Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam việc kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho đội quân chính quy, song ở các địa phương thường được giao quyền chủ động bởi chính những người dân địa phương, những dân binh, ngư dân hằng ngày bám biển, bởi họ mới thực sự là chủ nhân của biển cả. Tư liệu Hán Nôm ở các địa phương cho thấy vai trò quan trọng của người dân đối với việc bảo vệ biển đảo.
Tài liệu điều tra năm 1942 của trường Viễn Đông Bác Cổ cho thấy làng Tân Hiệp lúc bấy giờ có giữ 3 tờ phê về việc giao cho dân trên đảo ngày đêm tuần phòng (ảnh trái) và Chiếu Minh Mạng năm thứ 5 (1824) giao cho Nguyễn Văn Tảo tham gia thủy quân. |
Cái lợi của tuần tra mặt biển từng được vua Minh Mạng chỉ rõ như trong sách Minh Mệnh chính yếu, tập 3, tr.310: “Đi tuần phòng ven bể, một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thiện dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không dám gây sự. Thế có phải là một việc mà được ba điều lợi không”. Một trong những cái lợi trực tiếp không được vua Minh Mạng đề cập trong lời dụ trên là bảo vệ vận tải biển, vốn được sử dụng rất nhiều trong việc vận chuyển sản vật và vật liệu ở các địa phương về kinh đô.
Việc tuần tra, kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho đội quân chính quy, song ở các địa phương thường được giao quyền chủ động. Các tỉnh lấy dân địa phương (dân ngoại tịch) rồi lập thành các đội tuần tra, như tháng 7-1803, Gia Long cho mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa, đội Bình Hải để sai khiến. Minh Mạng cũng quy định ở các tỉnh có hải phận đều đóng hai, ba chiếc thuyền nhanh nhẹ, và sai nhân dân các đảo sửa chữa thuyền đánh cá, liệu cấp khí giới để đi tuần thám.
Rõ ràng quân địa phương đóng vai trò quan trọng, là “tai mắt” của triều đình trong việc nắm bắt thông tin, tuần thám trên biển, điều này có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng từ các tư liệu trong chính sử nhà Nguyễn, đặc biệt là Đại Nam thực lục chính biên và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho thấy, trước mỗi chuyến đi Hoàng Sa, Nhà nước đều có chiếu cho các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tìm những người thông thạo đường biển để sai phái đi làm việc công. Thành phần ra đảo là thủy quân Nhà nước và dân phu ví như châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cho thấy thành phần một lần đi khảo sát Hoàng Sa gồm 22 binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa (theo “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới quốc gia, NXB Tri Thức, 2013).
Gần đây ở Việt Nam phát hiện ra rất nhiều các tư liệu trong dân gian về các dòng họ có truyền thống bám biển, giữ biển được Nhà nước trọng dụng vào việc công đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của người dân địa phương. Đó là tờ lệnh phát hiện tại nhà thờ dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đề ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) có nội dung chọn người có tài năng và kinh nghiệm đi thám sát vùng biển Hoàng Sa, “chọn thêm những dân phu ven biển thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền. Cốt yếu là phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi”.
Báo Bình Thuận số ra ngày 14-8-2012, có bài “Phát hiện thêm tài liệu mới về Cai đội thủy binh ở Bình Thạnh” nói về tộc Lê ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hiện còn lưu giữ một số hiện vật, tài liệu có nội dung liên quan đến điều động lính thủy binh làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo trong hải phận.
Tại Quảng Nam, 3 tờ sai có nội dung giống nhau dưới thời Chánh Hòa, Vĩnh Thạnh, Cảnh Hưng phát hiện tại xã Tân Hiệp (Cù lao Chàm, Hội An) được phát hiện cũng cho thấy nơi đây công tác tuần phòng trên biển được giao cho nhân dân: “Bắt dân trên hòn Cù lao Chàm phải tuần phòng đêm ngày, lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó”. Châu bản ngày 8-2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ghi nhận đơn của người dân Cù lao Chàm: “Bọn Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tuân, Ngô Văn Tính, Nguyễn Văn Thoái ở phường cù lao Tân Hiệp tâu xin miễn binh đao và thuế lệ để canh giữ đài Hỏa Phong và tuần phòng ngoài bể. Vua phê: “Chuẩn y lời tâu xin”.
Dòng họ Phạm Văn ở làng An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng đang giữ được hai tấm sắc phong của triều Nguyễn cho ông Phạm Văn Cục, Phạm Văn Trận là những người có công trong thủy quân.
Chúng tôi cũng phát hiện ra một số chiếu và sắc dưới thời Minh Mạng năm thứ 5 (1824), Minh Mạng năm thứ 8 (1827) và năm Tự Đức 2 (1849) cùng giao việc cho cùng một người có tên là Nguyễn Văn Tảo, hàm cửu phẩm, quê tại xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam làm công việc Thư lại tại đội 4, thuộc chi trong doanh Trung, từ công việc tập sự được chính thức làm việc trong quân vì đã “tính toán nhanh nhẹn”. Con của ông cũng nối nghiệp làm việc trong thủy quân.
Như thế những tư liệu từ chính sử nhà Nguyễn và các tư liệu phát hiện trong nhân dân các tỉnh miền Trung đều có những nội dung thống nhất khi đặt vấn đề bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển được giao cho người dân địa phương ở những vùng có truyền thống đi biển, bám biển. Đó cũng là cách làm đúng đắn bởi chỉ có những người dân mới làm chủ được vùng biển rộng lớn của đất nước.
MINH NHẬT