Theo các nhà nghiên cứu, cái tinh túy của học thuật Quảng Nam chính là cái học thấu suốt, cách vật trí tri, học để hiểu biết thêm ý nghĩa và mục đích của học vấn, học đi đôi với hành, học để phát huy đạo đức, học để giúp đời. Tấm gương “Quảng Nam tứ kiệt” là một minh chứng.
Bìa sách “Hội thí văn tuyển” chép về khoa thi Hội năm Tân Sửu - 1901. (Nguồn: Thư viện Quốc gia) |
Đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt
Năm Thành Thái 13 (Tân Sửu - 1901), triều Nguyễn tổ chức khoa thi Hội với hai điểm đặc biệt so với các khoa thi Hội trước đó. Sách Quốc triều khoa bảng lục ghi: “Khoa này quan Chủ khảo Cao Xuân Dục tâu xin cho những người trúng (đậu) Phó bảng cũng được cấp áo mũ và cấp ngựa trạm khi vinh quy”. Đáng chú ý là trong suốt 39 khoa thi Hội dưới triều Nguyễn, đây là khoa duy nhất tỉnh Quảng Nam đạt “kỷ lục”: 4 Phó bảng trong cùng một khoa thi. Trước đó, khoa Mậu Tuất (1838), đất Quảng chỉ đỗ 2 Phó bảng; khoa Giáp Thìn (1884) đỗ nhiều nhất cũng chỉ được 3 Phó bảng.
Bốn vị Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu người Quảng là: Nguyễn Đình Hiến (1872-1947), quê làng Lộc Đông, huyện Quế Sơn, nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn; Võ Vỹ (1866-1907), quê làng An Phú, Lễ Dương, nay thuộc huyện Thăng Bình; Nguyễn Mậu Hoán (1877-1910), người làng Phú Cốc, huyện Quế Sơn, nay là xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức; Phan Châu Trinh (1872-1926), người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh.
Hân hoan trước sự kiện khoa cử hiếm có này, Phó bảng Hà Đình Nguyễn Thuật mừng hai câu đối cho 4 vị tân khoa. Câu đối riêng cho Phó bảng Nguyễn Đình Hiến viết: Đỉnh Giáp khởi vô tài mạc thị văn chương quan vận hội/ Vân trình du hữu vọng do lai khoa đệ tác đề danh (tạm dịch: Đậu bảng Giáp cao há vô tài, không do vận hội văn chương ư?/ Đường làm quan tiến mãi là từ thềm thang thi cử mà nên).
Câu đối dành cho 3 vị Phó bảng còn lại: Niếp túc thượng hanh cù ba bảng nhứt châu sâm tứ kiệt/ Ba cung thao dị sủng nghê thường đồng nhật vũ quần tiên (tạm dịch: Tiếp bước lộ hanh thông, đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt/ Xứng thân điều ân trạch, một ngày ca vũ với quần tiên).
Các nhà nghiên cứu cho rằng, học hiệu “Quảng Nam tứ kiệt” từ đó mà có, đến nay tròn 120 năm.
Công nghiệp để đời
Sau khi đỗ Phó bảng, Nguyễn Đình Hiến được triều đình cử giữ chức Hàn lâm viện Kiểm thảo, được chọn vào học chữ Pháp tại trường Quốc học, đến năm 1905 được thăng chức Toản tu. Đầu năm 1906, ông được vua Thành Thái phái sang du học tại Pháp về chính trị, phong tục và đã viết cuốn Tây sai kỹ lãm. Trải qua nhiều chức vụ quan trọng, năm 1927, ông về hưu với hàm Hiệp tá Đại học sĩ.
Người dân đất Quảng luôn nhắc đến sự kiện: Năm 1908, bạn đồng môn của Nguyễn Đình Hiến là Tiến sĩ Trần Quý Cáp bị khép tội mưu phản, lãnh án chém ngang lưng. Khi gia quyến và học trò đưa quan tài chí sĩ họ Trần về quê nhà Quảng Nam, Nguyễn Đình Hiến đã thiết án đặt trước công đường làm lễ kính cẩn khiến nhân dân sở tại vô cùng xúc động trước tình cảm cao cả của vị Tri phủ Hoài Nhơn. Khi về hưu, ông đã đề xuất Tổng đốc Quảng Nam và đứng ra vận động nhân sĩ, nhân dân góp công, góp của khai mở con đường Đèo Le kéo dài từ đông sang tây, rộng 3m, dài khoảng 7km, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế đối với vùng đất Nông Sơn (Quảng Nam).
Phó bảng Võ Vỹ sau khi vinh quy bái tổ được bổ làm tri huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. 6 năm sau, ông mất tại nơi trấn nhậm. Sinh thời, lúc là Tú tài, Võ Vỹ đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng văn thánh huyện Lễ Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Ông là người viết chữ vào bia Lễ Dương huyện nhân vật bi chí, ghi chép về quê quán, thân thế, công lao, sự nghiệp của hai nhân vật, một võ tướng và một văn thần đầu triều Nguyễn, đó là Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương và Hoằng tín Đại phu Trương Công Diêu. Đây là hai nhân vật hàng đầu của huyện Lễ Dương thời đó được vinh danh trong các sách của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán từng là một trong số 17 vị Đốc học Quảng Nam, có nhiều cống hiến cho việc học của tỉnh nhà. Trong bài viết Phú Cốc, Việt An, Hiền Lộc xưa, nhà nghiên cứu Phú Bình nhắc lại một giai thoại liên quan đến tài năng Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán. Chuyện rằng, sau khi cả ba cùng đỗ cử nhân khoa thi năm Canh Tý - 1900, cụ Phan Châu Trinh cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng ra thăm quê cụ Nguyễn Mậu Hoán ở vùng Đồng Tranh - Phú Cốc (Quế Sơn). Cụ Hoán có người con trai là Nguyễn Mậu Kỳ từng đỗ cử nhân sáu năm trước đó. Dịp này, một trong hai cụ Phan, Huỳnh ứng khẩu tặng cho cụ Nguyễn vế đối: “Phụ Đồng Tranh, tử Đồng Tranh: phụ tử đồng tranh long hổ bảng” (nghĩa là: Cha ở Đồng Tranh, con ở Đồng Tranh: cha con cùng tranh chiếm bảng vàng).
Khác với ba vị Phó bảng trong “Quảng Nam tứ kiệt”, Phó bảng Phan Châu Trinh là nhà cách mạng lỗi lạc. Được bổ làm Thừa biện bộ Lễ, năm 1905, ông từ quan, cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Sau đó, với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, “bộ ba Duy Tân” ấy đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc Duy tân với chủ trương: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Năm 1908, khi phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra và bị đàn áp dữ dội, Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên phong trào Duy Tân đều bị bắt. Sau khi ra tù, Phan Châu Trinh sang Pháp. Tại đây, ông hoạt động tích cực trong các phong trào yêu nước, dân chủ của Việt kiều cùng với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường. Năm 1925, chí sĩ Phan Châu Trinh về Sài Gòn, đột ngột qua đời ngày 24-3-1926. Cả nước lúc bấy giờ đã dấy lên phong trào “để tang Phan Châu Trinh”.
120 năm trôi qua, Tấm gương “Quảng Nam tứ kiệt” vẫn còn soi rọi hậu thế về ý nghĩa và mục đích của học vấn.
VÂN TRÌNH