Thái Đình Lan, một nho sinh Đài Loan trên đường đi thi về bị gió bão trôi dạt đến xứ Quảng, được nhân dân Quảng Ngãi cứu giúp, rồi được vua Minh Mạng cho người hộ tống đi về bằng đường bộ. Họ Thái đã có cuộc leo đèo Hải Vân khá thú vị, không đi qua con đường thông thường mà ta đã biết.
Hiện chỉ còn di tích Hải Vân Quan trên đỉnh núi Hải Vân. Ảnh: L.T.C |
Thái Đình Lan ra đi từ tờ mờ sáng, nhìn lên đèo thấy mây trắng che mù mịt không thấy được đỉnh đèo. Khi mặt trời lên cao thì ông “đã lên tới một quả đèo nhỏ, rồi quanh co đi xuyên qua bờ biển, mặt biển ầm ào, nước tung sóng réo, vang động hang vách. Đến mé ngoài một thôn nhỏ có đồn canh của quan thủ tấn (tấn thủ - NV), xét hỏi rất nghiêm ngặt”.
Ông tiếp tục theo chân núi mà đi lên, cây cối, chim, hoa bày ra trên đường, “phong cảnh thật không bút nào tả xiết”: “Lên được quá nửa, thấy thế núi cao lưng trời, bậc đá chồng nhau như vảy cá, trông như chiếc thang mây nghìn trượng. Phu võng đặt ngang đòn võng trên vai mà đi, các linh hộ tùng đỡ lưng xốc nách để giúp sức cho tôi. Mỗi lần nhấc chân, đầu gối phải nâng chạm ngực, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng như mưa. Phải đi bảy tám dặm như thế mới lên đến đỉnh đèo”.
Lên đến đỉnh đèo, Thái Đình Lan có dịp được nhìn ngắm cảnh vật, tận mắt thấy công trình phòng thủ của nhà Nguyễn tại đây. Ông tiếp tục mô tả một điều mà ngày nay ta cho là khá đặc biệt: “Ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ, ngước lên thấy bức tường đá dựng đứng có tấm biển gỗ gai tím dày khoảng một thước đề chữ lớn “Hải Sơn Quan”. Ở đây đặt một viên đồn thủ và mấy chục tên lính cứng mạnh, khí giới súng ống bày la liệt đúng là con chim cũng không bay qua nổi”.
Tại sao có tấm biển đề “Hải Sơn Quan” mà không phải là “Hải Vân Quan” như những gì chúng ta thường biết về đèo ải này?
Thực ra núi Hải Vân là tên của 3 ngọn núi được sách Đại Nam nhất thống chí (Tập 1, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tr.131, 132) thời Tự Đức chép khá kỹ, là chỗ phân định ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam đương thời: “Phía tây núi là Bà Sơn, phía bắc là Hải Sơn, ba ngọn núi liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy giăng đến bờ biển, gần như đứng trong biển”. Sách cũng cho biết rằng thời Minh Mạng cho đặt ở đây 3 quan ải, một trên đỉnh Hải Sơn và hai cái trên Hải Vân, có cho “xây đá làm bậc để tiện đường đi lại”.
Đại Nam nhất thống chí ngoài chép về cửa Hải Vân còn chép thêm về cửa Hải Sơn: “Ở phía bắc Hải Vân quan, có một cửa cao 1 trượng, 1 thước 6 tấc, rộng 8 thước 1 tấc, tả hữu lũy đã tiếp nhau, rộng 17 thước linh, xây năm Minh Mạng thứ 16” (sđd, tr.169).
Thường thì người ta chọn những chỗ quan yếu của một vùng đất để xây đặt cửa quan. Đương thời về phía bắc kinh đô có “Hoành Sơn Quan” và phía nam có Hải Sơn Quan (được Thái Đình Lan ghi nhận năm 1835), nhưng ở đây còn có một cửa quan nữa là Hải Vân Quan mà tấm biển đá còn đến ngày nay cho biết nó được tạo lập từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831, Đại Nam nhất thống chí cho là năm Minh Mạng thứ 16) đắp cửa Hải Sơn ở trên núi Hải Vân, gọi tên núi ấy là núi Cao An (Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mạng chính yếu, tập 2, NXB Thuận Hóa, Huế, tr. 243).
Như thế, là phải có hơn một lối đi qua dãy Hải Vân. Ngoài lối đi mà ngày nay chúng ta có thể hình dung được qua di tích Hải Vân Quan thì còn hai cửa quan khác, trong đó có Hải Sơn Quan (từ 1831 hoặc 1835) và một cửa nữa. Vị trí của nó ở đâu còn là dấu hỏi.
Quá trình nghiên cứu chúng tôi có tiếp cận một tài liệu địa chí địa phương là Hòa Vang huyện chí bổ sung tư liệu về các con đường đi qua Hải Vân. Hòa Vang huyện chí đề soạn ngày rằm tháng 9 năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái. Tác giả di thảo là Mảnh Trai, Trần Hy Tăng. Cháu ngoại là Đỗ Thúc Trầm sao lại. Tú tài Trần Nhật Tỉnh chú giải và tăng bổ.
Ngay ở phần viết về núi Hải Vân, tú tài Trần Nhật Tỉnh đã bổ khuyết về các con đường đi qua Hải Vân, có thể bổ sung vào việc xác định các con đường qua dãy núi này: “Ở phía Tây núi Hải Vân, còn có một con đường khác. Phía Nam bắt đầu từ xã Liên Chiểu mà đi lên, trong con đường có nhiều cụm đá lớn chồng chất, đứng thẳng như hình trạng con người. Người đi phải bám vào đá vịn vào cây mà lên, đến giữa đỉnh Ba Tiêu hác, tục gọi là Hốc Chuối, rồi theo khe mà đi xuống phía Bắc trên những tảng đá bàn lớn, từng bước từng bước rất nhanh. Phía Bắc giáp phủ Thừa Thiên. Nơi giáp tiếp là phía tây sông Hoàng Giang. Nơi đây, hồi năm Tự Đức thứ 12, thị vệ Cẩm đã đi xuyên qua con đường này.
Ngoài ra còn có một con đường khác, bắt đầu từ phía Bắc núi Trường Định, lên đến một chót cao, hình giống yên ngựa. Từ đó đi xuống phía Đông vài trăm trượng đến Hốc Chuối là nơi tuyệt đẹp. Mùa Đông năm Tự Đức thứ 12, Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam là Thân Văn Tiếp, vâng lệnh vua đi khám xét con đường ấy, đã đến nơi đây và bảo với người ta rằng: vịn vào cây đá để đi khắp, đâu có phải nơi này! Thoạt có năm người trai tráng có sức khỏe thần kỳ, ngăn không cho ông ta xuống khỏi nơi này” (Nguyễn Đình Thảng dịch, bản đánh máy, mục núi Hải Vân).
Như thế là đã rõ, Hải Vân không phải là độc đạo mà có tới “3 quan ải” trong đó có Hải Vân Quan và Hải Sơn Quan (không gần nhau vì nếu gần nhau thì Thái Đình Lan đã nhìn thấy được). Trong dân gian còn có các lối đi khác được xác định trong Hòa Vang huyện chí như đã trích dẫn ở trên.
LÊ TIẾN CÔNG