Chuyên mục chạm mốc 600 kỳ báo

.

Bài viết Bức phù điêu Chăm ở Gò Đùi của tác giả Vân Trình đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần số ngày 25-10-2020 đánh dấu chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng” (CXXQ) tròn 600 kỳ báo và bước qua “tuổi” 14.

Ảnh: MAI ANH
Ảnh: MAI ANH

CXXQ “mở hàng” vào ngày 2-9-2007 với bài Tiếng còi tầm và lá cờ Tổ quốc của tác giả Ngô Phú Lâm (bút danh của PGS.TS Ngô Văn Minh), kể chuyện sáng 26-8-1945 có tiếng còi tầm và lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng Tháng Tám tung bay ở nội thành Đà Nẵng.

Từ đó, nhiều tác giả ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam gửi bài cộng tác, mỗi người một vẻ làm chuyên mục ngày một phong phú hơn. Hơn 4 tháng sau, trong lần họp cộng tác viên (CTV) Báo Đà Nẵng ngày 26-1-2008, nhà thơ Bùi Xuân đề nghị nên chú ý nhiều hơn nữa chuyên mục CXXQ, bởi đây là nơi chốn lưu giữ tên người, tên đất, tên làng, góp phần làm nên bản sắc tờ báo.

Với nghề báo, thời gian trôi qua rất nhanh, bài vở số này xong thì phải lo ngay số đến. Đối với các chuyên mục, để không bị rơi vào cảnh “ăn đong”, phải có nhiều bài vở “gối đầu”. CXXQ cũng vậy, có “sống” lâu được hay không tùy thuộc vào đội ngũ CTV. Có một thời gian bài vở CXXQ gửi về ngày một hiếm hoi, nhưng rồi được các tác giả “tiếp sức” nên CXXQ lại tiếp tục được duy trì. 

Ngày 23-8-2009, CXXQ tròn 100 kỳ báo với bài Người thầy làng Hà Lộc (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nói về nhân cách và tài năng của cử nhân Lê Tấn Toán đã để lại dấu ấn trong tâm hồn các môn sinh, mà hai người đã làm rạng rỡ trang sử cách mạng nước nhà là Nguyễn Duy Hiệu với Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) và Châu Thượng Văn với phong trào chống sưu thuế (1908).

Tròn 200 kỳ báo là bài Cổ tích Vườn Đình của Trần Vũ, đăng ngày 9-10-2011, kể chuyện các hiện vật được phát hiện ở Vườn Đình (trong khuôn viên Trường THCS Quế Lộc, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), được các nhà khảo cổ học xác định đây là một khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng núi, gồm cả mộ quan tài gốm và mộ đất.

Tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt (đã mất), một trong những CTV “gạo cội” của CXXQ, có bài Làng chài Bình Phước rơi vào kỳ báo thứ 300 ngày 5-1-2014. Làng chài Bình Phước (nay thuộc thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) hình thành vào khoảng 300 năm trở về trước. Công tác ở Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, ông có cả một kho tư liệu nên tranh thủ đi điền dã nhiều nơi, viết CXXQ đăng báo và in sách. Một số bài của ông gửi trước khi mất, về sau đã được đăng tải trên CXXQ với tên tác giả được đóng khung.

Lúc sinh thời, Phạm Hữu Đăng Đạt có lần trò chuyện với người viết, rằng ông rất mê chuyên mục CXXQ, định ra một cuốn sách cũng lấy tên là CXXQ, nhưng thấy Đà Nẵng Cuối tuần đã “đăng ký sở hữu trí tuệ” cái tên này rồi nên đành lấy tên sách trại đi một chút: Chuyện xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2012). Sau khi ông qua đời, những người bạn của của ông, có lẽ để làm vui lòng người đã khuất, lấy tên tập sách tuyển các bài viết của ông là Chuyện xưa xứ Quảng (NXB Kim Đồng, 2016).

Tròn 400 kỳ báo là Chuyện bia đá, bia miệng của tác giả Lê Thí đăng ngày 17-7-2016, kể lại cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do hai nhân vật hàng đầu của Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo có sự tham gia của vua Duy Tân. Cũng như Phạm Hữu Đăng Đạt, Lê Thí từng tập hợp phần lớn những bài viết trong chuyên mục CXXQ để in thành sách, và ông lấy tên sách là Người xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2011).

Tròn 500 kỳ báo là bài Trần Đình Phong với khoa bảng đất Quảng đăng ngày 28-10-2018 của Chu Trọng Huyến, CTV ở Nghệ An. Bài viết kể về hành trạng của Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong (1843-1909), người xứ Nghệ, từng là thầy dạy của nhiều nhà khoa bảng lừng danh xứ Quảng như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...

Ngày 25-10-2020, bài viết Bức phù điêu Chăm ở Gò Đùi của tác giả Vân Trình đánh dấu chuyên mục CXXQ tròn 600 kỳ báo và bước qua “tuổi” 14. Tác giả đã liên kết hình tượng phù điêu Chăm được phát hiện ở Gò Đùi (nay thuộc thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) và sự tích dân gian tại đây, qua đó minh chứng một điều: Những người sinh sống trên vùng đất mới luôn tôn trọng những vị thần bổn xứ, vẫn gìn giữ và thờ phụng những di vật của chủ nhân trước đó.

Những bài viết được “điểm danh” trên đây chỉ ngẫu nhiên rơi vào số “tròn trăm” chứ không hẳn là tiêu biểu trong chặng đường hơn 13 năm qua của chuyên mục. Còn nhiều tác giả có các bài viết “đáng để xem” như: Mai Hồng Lâm (bút danh An Trường), Thái Mỹ, Nguyễn Sinh Duy (nhà nghiên cứu, đã mất), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Tuyết…

Chạm mốc 600 kỳ báo, Đà Nẵng Cuối tuần luôn ghi nhận và trân quý sự “chịu khó lặn lội” của CTV- những người trực tiếp góp phần làm nên “tuổi thọ” cho một chuyên mục báo chí.

“Từ đỉnh đèo Hải Vân ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’ trải về Nam, xứ Quảng là dấu ấn một thời mở cõi về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt, như tên gọi của vùng đất mới: Quảng Nam. Nức tiếng địa linh nhân kiệt, nổi danh khoa bảng hiền tài, nơi đây được xem là một thực thể địa lý - lịch sử kỳ lạ của đất nước. Ôn cố tri tân, kể từ số này, Đà Nẵng Cuối tuần ra mắt bạn đọc chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng”, như một gạch nối giữa quá khứ hiển linh và tương lai kỳ vọng. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần”

Lời tòa soạn trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 2-9-2007, báo tin “khai sinh” một chuyên mục mới.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.