.

Chợ nón Mỹ Xuyên

.

Mặc dù về sau được đổi thành Xuyên Mỹ, nhưng tên gọi chợ nón Mỹ Xuyên vẫn lưu lại trong lòng khách thập phương hình ảnh đằm thắm đầy sắc màu chân quê của các loại nón trên đất Duy Xuyên xưa.

Thi chằm nón tại Hội làng Mỹ Xuyên. (Ảnh tư liệu)
Thi chằm nón tại Hội làng Mỹ Xuyên. (Ảnh tư liệu)

Các cụ kể rằng, những dân binh ở Thanh Hóa đầu tiên vâng lệnh vua Lê Thánh Tông theo chân Đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công vào lập nên làng Mỹ Xuyên đã mang theo nghề chằm nón từ quê mình vào miền đất mới. Ban đầu, sản phẩm làm ra chưa thành hàng hóa nên nghề này chỉ làm lúc nông nhàn với lao động chính là phụ nữ và trẻ em. Thời đó việc đi lại còn khó khăn nhưng phải lặn lội ra tận Thanh Hóa để mua các loại vật liệu như khuôn nón, vành, lá, chỉ... nên ít có người làm, mãi cho tới sau này, chủ yếu là trong kháng chiến chống Pháp, nghề chằm nón ở Mỹ Xuyên mới phát triển mạnh.

Năm 1947, quân Pháp đánh vỡ tuyến phòng thủ phía Nam sông Thu Bồn, nhân dân vùng này phải tản cư hết vào Quế Sơn, Hiệp Đức theo lệnh của Chính phủ Việt Minh thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống”. Ở đó, bà con được đón tiếp ân cần và bố trí nơi ăn ở chu đáo; đàn ông đi làm ruộng, làm rừng; phụ nữ, trẻ em học và làm nghề chằm nón. Quế Sơn lúc đó có sẵn các loại vật liệu để làm nón lá như: tre để chẻ vành, lá nón có sẵn trên núi, có cây đoát để quấn vành và chằm thay cho chỉ tơ, dầu rái để đánh nón khi chằm xong.

Xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, có chợ Đụn chuyên bán nón nên sản phẩm làm ra đến đâu bán ngay được đến đó và nghề chằm nón đã góp phần chống đói cho dân tản cư. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đồng bào hồi cư đem theo nghề mới về quê, từ đó hình thành nên các làng, xã có nhiều người chằm nón như Duy An, Duy Thành, Duy Phước… Số nón sản xuất ngày một nhiều nên đã hình thành chợ nón Mỹ Xuyên (nay thuộc thị trấn Nam Phước).

Để có được một chiếc nón hoàn chỉnh phải qua 12 công đoạn theo thứ tự từ chẻ vành, bắt vành, gỡ lá, ủi lá, xâu lá, lồng bài thơ, chằm, nức vành cuối, soài vành chỏm, đánh dầu bóng, xỏ quai lơi, cột quai nón. Thông thường nón bán ra chỉ cần làm 10 công đoạn đầu, hai công đoạn cuối người mua tự làm theo ý mình. Khuôn nón có nhiều loại như khuôn Huế, khuôn Quảng. Trong khi khuôn Quảng có đến 16 vành (tính từ rìa nón đến đỉnh nón) thì khuôn Huế chỉ có 12 vành, có lẽ vì thế mà nón Quảng chắc hơn, còn nón Huế thì… nên thơ hơn.

Vành lớn nhất có đường kính 40cm, các vành từ nhỏ đến lớn đều được khắc thành gờ xâu trên kèo, đầu nhỏ chụm vào nhau được xâu lại và chân kèo được cột bằng mây cám vào một vòng tròn bằng tre ngâm gọi là nòng. Kèo khuôn được làm bằng các thứ gỗ chắc như lim, sến, dẻ... là những loại gỗ không bị nứt thớ.

Ngày trước, có nhiều người thợ tài hoa đã góp phần vào thời hoàng kim của nghề chằm nón lá ở Mỹ Xuyên. Làm khuôn nón có nhiều người mà nổi tiếng nhất là ông Là, nay còn truyền nhân là ông Nguyễn Văn Bổn. Chẻ vành và bắt vành có ông Giác lừng danh, nay còn lại các ông Nguyễn Quang Cư, Nguyễn Ngọc Toản. Bán lá nón có các bà Hoa, bà Hân, bà Thạnh, bà Hội, bà Bốn Ngẫu. Đục bài thơ có các ông Hươn, ông Tâm, ông Phú, ông Tờn. Phụ trách “đầu ra” của sản phẩm có chị em bà Sổ, bà Sách chuyên mua nón bán; các ông Sáu Sanh, Tỉnh, Bảy Xá... mua nón đóng thành “cây”, mỗi “cây” 500 chiếc để chở đi Sài Gòn tiêu thụ.

Chợ nón Mỹ Xuyên đông hằng ngày từ sáng sớm. Người mua đã quen mặt nên biết nón của ai chằm đẹp, không cần coi kỹ mà chỉ đếm số lượng và trả tiền. Cũng có khi người chằm nón mượn tiền người mua trước, sau đó chằm nón đem trả dần. Lúc nón lá ế ẩm có câu tục ngữ rất chua chát “nghề xỏ lá chẳng khá hơn ai”, nhưng có một điều cần ghi nhận là vào những năm kinh tế còn khó khăn, nghề chằm nón là nghề kiếm cơm của dân nghèo, thậm chí khi chạy giặc thì đầu đội chiếc khuôn, tay cầm cái mác, cái kéo, ôm bó lá vành, đi đến đâu cũng không sợ đói...

Ngày nay, chiếc nón lá không còn là cái để phụ nữ làm duyên khi “chưng diện” hay che nắng che mưa khi lao động. Vì thế, nghề chằm nón cũng đã mai một dần và chợ nón Mỹ Xuyên cũng không còn đông đúc như xưa. Về Mỹ Xuyên hôm nay, chỉ thấy lác đác một vài người làm cái nghề từng giúp họ mưu sinh này, như chị Khanh ở Xuyên Tây 1, chị Lượng ở Xuyên Đông 2. Cũng còn một vài chị khác, nhưng họ chỉ làm hàng đặt, người trong nghề thường gọi là nón dặn, nghĩa là có ai dặn thì mới làm.

NGUYỄN QUANG CÂN

;
.
.
.
.
.