Xưa, ở nam Quảng Nam có lưu hành đoạn ca dao gồm mấy câu lục bát kể một số địa danh ven đường thiên lý từ phía nam của tỉnh Quảng Nam trở ra: “Kể từ Bến Ván, Vân Trai/ Ngó ra Trảng Chổi đường dài thậm xa/ Kể từ Ông Bộ kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bà Bầu/ Tam Kỳ, Chợ Vạn Thầu Đâu/ Bước qua đường cái là Lầu ông Tây/ Chiên Đàn chợ mới gần đây/ Kế Xuyên mua bán đông tây nhộn nhàng/ Hà Lam kế sát phủ đường/ Phía ngoài bãi cát Hương An nằm dài…”.
Những địa danh trong đoạn 6 câu lục bát kể trên có khá nhiều tên Nôm. Nếu kể đủ, số tên đó còn nhiều hơn.
Ở vùng tháp Chăm Chiên Đàn có thôn Gia Thọ là tên chữ của địa danh xưa Cây Dừa. Ảnh: V.T.L |
Năm 1824, vào ngày 5 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5, theo lệnh vua, các quan thuộc bộ Hộ đã dâng một bản tấu nghị xin cải danh một số tên ấp, thôn, phường, xã… vốn mang tên Nôm sang tên chữ Nho trong phạm vi cả nước. Lý do xin đổi là vì các địa danh đọc theo âm Nôm nghe không được thanh nhã (nguyên văn: “Văn hữu quốc âm tịnh bất nhã đẳng tự”).
Trong phạm vi tỉnh Quảng Nam thời đó, các huyện như Duy Xuyên, Lễ Dương, Diên Phước, Phú Châu (?) và các thuộc (tên đơn vị hành chính có từ các năm đầu triều Minh Mạng trở về trước - NV) như Võng Nhi, Hà Bạc, Hội Sơn Nguyên, Phụ Tuyền (?), Hoa Châu và Liêm Hộ đều có các xã, thôn, phường, ấp thuộc diện bị/được đổi tên.
Đa phần địa giới phía nam Quảng Nam - kể từ giáp giới của hai huyện Thăng Bình và Phú Ninh bây giờ vào đến giáp Quảng Ngãi - vào thời đó, đều nằm trong phạm vi của thuộc Liêm Hộ và thuộc Hà Bạc.
Trong đợt đổi tên đó, có thể kể một số địa danh Nôm trong hai thuộc này được đổi sang “tên chữ” là: Sông Tiên, Tre Hoa, Bà Hương, Cây Sấu, Ma Ninh, Bến Ván, Cà Truông, Cửa An, Cà Tía, Cây Cách, Ông Cụ, Cây Gai, Cây Bông, Cây Sung, Đá Bạc, Cây Duối, Đồng Tràm, Cây Bồng, A Vó (thuộc Liêm Hộ) và Cây Sung, Bến Cỏ, Bãi Ngao, Vũng Lấm (thuộc Hà Bạc).
Ngoài ra, không kể trong danh sách được kê trong tấu nghị năm 1824 nói trên, ở một số địa phương vùng nam Quảng Nam, có một số thôn, xã cũng được đổi tên vì nhiều lý do khác nhau - trong đó có một số trường hợp được ghi nhận qua các tư liệu hiện còn lưu.
Trở lại câu ca trên, liên hệ với các tư liệu hiện còn, có thể kể một vài ví dụ.
Bến Ván: Thời các chúa Nguyễn, địa danh này được ghi song hành là Bản Tân (bản: ván; tân: bến nước) và Bến Ván. Trong địa bạ thời Gia Long (lập từ năm 1814) nơi này có tên là Bến Ván quán, hoành độ ấp (ấp Bến Ván có quán và đò ngang). Đến năm 1824 đổi tên thành An Tân; tên ấy còn giữ mãi đến nay. Sông An Tân có cầu An Tân nay thuộc địa bàn huyện Núi Thành.
Trảng Chổi: Là trảng cát dài, rộng ở phía bắc, tây bắc và tây của vùng Chợ Trạm huyện Núi Thành. Thời xưa, đây là vùng cực kỳ khó đi qua; chỉ có lính dịch trạm và quân binh mới sử dụng đường băng qua trảng cát này.
Quan lại đi công vụ hoặc bộ hành, thương nhân thường dùng con đường thủy từ bến đò An Tân, xuống sông Trường Giang xuôi về Hội An hoặc ngược lại. Nay, nơi này là địa bàn đặt các nhà máy, xí nghiệp của Khu kinh tế mở Chu Lai. Chưa tìm thấy tên chữ (Nho) của địa danh này.
Ông Bộ: Trong bản tấu năm Minh Mạng thứ 5 bằng chữ Nho nói trên (hiện còn lưu) không thấy ghi “Ông Bộ” mà chỉ thấy ghi “Ông Cụ” và cho biết cải thành tên chữ là “Phái Nhơn”. Tên thôn này hiện nay vẫn còn ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Trong sách Đại Nam nhất thống chí, địa danh này được ghi là “Ông Bạ”.
Cây Trâm: Trong bản dịch sách Phủ biên tạp lục của Viện Sử học Hà Nội, khi kê các địa danh vùng này, thấy có tên “Cây Kinh”. Chẳng rõ là âm sai từ tên Cây Trâm hay đó là địa danh khác.
Chợ Vạn: Đây là khu buôn bán chính của vùng Tam Kỳ xưa. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi đây là “Chợ Man” bởi vùng này có “man” (tên một đơn vị hành chính) Bàn Thạch bao gồm nhiều vạn ghe buôn bán ven sông. Theo các tư liệu còn lưu, trước đó tên “man” là Tuyền Thạch và trước đó nữa là “man Suối Đá”.
Ngoài ra, phía hữu và tả của sông Tam Kỳ có hai cụm tháp Chăm Khương Mỹ và tháp Chăm Chiên Đàn còn lưu tên hai địa danh xưa là Cây Cau (nay ở thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) và Cây Dừa (nay ở thôn Gia Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh). Tư liệu hiện còn ở hai địa phương trên cho biết diễn biến đổi tên nôm sang tên chữ của hai thôn/xã đó như sau:
Cây Cau: Đổi sang tên chữ đồng nghĩa là Tân Lang. Sau đó, Tân Lang đổi thành Tân Khương, rồi thành Phú Khương, rồi Phú Hưng và nay là Tam Xuân.
Cây Dừa: Chuyển sang chữ Nho là Da Thụ (da thụ: cây dừa). Theo tư liệu, “để cho văn nhã”, Da chuyển thành Gia (đồng âm có nghĩa đẹp là “Quý giá”) và Thụ - còn đọc là Thọ - chuyển thành Thọ với nghĩa đẹp là sống lâu.
Hiện ở vùng ven các con sông ở Tam Kỳ và Núi Thành có thể tìm được khá nhiều tư liệu chứng minh cho đề tài thú vị này.
PHÚ BÌNH