.

Ký ức chiến thắng Hải Vân

.

Sau những trận đánh ác liệt trong nội thành Thái Phiên (Đà Nẵng) và vùng phụ cận, quân Pháp đẩy lùi quân ta về các chiến khu nằm sâu trong vùng trung du rừng núi Quảng Nam. Quân Pháp tại Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của quan Sáu (đại tá) Charles Roger, điều quân ra tiếp viện mặt trận Thuận Hóa (Huế).

Một đoạn đèo Hải Vân phía Đà Nẵng ngày trước. (Ảnh tư liệu)
Một đoạn đèo Hải Vân phía Đà Nẵng ngày trước. (Ảnh tư liệu)

Đoán được ý đồ của quân Pháp, cấp trên liền điều Tiểu đoàn 19 do ông Giáp Văn Cương làm tiểu đoàn trưởng đang đóng ở chiến khu Trần Hưng Đạo (Phú Túc) cấp tốc hành quân về phía đèo Hải Vân. Ông Bùi Tam, thường gọi Hai Tam, 84 tuổi, hiện ở tại tổ 37 Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, ngày đó là bộ đội Đại đội 10, Tiểu đoàn 19.

Ông Tam là một trong vài người cao to nhất tiểu đoàn ngày đó được phân công mỗi người mang 2 quả đạn “cà nông”, đã được công binh khoan sẵn để đặt kíp nổ, hành quân theo tiểu đoàn. Cả tiểu đoàn chỉ có vài khẩu trung liên, 1/3 chiến sĩ có trang bị súng trường kèm theo một cơ số đạn ít ỏi, còn lại là vài chục quả lựu đạn và vũ khí tự tạo như: kiếm, mã tấu, mác... Đặc biệt là lao, mỗi người vào rừng chặt một cây giang chuốc nhọn bén như gươm, hơ qua lửa cho cứng, vừa làm gậy vượt núi rừng vừa làm vũ khí.

Xuất phát từ chiến khu Phú Túc băng qua Bà Nà, Ba Viên suốt đêm, đơn vị của ông hội quân cùng một đại đội thuộc tiểu đoàn đóng tại Cô Hôn Nam Yên (xã Hòa Bắc hiện nay). Lại thêm một ngày, một đêm nữa, vượt qua dốc cao rừng thẳm. Biết bao là gian khổ! Mỗi người, ngoài phần lương thảo do cấp dưỡng tiểu đoàn chia, còn có 4 vắt cơm do nhân dân trong vùng tiếp tế dùng cho cuộc hành quân. Sức ăn trai tráng lúc ấy, với chừng ấy lương thực còn phải dành lại một vắt trước khi xung trận quả là ý thức “chịu đựng, vượt khó” của bộ đội ngày đó mạnh mẽ biết chừng nào.

Đến điểm phục kích, ông và đồng đội đặt 6 quả “cà nông” áp vào dạ cầu và hai đầu cầu Suối Đôi nằm giữa lưng chừng đèo Hải Vân, chờ giặc.

Mặt trời lên, vừa tan sương mù. Đoàn xe hàng chục chiếc lù lù từ dưới bò lên, Jeep, Dodge, GMC chở đầy lính Pháp lọt vào ổ phục kích của ta. 6 tiếng nổ liên hồi cùng lúc rền vang… Chiếc xe đầu tung lên, chiếc tiếp theo gục xuống suối, những chiếc sau nữa hoảng hốt, loạng choạng lật nghiêng, có chiếc nhào xuống hố.

Tiếng hô xung phong dậy trời, sung nổ đùng đùng, quân ta từ trên xông xuống, từ dưới bật lên. Quá bất ngờ, quân Pháp chưa chuẩn bị cho trận đánh xáp lá cà thì quân ta đã kiếm vung, mã tấu chặt, mác đâm, lao thọc… Xác giặc Pháp hàng trăm tên không đếm xuể, tù hàng binh bắt được cũng vô thiên lủng, bên ta gần 30 đồng chí hy sinh.

Kết thúc trận đánh, ông Tam nhớ lại, khi thu dọn chiến trường, phát hiện trong túi áo của một quan sáu ngồi trên xe Jeep có một cái ví mang tên Roger và ảnh vợ con, gia đình. Biết đây là viên tư lệnh quân Pháp tại Đà Nẵng, chiếc ví được đưa về Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, nghe nói sau đó cấp trên gửi về cho vợ con viên tư lệnh quân Pháp.

Đoàn quân chiến thắng trở về, không đi theo đường cũ hiểm trở mà men theo chân núi từ khe Liên Chiểu đến Đá Bà Trường Định. Người dân quanh vùng nghe tin chiến thắng đã đón mừng náo nức. Những đòn bánh tét nấu sớm, những khổ thịt heo béo ngậy, những con cá tươi rói cùng hàng chục chiếc ghe mành của vạn thuyền Nam Ô được cơ sở huy động rầm rập hân hoan đưa quân về căn cứ Nam Yên.

Đêm liên hoan mừng công, nhiều tiết mục được sáng tác kịp thời nhằm ca ngợi chiến trận vang dội ấy, trong đó có bài hát “Hải Vân chiến thắng” không rõ ai là tác giả, ông Tam chỉ nhớ lõm bõm vài câu.

Rất may, người viết có lần gặp ông Trần Hữu Toản, sinh năm 1935, người quê gốc Nam Ô, là Việt kiều định cư ở Mỹ hơn 20 năm, nay hồi hương. Lúc vui vẻ cao hứng, ông đã hát bài “Hải Vân chiến thắng” với chất giọng già không mấy ấn tượng. Ông Toản cho biết: Hồi đánh đèo Hải Vân, làm cho quan Sáu Roger tử trận tại cầu Suối Đôi (sau này Pháp đổi tên thành cầu Roger), ông độ chừng 12-13 tuổi theo cha đi ghe mành lên Nam Yên xem bộ đội diễn văn nghệ, được một chú bộ đội bày cho bài này. Ông về Nam Ô bày lại cho thiếu nhi, các cháu hát vang trong những đêm sinh hoạt.

Hồi qua Mỹ - ông tâm sự, mỗi lúc thù tạc với các bạn già cùng mang niềm hoài niệm nhớ cố hương, không biết hát bài gì nên tôi đem bài này ra “bằm” miết, riết một hồi thành tiết mục văn nghệ trong những lần gặp mặt. Không những mình “nhuyễn” mà các bạn già xa quê cũng “nhuyễn” theo!

Mới đây, qua một anh bạn làm báo, mới biết “Hải Vân chiến thắng” là thơ của Lương Triệu, do Hoàng Chi Lăng phổ nhạc. Bài hát vẫn còn vang vọng hào khí của 65 năm qua: Hải Vân rừng xanh âm u. Hải Vân núi đèo hoang vu (…) Ngày bừng xuân khi quân Nam vùng thét lên khi súng khua dồn hơi sương (…) Đây cầu Rô-giê thu năm xưa quân thù đã bao kinh hoàng…

HÙNG DUYÊN

;
.
.
.
.
.