Truyền thuyết chuông đồng cổ chùa Hải Tạng

.

Tọa lạc nơi Xóm Cấm, sát chân núi phía tây thuộc Bãi Làng, nhìn xuống thung lũng nhỏ yên bình với ruộng lúa quanh năm xanh tốt, chùa Hải Tạng trầm mặc, cổ kính là di tích kiến trúc quan trọng của Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, thuyền bè qua lại giao thương buôn bán thường ghé đảo mỗi khi lấy nước ngọt hoặc trú bão và nghe truyền thuyết về chuông đồng cổ nơi này.

Theo nội dung văn bia dựng tại chùa, vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1758), chùa được xây dựng trên đảo nhưng không phải là địa điểm hiện nay mà ở một chỗ khác. Sau một thời gian chùa bị bão tố làm sụp đổ hoàn toàn, người dân trên đảo đã chọn một địa điểm khác nằm ở vị trí khuất gió, lưng dựa vào núi và có núi che chắn để giảm bớt tác động của gió biển, bão tố. Năm 1848, ngôi chùa Hải Tạng được xây dựng nằm sát chân núi phía tây của Cù Lao Chàm và tồn tại cho đến ngày nay.

Chùa có tường đá kiên cố bao quanh, khung sườn bằng gỗ với bộ vì kèo kết cấu theo kiểu chồng rường giả thủ được trang trí nhiều chi tiết chạm trổ tinh tế thể hiện hình hoa lá cách điệu, cánh sen, đầu rồng..., mái chùa lợp ngói âm dương. Chùa thờ Phật kết hợp với thờ thần, thờ thánh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng Tam giáo đồng nguyên của cư dân trên đảo và khách thập phương ghé đến đảo trong quá trình giao thương, buôn bán bằng đường biển xưa kia...

Chùa Hải Tạng gắn với nhiều truyền thuyết dân gian khá thú vị và còn được lưu truyền đến ngày nay. Riêng tên chùa Hải Tạng cũng mang hàm ý đẹp với ý nghĩa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng với triết lý nhân sinh mênh mông như biển cả (Hải là biển, Tạng là kinh Tam Tạng của Phật giáo).

Đặc biệt, khi đến Cù Lao Chàm, du khách sẽ nghe các vị cao niên kể nhiều truyền thuyết về nhân duyên xây dựng ngôi chùa trên đảo, một trong những chuyện vùng biển xưa được tác giả Nguyễn Phước Tôn Thất Hướng chép vào cuốn Quảng Nam truyền thống văn hóa biển (NXB Hội Nhà văn, 2020). Theo đó, vào khoảng giữa thế kỷ 18, có một chiếc thuyền từ ngoài Bắc theo đường biển chở các cột, kèo, trính, gỗ... vào để dựng một ngôi chùa trong Nam. Khi đi ngang qua vùng biển Cù Lao Chàm, trời vừa tối nên thuyền đành phải ghé lên đảo cơm nước, nghỉ ngơi để sáng mai tiếp tục hành trình về phương Nam.

Sáng hôm sau, mọi người dậy sớm nhổ neo dong buồm đưa thuyền ra khơi nhưng kỳ lạ sao bầu trời đang quang bỗng chuyển sang vần vũ, biển dậy sóng, thuyền cứ xoay vòng tới lui mãi mà không sao ra biển được. Những người trên thuyền lo lắng, không hiểu chuyện gì xảy ra nên cắt cử người sắm lễ vật lên ngôi miếu trên đảo khấn nguyện và được thần linh, thổ địa “mách” rằng bộ khung cột, kèo, trính này không thể đưa đi nơi khác được mà phải để lại xây chùa trên đảo. Thuận ý trời, thế là ngôi chùa được xây dựng trên đảo Cù Lao Chàm lấy tên là Hải Tạng mang ý nghĩa kinh Tạng nhà Phật được hội tụ từ con đường trên biển. Người dân Cù Lao Chàm tin tưởng rằng sự hình thành của chùa Hải Tạng là sự dẫn dắt, an bài của Trời - Phật.

Chuông chùa Hải Tạng. Ảnh: A.T
Chuông chùa Hải Tạng. Ảnh: A.T

Ngoài những tượng thờ có niên đại hàng trăm năm, chùa Hải Tạng hiện còn lưu giữ một đại hồng chung bằng đồng được đúc ở ruộng ông Vợt vào năm Canh Dần (1770), dưới thời trụ trì của Hòa thượng Minh Giác. Chuông cao 120cm, thân rộng 93cm, đường kính miệng 58cm và đường kính thân là 46cm. Có một truyền thuyết khá thú vị liên quan đến việc đúc chiếc chuông đồng này.

Tương truyền rằng, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Minh Giác nhằm gây quỹ để đúc chuông, mọi người dân trên đảo ai cũng muốn góp công góp của tích đức. Có một bà lão nghèo khó, tuy trong tay chỉ có một đồng xu nhưng cũng xin góp. Tuy thương cảm, ghi nhận tấm lòng sùng kính hướng về Đức Phật của bà nhưng Hòa thượng không nhận mà gửi lại đồng xu để bà trang trải cuộc sống khó khăn. Kỳ lạ thay, khi chuông đúc xong, đến phần gắn quai có hình hai đầu con bồ lao (dân gian gọi nhầm là rồng) trên đầu chuông để treo thì những người thợ đúc cố sức đến mấy vẫn không sao gắn kết dính được.

Hòa thượng đi ra đi vào ngẫm ngợi mãi. Chợt nghiệm ra nguyên do, Hòa thượng cho mời bà lão đến để chùa nhận đồng xu cúng dường của bà. Quả nhiên sau đó quai được gắn chặt vào đầu chuông. Lúc này, Hòa thượng và mọi người mới suy ngẫm ra rằng tâm hướng Phật không cốt phải giàu hay nghèo chỉ cốt ở tấm lòng. Chiếc chuông chùa mang bao tấm lòng, ước nguyện của cư dân trên đảo gửi gắm. Vì thế, khi được khởi lên, tiếng chuông ngân vang xa tít đến tận đất liền mang theo tiếng nói, tiếng lòng của cư dân trên đảo.

Ngày nay, chùa Hải Tạng được biết đến là một ngôi cổ tự có lối kiến trúc cổ xưa, nằm trong một không gian tĩnh mịch, trầm kính gắn với những truyền thuyết dân gian, những câu chuyện ly kỳ càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm, huyền bí. Các cụ cao niên thôn Bãi Làng kể trong những năm kháng chiến chống Pháp, vì sợ chuông quý thất lạc nên dân làng tháo chuông đem chôn giấu, sau đó đào lên đưa về vị trí cũ, nhưng lạ thay dường như chuông mất linh nghiệm nên không còn ngân, vang xa như trước nữa.
Tiếng chuông cổ không còn vang tới đất liền nhưng chuyện xưa vẫn hấp dẫn, lôi cuốn du khách gần xa tìm về Cù Lao Chàm để khám phá, chiêm nghiệm…

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.