Trần Đăng Long (húy là Đăng Sỹ) sinh ngày 10 tháng 4 năm Canh Thìn (năm Cảnh Hưng thứ 21 Triều Lê - tức năm 1760) tại làng An Quán, tổng An Nhơn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Ông là con của Trần Đăng Hiếu (húy là Đăng Khoa) được triều Gia Long phong phẩm hàm “Anh dũng tướng quân, khinh xa đô úy, thần sách vệ úy” và bà Nguyễn Thị Di, được phong phẩm hàm “Tam phẩm thục nhơn”.
Lăng mộ (ảnh trái) và mộ bia Tráng võ tướng quân Trần Đăng Long. |
Theo Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam (quyển hai) thì Trần Đăng Long dung mạo khôi ngô tuấn tú, có sức mạnh, nhanh nhẹn. Thuở nhỏ ông theo gia đình và thân phụ vào lưu ngụ ở Gia Định. Năm 19 tuổi, ông đầu quân theo phò Nguyễn Ánh từ buổi đầu, làm đến chức Khâm sai thuộc nội Vệ úy Thần sách. Nguyễn Ánh nhận thấy ông là người có tài lại trung thành nên thường cho đi chinh chiến và đã lập được nhiều chiến công.
Năm 1784, Nguyễn Ánh chạy sang Vọng Các (Bangkok - Xiêm La, nay là Thái Lan), Trần Đăng Long bị bệnh không theo được, ẩn ở thôn quê, sợ quân Tây Sơn bắt nên giả câm nhưng vẫn bị bắt. Quân Tây Sơn toan giết ông nhưng sau đó ông thoát được.
Năm 1787, Nguyễn Ánh về Gia Định, ông lại theo hầu, đem quân đi đánh các nơi và trong năm này ông được thăng Túc trực đội trưởng. Năm 1792, ông đi theo Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn, vào thẳng cửa biển Thị Nại, đốt phá binh thuyền Tây Sơn rồi rút về Gia Định. Năm 1794, ông theo Đông cung Cảnh trấn đóng ở Diên Khánh (nay thuộc Khánh Hòa), từ đây bắt đầu tiến đánh Thị Nại.
Năm 1795, ông theo đại quân của Nguyễn Ánh đi giải vây ở Diên Khánh, đóng quân ở núi Gian Nan, ngăn đường chạy của quân Tây Sơn. Năm sau được thăng Thuộc nội cai đội vệ Túc trực. Năm sau nữa, ông theo đánh Quảng Nam, đi thuyền theo Nguyễn Văn Khiêm đang đêm bất ngờ tập kích vào cửa biển Đà Nẵng đốt phá binh thuyền của quân Tây Sơn.
Năm 1799, ông theo đánh Quy Nhơn và đã thắng trận; sau đó cùng với đại binh theo đường bộ lui về. Năm sau, quân Tây Sơn vây thành Bình Định, ông theo đại binh đi cứu viện.
Năm 1801, ông theo Nguyễn Văn Trương đang đêm vào đánh cửa biển Thuận Hóa, lấy lại được kinh thành Phú Xuân. Do lập được nhiều chiến công, ông được thăng Vệ úy vệ cung vũ, đem binh thuyền đến Bình Định đánh tiếp.
Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được triệu về kinh đô Phú Xuân. Năm sau ông được thăng Vệ úy vệ tiền nhất quân thị trung khâm sai thuộc nội cai cơ. Năm 1804, ông chỉ huy quân binh xây đắp hoàng thành, dựng cung điện, làm nhà quân. Năm 1808, ông cùng với hữu tham tri Bộ Công là Nguyễn Đức Huyên sung chức duyệt tuyển ở Bình Hòa (nay thuộc Khánh Hòa), về sau mỗi khi gặp kỳ duyệt tuyển ông thường cùng làm với quan văn sung. Năm 1814, ông được sung làm phó sứ Sơn Lăng. Mùa thu năm 1817, ông theo chức cũ làm Liêu thủ (lưu thủ) trực thuộc doanh Quảng Nam.
Vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được triệu về kinh, theo chức cũ phụ trách trông coi việc ở Võ khố. Năm Minh Mạng thứ năm (1824), ông được thăng Thống chế doanh tiền phong quân nội thị. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), ông kiêm quản 3 đội Tả vệ, Hữu vệ và Hoàng kiếm, rồi sau đó ông được thăng Phó đô thống chế doanh Hậu quân thần sách và vẫn kiêm quản kho Võ khố như cũ. Năm Minh Mạng thứ bảy (1826), ông được sung làm giám thí trường thi Hội. Năm Minh Mạng thứ tám (1827), ông được gia hàm Đô thống kiêm quản cả việc tào chính.
Giờ Thân ngày 12 tháng 12 năm Minh Mạng thứ chín (1828), Trần Đăng Long bị bệnh mất ở sảnh đường công quán, thọ 69 tuổi. Ngày 13 tháng 12 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng xuống chiếu: “Phó Đô thống chế doanh Hậu quân Thần Sách gia phong Đô thống hàm Trần Đăng Long có nhiều công lao với triều đình. Nay vì bệnh mất Trẫm hết sức thương xót, ngoài việc chu cấp theo lệ thường, nay ân thưởng thêm 200 lạng bạc, 5 cây gấm đời Tống để sung dùng lo việc. Lại truy tặng Đô thống của dinh đó để tỏ lòng sủng ái của Trẫm...”.
Nói về công trạng của Trần Đăng Long trong việc một lòng phò theo Gia Long Nguyễn Ánh trong những năm tháng bôn tẩu và hết lòng, hết sức phục vụ triều đình sau này, hai câu thơ trong bài chiếu của vua Minh Mạng nêu: “...Quan vất vả theo gót Đế trước sau thời bôn tẩu/ Tướng siêng năng hầu cận Vua kính cẩn nghiêm minh...”.
Hiện nay, lăng mộ Tráng võ tướng quân Trần Đăng Long và phu nhân tọa lạc tại thôn 8, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
AN TRƯỜNG