An Bằng là làng quê hiền hòa bên dòng sông Thu, nơi từng là một “khởi điểm” quan trọng cho nhà báo, học giả nổi tiếng Phan Khôi và các đồng sự trên hành trình dấn thân vì sự nghiệp canh tân xứ sở.
Một vườn chè ở An Bằng ngày nay. Ảnh: V.T |
Ngát hương chè xanh An Bằng
Các bậc cao niên làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể rằng hồi nửa đầu thế kỷ 19, trong làng có một nhân vật gọi là ông Hộ, tên thật là Huỳnh Văn Kiệt. Ông này đi lính, đóng ngoài kinh đô Huế. Trong quá trình tại ngũ, có lập chút công lao nên được triều đình Huế phong chức Cai đội. Từ đó, ông có tên là Cai Hộ (Hộ là tên người con lớn của ông).
Khi mãn hạn lính về quê, Cai Hộ đem về một giống chè trồng thử trên đất An Bằng. Không ngờ, cây chè hợp đất đai, khí hậu nên lớn nhanh, hương vị lại đặc biệt, vừa chát, vừa ngọt ở đầu lưỡi. Một đồn mười, mười đồn trăm, dần dà chè An Bằng nổi tiếng ở đất Quảng: “Thà rằng nhịn một bữa cơm/ Chứ không thể thiếu chè thơm An Bằng”.
Chè An Bằng lại có tác dụng chữa bệnh. Có câu chuyện truyền khẩu rằng, xưa An Bằng được mệnh danh là nơi rừng thiêng nước độc nên những người đến khai phá vùng đất này, nước da ai cũng vàng vọt. Thế mà, từ khi trồng được cây chè, uống thứ nước chè An Bằng, họ mới trở lại bình thường. Chuyện thực hư khó mà xác định. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng An Bằng từng có nhiều hộ gia đình trồng nhiều chè như các ông: Thủ Thi, Xã Nhạn, Hương Ba, Thủ Lựu... Mỗi gia đình sở hữu ít nhất trên 10.000 cây chè. Riêng ông Hương Ba có 18.000 cây. Nhờ cây chè, họ trở nên giàu có, tậu vườn, mua ruộng.
Dân làng còn kể, tại An Bằng từng có một xưởng chè do một hội buôn ở Đà Nẵng có quan hệ với người Pháp đứng ra xây dựng để thu mua, chế biến và xuất khẩu chè An Bằng. Những năm 80 của thế kỷ trước, An Bằng đã “hy sinh” hơn một nửa đất đai của làng để làm nên hồ chứa nước Khe Tân, đem lại sự no ấm cho nhân dân 7 xã vùng B Đại Lộc. Nửa còn lại của làng chính là thôn An Bằng, xã Đại Thạnh hiện nay.
Nơi ông Tú Khôi thực hành hớt tóc ngắn
Làng An Bằng không chỉ nổi tiếng với đặc sản chè xanh mà còn là nơi nhà báo, học giả nổi tiếng Phan Khôi và các đồng sự hưởng ứng phong trào Duy Tân thực hành hớt tóc ngắn. Vào những năm đầu thế kỷ trước, ở nước ta, đây thực sự là cuộc “cách mệnh có một lý tưởng lớn lao” trong lòng xã hội thực dân nửa phong kiến; là “biểu hiện đổi mới” đáng trân trọng của người Quảng và đất Quảng.
Nhà báo, học giả Phan Khôi. Ảnh tư liệu |
Trên báo Ngày Nay số 149 (ngày 15-2-1939), nhà báo Phan Khôi có bài “Lịch sử tóc ngắn” với Lời tòa soạn: “…Trong một bài tự truyện kỳ thú vì những hình ảnh và hương vị xưa, ông Phan Khôi thuật lại cho chúng ta biết những trường hợp đượm chút vẻ khôi hài của lịch sử cái đầu tóc ngắn”. Trong bài này, nhà báo Phan Khôi kể lại câu chuyện vào mùa đông năm 1906, sau khi ở Nhật Bản về, chí sĩ Phan Châu Trinh cùng Cử nhân Nguyễn Bá Trác, Cử nhân Mai Dị và Tú tài Phan Khôi lên thuyền ngược dòng Vu Gia đến làng Gia Cốc (nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) thăm gia đình ông Học Tổn. Ông này rất ham đọc tân thư, say thuyết tự do dân quyền không thua gì hai cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp.
Hưởng ứng lời kêu gọi của “bộ ba Duy Tân đất Quảng”, ông Học Tổn mở tiệm buôn và một sở vườn trồng quế, trồng chè. Cả nhà ông, từ chủ đến người làm công chừng hai chục người, ai nấy đều cắt tóc ngắn. Trong bữa cơm sáng đầu tiên, sau lời nói khích của cụ Phan Châu Trinh, ba ông cử, ông tú cùng đi đã mạnh dạn thực hành hớt tóc ngắn. Từ đây, phong trào cúp tóc ở Quảng Nam dấy lên mạnh mẽ, chỗ nào có trường học theo lối mới của phong trào Duy Tân thì nơi đó có “cái ổ cúp tóc”. Đến năm Mậu Thân (1908), phong trào kháng thuế, cự sưu khởi phát từ huyện Đại Lộc, nhanh chóng lan rộng ra tỉnh Quảng Nam và khắp 10 tỉnh Trung Kỳ, khiến thực dân Pháp và Nam triều vô cùng hốt hoảng, đối phó bằng cách đàn áp dã man...
Ngày nay, khách đi giữa những vườn chè An Bằng xanh ngát, muốn tìm lại dấu xưa một thời của “sở vườn trồng quế, trồng chè”, của “nếp nhà chòi đóng sơ sài trên đồi, bốn phía cây cối um tùm” mà nhà báo Phan Khôi đã chỉ dẫn năm nào. Song, tất cả đều không còn, bởi đã qua hơn một thế kỷ “thế gian biến cải vũng nên đồi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nhưng văng vẳng đâu đây câu nói dứt khoát của ông Tú Khôi trước sự nói khích rằng có dám cắt tóc không của chí sĩ Phan Châu Trinh: “Thì sợ chi!”, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới của một nhà Duy Tân tuổi hai mươi.
VÂN TRÌNH