu, nhưng khi Phan Khôi bắt đầu làm báo Nam Phong (1917) thì Huỳnh Thúc Kháng đang ngồi tù ở Côn Đảo. Phải 10 năm sau, ở tuổi 51, khi từ chức Viện trưởng Dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh mới bắt đầu... viết báo. Năm 1906, hai người cùng một lần cắt búi tóc củ hành, giã từ cuộc đời “nhà nho” để làm “nhà duy tân”. Trong ngục Hội An họ từng xướng họa thơ với nhau trước khi chia tay mỗi người đi một nhà ngục.
Phan Khôi là người “châm ngòi nổ” và có mặt hầu hết các cuộc bút chiến. Ông gây ra “hiện tượng Phan Khôi” trên văn đàn. Vì thế giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng không tránh khỏi những lần “tranh cãi quyết liệt”.
Lật lại những trang báo cũ ta thấy giữa hai ông có ít nhất 5 lần “cãi” nhau trên mặt báo vào các năm 1928, 1930 và 1931. Ngoài vài lần hai ông tỏ ra hơi gay gắt còn phần lớn đều rất “lịch sự” và Huỳnh Thúc Kháng bao giờ cũng thể hiện phong thái “đàn anh”, vừa thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng cũng vừa “bao dung” với người em “thông minh và ngổ ngáo”.
Cuộc tranh luận đầu tiên là về vấn đề lịch sử vào tháng 5-1928. Đúng ra lần đó Phan Khôi chủ yếu tấn công vào các quan điểm lịch sử sai trái của một số nhà sử học thực dân cho rằng “tổ tiên người An Nam mời người Pháp sang bảo hộ, rằng người Pháp đã giúp cho người An Nam chinh phục đất Nam Kỳ”. Vào thời điểm này, bài xã thuyết trên tờ Tiếng Dân, Mính Viên (bút danh của cụ Huỳnh) có chỗ viết rằng “Gia Long đã nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhất đất nước”.
Trên Đông Pháp thời báo số ngày 1-5-1928 dưới bút danh Chương Dân, Phan Khôi viết bài “Mấy cái quái trong sách và báo ta” phản bác lại ý kiến của Mính Viên. Ông nhắc người viết bài trên tờ Tiếng Dân rằng “bản điều ước ký khi Hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc được phái sang Pháp cầu viện, rốt cuộc đã không được phía Pháp thực hiện. Vì vậy chỉ có việc Bá Đa Lộc mộ được vài mươi người Pháp sang giúp Gia Long, song đó chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp chứ không phải chính nước Pháp giúp”.
Sau bài chỉ trích, trên báo Tiếng Dân số 79 (20-5-1928), Huỳnh Thúc Kháng viết bài “Nói điều lỗi của ta là sự may cho ta” để đáp lại. Bài báo có vài chỗ “chống chế” nhưng về cơ bản đã tiếp thu và hết lời ca ngợi Phan Khôi.
Lần thứ hai, Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng “cãi” nhau về “Phép đặt đầu đề” trên báo Trung Lập số 6216 (7-8-1930). Bài này chủ yếu Phan Khôi phê Huỳnh Thúc Kháng. Ông cho rằng Huỳnh Thúc Kháng đã cho ví dụ sai trong bài “Viết thơ và làm văn” trên báo Tiếng Dân. Không thấy Huỳnh Thúc Kháng phản bác lại.
Lần thứ ba, khi Huỳnh Thúc Kháng “đả” Phạm Quỳnh và lên án Truyện Kiều trên báo Tiếng Dân, Phan Khôi viết một bài rất dài đăng ba kỳ liên tiếp trên báo Trung Lập (ngày 7, 8 và 9-10-1930) vừa phê bình Huỳnh Thúc Kháng nhưng cũng vừa “khích tướng” để Phạm Quỳnh nhảy vào vòng chiến. Văn phong họ Phan cực kỳ sắc bén, xứng đáng là một bài “đả kích” tiêu biểu. Đả kích ở đây hiểu theo nghĩa vừa “đánh” vừa “kích” thiên hạ “đánh nhau”. Sau bài này cả Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng phải vào cuộc.
Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng |
Lần thứ tư, hai ông đụng nhau về vấn đề đặt quán từ. Lần tranh luận này diễn ra vào khoảng tháng 11-1930 trên báo Tiếng Dân và báo Trung Lập. Lần này giọng lưỡi của Phan Khôi đã hơi gay gắt: “Tóm lại, mấy bài thương xác của tiên sinh còn lộn xộn lắm, những chỗ tiên sinh chỉ cho tôi lầm thì tôi thấy tiên sinh lầm”. Không thấy Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng.
Lần đụng độ thứ năm của hai ông diễn ra vào năm 1931 là lần tranh luận đặc biệt, vì hai ông đã “khoác mặt nạ” để cãi nhau về thơ. Tranh biện của hai ông xung quanh nhận định của Tử Kế Du về tính cách “hay thơ” của người Việt, đó là “Sĩ phu An Nam ưa làm thơ lắm, tuy dở đến nổi không thành câu mà vẫn ham làm”. Phan Khôi tán đồng nhận định này nên thường viện dẫn trong các bài viết. Huỳnh Thúc Kháng bực mình nên viết bài trên báo Tiếng Dân (số 393, tháng 6-1931) ký tên Xích Tùng Tử để trách cứ Phan Khôi.
Phan Khôi viết bài trên báo Trung Lập số ngày 8-7-1931 ký tên Thông Reo để phản bác lại. Không chỉ cãi lý, Thông Reo còn đi xa hơn, lôi chuyện làm thơ của Huỳnh Thúc Kháng ra để dẫn chứng. Thông Reo cho rằng mình quen với Phan Khôi và được Phan Khôi cho biết cụ Huỳnh dù đậu thủ khoa tiến sĩ mà hồi trước thơ của cụ dở lắm, song cụ vẫn ưa làm luôn. Thông Reo cũng nói Phan Khôi cho biết hồi còn ở trong lao Hội An, cụ Huỳnh có họa thơ với Phan Khôi và cụ từng làm một bài “bất thành cú”. Phan Khôi còn cho Thông Reo biết ông đã từng đốt một tập thơ của cụ Huỳnh để tránh rơi vào tay mật thám Pháp. Sau đó cụ Huỳnh cám ơn ông vì “đã giúp làm cho cái dở của cụ mất tích đi”.
Vẫn với bút danh Xích Tùng Tử, Huỳnh Thúc Kháng nói lại trên báo Tiếng Dân số ngày 18-7-1931. Xích Tùng Tử bảo mình cũng quen biết cụ Huỳnh và cụ cho biết: “Những lời ông Phan Khôi nói trên là thực cả”, và đưa ra dẫn chứng về lần họa thơ đó để kết luận: lần đó Phan Khôi cũng bị “bất thành cú”. Rất nhẹ nhàng Xích Tùng Tử kết luận, nếu kể trong cả đời làm thơ thì đến Lý, Đỗ (hai nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường, Trung Hoa - NV) cũng có khi “bất thành cú” và cho dù có như thế thì ông cũng không bao giờ chấp nhận ý kiến của Từ Kế Du.
Hai nhà báo Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng dù rất nể trọng nhau về tài năng và nhân cách nhưng cũng không tránh khỏi những lần “tranh luận”, đôi khi rất gay gắt. Nguyên nhân chính có lẽ trong huyết quản hai người đều có... “máu Quảng Nam”.
LÊ THÍ