Phía đông chân núi Bà Nà có một làng tên là Hội Vực. Người xưa gọi thế, bởi đây là nơi hội tụ của hai dòng nước sâu (vực nghĩa là chỗ nước sâu), một tả ngạn từ núi Bà Nà xuôi xuống, một hữu ngạn từ nguồn Lỗ Đông nơi chân núi Kiền Kiền đổ ra. Ngày nay, làng Hội Vực sáp nhập với làng Phước Giang phía dưới thành thôn Hội Phước, thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Mộ cổ “Bình Hương Xử Sĩ”. Ảnh: V.T.L |
Theo truyền khẩu của các bậc trưởng thượng trong làng, ngày trước đình làng Hội Vực rất bề thế, nằm sát bến sông có tên là Bến Đình. Gần đó là nhà thờ Ngũ phái tộc thờ 5 vị gồm Tiền hiền họ Mạc và 4 Hậu hiền Mai, Võ Văn, Nguyễn Viết, Võ Đình.
Ông Mạc Như Siêng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, Trưởng Hội đồng gia tộc tộc Mạc làng Hội Vực, cho biết đình và nhà thờ được dựng theo kiến trúc cổ 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương. Thời kháng chiến chống Pháp, đình là nơi hội họp của cán bộ hoạt động cách mạng. Thời kỳ chống Mỹ, năm 1965, khi địch dồn dân vào ấp chiến lược, nơi đây thành “địa chỉ đỏ” của cách mạng ở cánh Tây Hòa Vang.
Năm 1967, địch dùng mìn đánh sụp toàn bộ hai di tích này, tất cả chỉ còn lại đống gạch ngói đổ nát. Duy bức bình phong cổ phía trước đình còn sót lại với chi chít những mảnh bom, đạn. Sau khi đất nước hòa bình, dân làng đóng góp kinh phí dựng lại nhà thờ và ngôi đình làng làm nơi kính ngưỡng công đức tổ tiên và sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Cách đó không xa là thôn Đồng Lăng, một vùng đất bằng phẳng ngày trước dành mai táng chức sắc của các họ tộc, trong đó tộc Mạc có 11 mộ đá vôi cổ. Sau năm 1975, khi xã chủ trương ưu tiên dành đất cho sản xuất nông nghiệp, người họ Mạc đã chuyển hết mộ của tộc mình lên vùng đồi núi. Ông Mạc Như Giác, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc và gốc Mạc Quảng Nam - Đà Nẵng, người làng Hội Vực, kể rằng ông từng được cha mình đưa đi thắp hương nhiều mộ đá vôi cổ của tiền nhân trong họ tộc, trong đó có một vị được khắc tên ở văn bia là “Bình Hương Xử Sĩ”.
Ông Siêng, ông Giác đưa chúng tôi lên một ngọn đồi thấp nằm phía sau nhà văn hóa thôn Hội Phước, đi tầm 400 mét là đến ngôi mộ cổ của Bình Hương Xử Sĩ. Mộ được xây dựng bằng hợp chất vôi với khuôn viên 8x12m, nhìn về hướng nam theo quan niệm phong thủy của người xưa, trước mặt là sông Lỗ Đông, xa hơn là núi Hòn Vòng. Ngày trước có một quả bom nổ sát bên mộ, dấu tích để lại là một hố khá sâu và rộng cùng với nhiều tảng đá bị long tróc nghiêng ngả khỏi mộ. Năm 2012, con cháu phải lấp hố bom và trùng tu mộ để giữ nguyên vẹn di tích.
Không xa mộ cổ này có một gò đất gọi là Gò Động, tương truyền là nơi có một hang động ngày trước được người dân địa phương đào sâu vào lòng núi để chúa Nguyễn Ánh và tùy tùng có chỗ trốn tránh sự truy sát của quân Tây Sơn. Ông Giác thời thơ ấu còn rủ bạn bè vào động chơi trò trốn tìm. Xa hơn chút là Gò Đồn, nơi Nguyễn Ánh đóng quân.
Chuyện Nguyễn Ánh ở Hội Vực là một trong nhiều truyền thuyết chung quanh Bà Nà - Núi Chúa và vùng phụ cận.
Năm 1995, ông Ngô Trường Thọ lúc đó công tác ở Sở Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) khi viết bài Truyền thuyết về Bà Nà đăng trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần có dẫn bài báo Ba Na, croyances et légendes (Ba Na, tín ngưỡng và truyền thuyết) của Albert Sallet - nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung Kỳ - viết năm 1919 và đăng trên Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) năm 1924.
Từ thông tin này, ông Giác tìm gặp nhà nghiên cứu Hán Nôm Huỳnh Phương Bá ở Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và được ông này cung cấp nguyên văn bài báo nói trên cùng bản dịch. Theo đó, Albert Sallet dẫn lời người dân địa phương kể về truyền thuyết chúa Nguyễn Ánh từng đến khu vực Núi Chúa. Họ chỉ cho Albert Sallet nơi phía tây bắc có một đỉnh núi hình tháp đều cạnh, có một nơi được khoét sâu thành khung khác với xung quanh nay vẫn còn. Theo truyền thuyết, nơi đây đặt một bàn đá bằng cẩm thạch ở giữa, xung quanh là bốn ghế. Một con đường mòn hình xoắn ốc đi từ chân núi lên đỉnh.
A. Sallet cũng cho biết, dọc theo triền núi nghiêng chếch của Bà Nà là dòng sông Lỗ Đông với một vùng đất đã được canh tác, nay bỏ hoang. Tại nơi hoang vắng này, theo truyền thuyết, có một bộ phận gia đình chúa Nguyễn Ánh (trong nguyên văn, tác giả ghi là Gia Long) cư ngụ. Một bà phi của Nguyễn Ánh khai thác 50ha đất để tiếp tế cho quân lính, dấu tích để lại là những thửa ruộng, các cây ăn trái.
Đình Hội Vực giờ chỉ còn lưu lại bức bình phong loang lổ dấu bom, đạn. Ảnh: V.T.L |
Khi trú ngụ tại đây, Nguyễn Ánh đã biết đến một người họ Mạc ở tại làng Hội Vực, được ông họ Mạc này cung cấp trâu bò, lương thực, lúa nếp. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua hiệu Gia Long, nhớ đến công lao của bề tôi trung thành nên có nhã ý ban một chức quan, song ông họ Mạc cảm ơn và từ chối ân huệ đó. Ông chỉ muốn sống tại vùng rừng núi này với cách sống nông thôn. Ông chỉ nhận tước “Bình Hương Xử Sĩ” (Nhà nho ở ẩn). Ngôi mộ của ông được chăm sóc chu đáo, nằm trong khu vực Hội Vực như ngôi mộ của các quan chức. Ngôi mộ có diện tích 7x10m có phiến đá và một tấm bia quan trọng khắc dòng chữ: “Cố Việt Bình Hương Xử Sĩ Mạc Công Mộ”.
Nhiều bài báo, tài liệu dẫn lại thông tin từ bài viết của A. Sallet hơn trăm năm trước và ghi chú “không rõ tên” khi nói về người họ Mạc ngày xưa giúp Nguyễn Ánh. Mới đây, theo ông Giác, qua gia phả tộc Mạc, đã xác định vị này tên là Mạc Trường Thành. Mộ của vợ ông Mạc Trường Thành cách đó không xa, cũng được xây dựng bằng hợp chất vôi nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Ẩn hiện giữa một bên núi một bên sông của Hội Vực là những ngôi mộ cổ cùng với những câu chuyện pha trộn giữa truyền thuyết và lịch sử. Tất cả đang chờ sự “khai quật” của các nhà nghiên cứu để “giải mã” huyền tích về một vùng đất.
VĂN THÀNH LÊ