.

Gò Son, một thời vàng son

.

Làng Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, có một khu đất thấp lè tè có dạng hình thang, gọi là Gò Son. Gọi thế, bởi phía Tây gò có nổi lên những viên đá sỏi nhỏ màu đỏ son, xưa mấy ông thầy đồ thường lấy về mài làm mực màu son. Gò Son viết theo chữ Hán là Thạch Bạ, nghĩa là đá đeo - loại đá làm đồ trang sức. Căn cứ theo hai chữ này cộng với khảo sát thực địa, người ta đồ rằng thời xa xưa nơi đây có mỏ đá hồng ngọc mà người Chiêm Thành đã khai thác hết rồi bỏ lại những mảnh đá vụn và xấu xí?

Miếu Âm linh trên Gò Son.		   		 Ảnh: V.T.L
Miếu Âm linh trên Gò Son. Ảnh: V.T.L

Gò Son là nơi đóng đồn Trung Sơn, được nhiều sách cũ ghi chép như Hoàng Lê Nhất thống chí; Hoàng Việt Long hưng chí; Đại Việt Sử ký Toàn thư; Phủ biên Tạp lục, Việt Nam sử lược… Thời Đại Việt, đây là khu đồn trung tâm, chỉ huy liên hợp Thủy binh và Bộ binh. Những đồn nhỏ như Liên Chiểu, Câu Đê, Thủy Tú, Nam Ô, Tân Ninh, Sứng trên đèo Hải Vân… đều trực thuộc đồn trung tâm này.

Ngoài ra, Trung Sơn còn có hai đồn vệ tinh quan trọng. Đồn Bộ binh nằm cách đồn lớn chừng hai cây số về phía Đông Nam, đóng tại xóm Trại Hồng Phước, thuộc làng Đa Phước, phường Hòa Khánh ngày nay; nối liền với nhiều làng xã khác thuận lợi giao thông đường bộ. Đồn Thủy binh nằm cách đồn lớn chừng một cây số về phía Tây Bắc, đóng tại vườn ông Tổng thuộc xóm Thổ Vân Dương; xa xưa nơi đây có nhiều kho vựa lúa tập kết xuống ghe và chở đi nơi khác. Theo nhà nghiên cứu Mai Phước Ngọc trong bài viết Khu căn cứ quân sự Gò Son Trung Sơn đăng trên báo Hương sắc Việt Nam, những vị chỉ huy đồn Trung Sơn này thường là Đô đốc hoặc các vị tướng có chức vị tương đương; các vị này có điều kiện khai phá, thành lập làng xã nên thường đứng Tiền hiền ở các làng xã ấy.

Vào thời kỳ dòng sông Hóa Ổ (sông Chà Gàm) còn nguyên sơ, lượng phù sa đổ về chưa đáng kể, sức con người chưa dám lấp sông làm ruộng lúa thì Gò Son là một bán đảo đất cát trắng phau, bằng phẳng, rộng hơn mặt bằng hiện tại, và cao hơn rừng cấm Trung Sơn bây giờ. Đứng trên Gò Son ngày đó có thể nhìn rõ những làng xã chung quanh và cả một vùng rộng lớn Thanh Khê, Đà Nẵng nữa.

Ba mặt tây - nam - bắc của gò là vùng sông nước mênh mông, ao hồ lai láng. Ghe thuyền lớn nhỏ từ đây xuôi ngược ra biển một cách dễ dàng hoặc đến tận các làng xã trong khu vực như Phò Nam, Nam Yên, Hội Yên, Trường Định, hoặc đến Tân Ninh, Hòa Mỹ (trên), An Ngãi… Riêng mặt đông của gò nối liền với khu rừng cấm rậm của làng Trung Sơn, một khu rừng “huyết mạch” của dân làng nên đến ngày nay vẫn tồn tại, trong khi đó các rừng cấm của các làng lân cận như Xuân Thiều, An Ngãi Đông, Vân Dương, Thanh Sơn, Hòa Mỹ… đã biến mất.

Những vùng dân cư lân cận với đồn như xóm Thổ, xóm Trại (của làng Vân Dương), xóm Phái Nhì, Phái Sáu, Phái Năm, Phái Ba, xóm Đồng Cấu (của làng Quan Nam) hoặc những đồng ruộng lúa thuộc làng Tân Ninh, Vân Dương, Hưởng Phước, hay An Ngãi ngày nay đều nằm trên vùng biển cạn bị bồi lấp. Dân địa phương ngày nay còn bắt gặp những mỏ neo, ván thuyền, dây đồng hoặc chì lưới đánh cá… nằm trong lòng đất. Điều dễ thấy nhất là mỗi khi đào giếng tại vùng đất nói trên lại bắt gặp vỏ nghêu sò ốc hến; nước giếng thì có vị mặn, chua, chát, vàng đục không thể uống được. Còn những vùng không thuộc địa chỉ trên thì nước ngọt, trong veo, tốt.

Từ cuối Nhà Trần đến Nhà Hồ rồi đến Nhà Lê sơ, vùng biển cạn này được tiếp tục khai thác để làm ruộng lúa gọi là quan điền do nhà nước trực tiếp quản lý dân cày cấy tự do rồi đóng lúa tô. Đến thời các chúa Nguyễn mới đổi thành công điền, rồi chia cho dân cày. Từ đó dân mới có quyền làm nhà trên ruộng để ở (không bị cấm như thời quan điền). Do vậy nên nhiều khu xóm, ấp được mọc lên, giảm bớt màu xanh đồng lúa.

Gò Son - đồn Trung Sơn đã diễn ra nhiều trận chiến, nhất là thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, thời Tây Sơn – Nguyễn Ánh. Sau chiến tranh, người dân nghĩ ngay đến việc tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Bấy giờ, dân làng Vân Dương đào đất lấy cát Gò Son lấp ao hồ chung quanh để biến thành ruộng lúa. Trong thời Tây Sơn (1776  - 1801), làng có thêm được hơn  6 mẫu ruộng tư (độ 3 mẫu tây), nhưng cũng đã làm biến mất một nửa diện tích Gò Son. Nghiêm trọng nhất là phần đất bị đào là nền đồn Trung Sơn cũ.

Ngày nay ai muốn đến Gò Son để tìm lại dấu vết phong độ thời vàng son của khu đồn xưa sẽ hoàn toàn thất vọng. Bởi bàn tay con người đã làm hình thể toàn khu gò thay đổi rất nhiều. Người dân địa phương muốn biết đồn Trung Sơn ở đâu, như thế nào, có từ bao giờ cũng do những cụ già xưa kể chuyện lại mà thôi. Trên gò còn ngôi miếu Âm linh với những phiến gạch xưa được kết dính bằng vôi và mật ong, liễn đối được cẩn bằng chén bát cổ. Cả vùng xưa là chiến trường nên có nhiều ngôi mộ nghĩa sĩ không xây kịp lâu ngày bị vùi trong cát, hầu hết đều không có thân nhân. Miếu Âm linh là nơi cả làng quay về hương khói hằng năm, và gọi gò đất có nhiều mộ này là gò Mồ Côi để tưởng nhớ các nghĩa sĩ ngày nào…

VĂN TẤT - THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.