Đó là lý trưởng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ xưa. Các vị cao niên trong làng còn kể nhiều giai thoại lý thú về người giữ chức lý trưởng vào khoảng cuối thời vua Khải Định (1920 - 1925) có tên là Huỳnh Thành này.
Cổng đình làng Chiên Đàn. |
Bắt lính lệ đánh bạc
Phủ lỵ Tam Kỳ thời bấy giờ có mấy viên “câu” (gọi tắt chức “câu đương” - chức việc của phủ chuyên coi sóc các việc trong các làng) rất hách dịch, chuyên đi đến các làng chung quanh phủ lỵ kiếm chuyện để hạch sách kiếm tiền. Nghe dân tình kêu ca, ông lý Thành quyết tâm gây khó dễ cho mấy tên này một trận. Ông bảo dân chặt tre đóng cho làng mấy bộ gông đặt sẵn trong đình.
Cơ hội đã đến! Hai chú “câu” đi tuần ngang chợ Chiên Đàn, gặp một đám đánh xóc dĩa liền xộc vào tịch thu dĩa và hốt trọn tiền trên chiếu bạc cho vào túi mà không lập biên bản. Nghe tin, ông Thành đến ngay. Vừa tới nơi ông quát: “Đứa nào dám đánh bạc tại làng tau? Tuần đâu! Lấy gông lại đây”. Tuần đinh đã được ông lý dặn dò trước liền chạy ngay vào đình lấy hai chiếc gông tre đem đến.
Ông Thành bảo mấy viên câu đương: “Các chú bảo bắt được đám đánh bạc, vậy chứng cớ đâu?”. Hai viên ấy thò tay vào túi lấy bộ xóc dĩa và mấy xâu tiền vừa tịch thu được giơ ra. Ông Thành liền chộp tay chúng và bảo: “Dụng cụ đánh bạc ở trong túi các chú lôi ra; vậy hai chú là thủ phạm!”. Rồi ông quay sang hỏi đám đông: “Ai thấy hai chú này đánh bạc?”. Chẳng cần ra hiệu, cả đám đánh bạc nhất tề giơ tay lên. Ông lý bèn bảo tuần đinh: “Bay đâu! Đóng gông hai tên đánh bạc bị bắt quả tang này rồi cùng tau giải chúng về giao cho quan phủ trị tội!”.
Khắc chữ lên mõ canh
Lính lệ của phủ đi tuần đến ấp Trà Cai (làng Chiên Đàn) thấy điếm canh vắng mặt tuần đinh, liền tịch thu mấy chiếc mõ đem về trình quan phủ để làm chứng về chuyện lý trưởng bê trễ công việc, không đốc suất dân phu canh phòng theo đúng quy định. Quan phủ lập tức cho triệu lý Thành sáng hôm sau phải đến phủ hầu!
Biết đầu đuôi câu chuyện, ngay trong đêm, ông lý cho dân các ấp thuộc làng Chiên Đàn cấp tốc khắc tên ấp mình vào mõ canh không được chậm trễ. Sáng ra, vào phủ, thấy quan lớn quăng mấy chiếc mõ bị tịch thu ra và quát nạt, ông lý giả bộ cúi xuống xem xét mấy cái mõ rồi trình bày: “Thưa quan lớn, mấy chiếc mõ ni không phải mõ của làng tui. Đây là mõ của tụi canh (giữ) đám ruộng dưa mô đó! Chuyện ni là do ai đó vu cáo chứ làm chi có chuyện dân làng tui bỏ chuyện canh phòng”. Quan lớn tức tối: “Lính lệ tịch thu từ điếm canh của ấp làng thầy, sao còn dám chối?”. Ông lý bình tĩnh: “Mõ của làng tui có khắc tên ấp nào rõ ấp nấy để không lẫn lộn. Nếu không tin, quan lớn bảo dân đem trình thì biết ngay”.
Kết quả thế nào đã rõ! Quan phủ quở lính lệ; lính lệ tím mặt chịu trận vì thua mưu ông lý trưởng.
Ký đơn cho dân làng khác
Kế làng Chiên Đàn là làng Mỹ Thạch. Đầu làng này, sát đường thiên lý, có một quán mì. Một bữa, lý Thành đang ăn mì thì gặp bốn năm người dân của ấp Bến Bổi thuộc làng Mỹ Thạch vào ăn. Nghe họ bàn tán râm ran, mới biết họ vừa đi xin lý trưởng làng Mỹ Thạch ký đơn cho đắp đập Bến Bổi để dẫn nước vào ruộng mà không được. Biết lý Thành là kẻ cơ mưu, họ xúm nhau vấn kế. Ông lý bảo: “Đắp đập dẫn thủy nhập điền có lợi cho dân sao lý trưởng của các ông không ký? Mấy ông cho tui coi lá đơn viết ra răng?”. Cầm lá đơn vừa được trao, đọc qua, lý Thành lẹ tay móc túi lấy dấu triện làng Chiên Đàn áp vào tờ đơn của dân làng Mỹ Thạch rồi bảo: “Mấy ông đem tờ đơn này lên trình quan phủ, thế nào cũng được giải quyết! Quan lớn có hỏi thì cứ đổ riệt do tôi bày vẽ!”.
Dân Mỹ Thạch đem đơn vào phủ Tam Kỳ. Tri phủ xem dấu triện trên đơn, cho lính lệ gọi ngay lý Thành vào để quở. Thấy mặt ông lý, quan phủ quát: “Sao thầy dám làm chuyện động trời như thế kia?”. Ông lý bình tĩnh trả lời: “Thưa, dân có lúa triều đình mới thu được thuế. Nay, lý trưởng làng Mỹ Thạch không cho dân đắp đập để canh tác mà không có lý do rõ ràng, rứa có phải là ngăn trở việc công ích không? Nếu tui không làm như thế ni, dân không đến trình quan lớn, sự này hồi mô mới giải quyết được đây?”. Quan phủ nghe nói, dịu giọng hỏi dân tình, biết được cơ sự liền phê ngay vào lá đơn duyệt cho đắp đập.
Những chuyện kể có tính chất giai thoại về lý trưởng Huỳnh Thành được nhiều vị cao niên còn nhớ. Họ còn cho biết, do thường xuyên khích bác quan trên và thể hiện tư tưởng dứt khoát đứng về phía dân chúng nên sau vài năm làm việc làng, ông Huỳnh Thành xin nghỉ chức lý trưởng và thề suốt đời “bất dự hương sự” (không tham gia làm làng xã cho chính quyền thực dân phong kiến đương thời).
Ông chưa kịp tham gia các phong trào yêu nước khởi dậy ở địa phương từ năm 1930 thì bị đau nặng rồi qua đời.
PHÚ BÌNH