.

Một gia đình, ba sĩ phu chống Pháp

.

Ở làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) có một gia đình với 3 sĩ phu yêu nước: cụ Nguyễn Dục (cha), Trần Văn Dư (con rể) và Nguyễn Thích (con trai). Bằng nhiều hình thức và hành động khảng khái của mình, họ góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm 80 của thế kỷ XIX.

Cụ Nguyễn Dục được thờ tại nhà thờ tộc Nguyễn làng Chiên Đàn.
Cụ Nguyễn Dục được thờ tại nhà thờ tộc Nguyễn làng Chiên Đàn.

Lấy đạo thánh hiền răn dạy học trò

Ông Nguyễn Dục lúc trẻ đã thể hiện bản chất thông minh và là người con hiếu thảo. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ông đỗ Phó bảng và được bổ nhiệm làm quan, nhưng ông viện cớ mẹ già đau ốm nên phải ở nhà phụng dưỡng. Sang đến hai đời vua Thiệu Trị và Tự Đức, ông được bổ làm quan với nhiều chức vụ khác nhau: Kiểm thảo đến Hành tẩu nội các thời Thiệu Trị; Giáo thụ đến Thị lang Bộ Lễ, sung chức Giáo đạo ở Dục Đức đường thời Tự Đức; ông cũng đã nhiều lần cáo bệnh từ quan. Ở ông, việc làm quan với mục đích là giúp nước, chăm lo dân lành, phàm việc gì có lợi cho nước, cho dân là làm. Ở ông, việc dạy cho học trò, không phải vì lợi lộc, tiền của mà cốt đem sự hiểu biết của mình để răn dạy lớp hậu sinh tinh thần yêu nước, thương dân; lấy đạo lý của thánh hiền để làm gương cho hậu thế.

Phó bảng Nguyễn Dục, tuy không phải là quan võ, không trực tiếp tham gia phong trào chống Pháp, nhưng tấm gương đức độ, thanh liêm của một vị quan, một nhà giáo, đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và tinh thần  yêu nước của các sĩ tử sau này.  

Phất cờ Nghĩa hội chống quân Pháp xâm lược  

Tiến sĩ Trần Văn Dư, con rể của Phó bảng Nguyễn Dục, sinh năm 1839, đỗ Cử nhân ân khoa dưới triều Tự Đức (1868), rồi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm Ất Hợi (1875). Vốn sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, lại được học hành với thầy, vừa là cha vợ sau này, nên đạo đức của gia đình và thầy dạy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tư tưởng yêu nước, thương dân của Trần Văn Dư trên con đường hoạn lộ sau này. Ông từng làm quan đến chức Tán Thiện chánh mông đường, rồi Hồng Lô tự khanh, Biện lý Bộ Lại, sung chức Thương bạc sự vụ. Từng giữ nhiều chức vụ ở các địa phương và nhất là quan lại trong triều, nên ít nhiều ông hiểu hết nội tình và sự thối nát của triều đình Tự Đức cũng như cảnh khốn khổ của dân lành lúc bấy giờ; nhưng có lẽ đến khi ông nhậm chức Sơn phòng sứ Quảng Nam tại Trà My thì mộng ước chống giặc, cứu nước, cứu dân mới được thực hiện. Ông cùng sĩ phu và nhân dân trong tỉnh đứng lên chống Pháp và vua quan triều Nguyễn.

Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), xuống chiếu Cần Vương, thì cũng là lúc triều đình nhà Nguyễn thấy được việc cử Tiến sĩ Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là một điều vô cùng bất lợi, nên liền cử Phó bảng Nguyễn Đình Tựu về giữ chức Sơn phòng và điều Trần Văn Dư vào làm Bố chánh ở Quảng Ngãi. Trần Văn Dư từ chối, cùng với các sĩ phu yêu nước trong tỉnh thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Bước đầu phong trào Nghĩa hội đã có những thắng lợi nhất định. Tháng 9 năm 1885, dưới sự chỉ huy của ông và các tướng lĩnh, Nghĩa hội đã đem quân tiến chiếm tỉnh thành và làm chủ trong khoảng 20 ngày.

Sau khi Nghĩa hội rút quân về đại bản doanh Trà My, liên quân Pháp và Nam triều huy động lực lượng đông đảo, tiến đánh Sơn phòng, làm cho Nghĩa hội thất bại nặng nề. Trước tình thế nguy nan đó, ông cùng với đồng sự, bàn kế “giải giáp quy điền” để bảo toàn lực lượng, chống Pháp lâu dài. Tháng 12 năm 1885, ông giao quyền lãnh đạo lại cho Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, để về kinh đô nhằm tìm ra kế sách có lợi cho phong trào Nghĩa hội. Sự việc bất thành, do trên đường về Huế, ông ghé lại tỉnh thành, bị tay quan lại bán nước Châu Đình Kế bắt và mượn tay quân Pháp chém ông, lúc đó nhằm ngày 13 tháng 12 năm 1885.

Dẫu rằng, sự nghiệp của ông đối với phong trào Nghĩa hội quá ngắn, nhưng công lao và tinh thần yêu nước của ông mãi mãi sáng ngời trong lòng nhân dân Quảng Nam vào buổi đầu kháng chiến chống Pháp và vua quan nhà Nguyễn trong những năm 80 của thế kỷ XIX.

Không chịu sống quỳ, cùng phe chủ chiến chống Pháp

Là con ruột của Phó bảng Nguyễn Dục, Nguyễn Thích đỗ Tiến sĩ dưới triều vua Kiến Phúc (1883), làm quan đến chức Biên tu Hành tẩu Cơ mật viện. Trong lúc nước nhà loạn lạc, triều đình rối ren, phe phái chia rẽ nội bộ; một bộ phận không nhỏ quan lại trong triều bạc nhược, chủ trương hàng giặc để vinh thân; Tiến sĩ Nguyễn Thích cùng với phe chủ chiến chống lại giặc Pháp và bọn quan lại đầu hàng.

Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), quân Pháp được bọn tay sai hậu thuẫn đã ồ ạt tấn công vào kinh thành Huế, ông cùng với các quan lại phe chủ chiến, quân sĩ và đồng bào chống trả quyết liệt, nhưng do tương quan lực lượng chênh lệch, lại bị bọn tay sai mưu phản nên kinh thành thất thủ, ông cùng với một số quân sĩ và đồng bào tử trận. Tuy sự nghiệp chống giặc cứu nước của ông ngắn ngủi, nhưng tinh thần yêu nước, chống Pháp xâm lược mãi mãi sáng ngời.

Việc tham gia vào phong trào yêu nước của gia đình Phó bảng Nguyễn Dục, tuy mỗi người một địa vị xã hội khác nhau, hình thức đấu tranh khác nhau, nhưng đều có chung hoài bão là chống giặc ngoại xâm và bọn vua quan bán nước, sách nhiễu dân lành đáng được người đời trân trọng và ghi nhớ.

PHẠM VĂN BÍNH

;
.
.
.
.
.