.

Mạo trong "đình chùa miếu mạo" nghĩa là gì?

* Sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng mỗi khi nhắc đến những nơi thờ tự ở nước ta thường nói đến cụm từ “đình chùa miếu mạo”. Xin cho hỏi, mạo ở đây nghĩa là gì? (Hoàng Văn An, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Theo Từ điển mở Wiktionary, miếu mạo được giảng là miếu nói chung. Ví dụ: Miếu mạo nguy nga.

Từ miếu mạo được tiền nhân ghi lại qua nhiều văn bản trong di sản Hán Nôm của nước ta, đặc biệt là trong các liễn đối.

Miếu mạo đã được hai tác giả Nguyễn Trọng Hải (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) và Nguyễn Hữu Tường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nói đến trong bài viết Di sản Hán Nôm làng Chương Dương, xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Tây đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2003 qua một câu đối trong đền Chương Dương (phiên âm): Linh ứng lũy phong vân, cửu ngưỡng thần quyền duy xã hội/ Hồng ân đàm thái ất, trùng tân miếu mạo trấn giang san. Dịch nghĩa: Linh thiêng ứng nghiệm đã nhiều đời được tặng sắc văn, sự tín ngưỡng thần quyền giúp duy trì xã hội/ Công lao ân đức lớn, ông cha được phong thái ấp, được trùng tu đền miếu góp công giữ vững núi sông.

Nhà nghiên cứu Cúc Hiên đã sưu tầm và dịch chú các câu đối thờ Mẫu tại một số cổ tích ở Hà Nội, trong đó có câu đối thờ Mẫu Thoải ở đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm (phiên âm): Miếu mạo liệt nham cương, minh đức hinh hương long tự sự,/ Linh thanh truyền thủy quốc, hồng ân bố hộ phổ đồng nhân. Dịch nghĩa: Miếu mạo liệt non cao, đức sáng thơm tho hưng tự điển,/ Tiếng thiêng truyền thủy quốc, ơn to ban rộng khắp chúng dân.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hoa, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, giới thiệu câu đối hai bên khám thờ ở miếu Khai canh làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (phiên âm): Khai thác giang sơn thủ/ Huy hoàng miếu mạo quang. Dịch nghĩa: Người có công mở mang đất đai thì đứng đầu cả sông núi/ Dáng vẻ ngôi miếu này thật là sáng sủa huy hoàng.

Trong nguyên bản bằng chữ Hán của các câu đối nói trên, miếu mạo được viết là 廟貌 và có nghĩa chung là miếu. Mạo [貌], theo Hán Việt từ điển trích dẫn (tra trực tuyến tại hanviet.org), có nghĩa là “nghi thức cung kính, lễ mạo”. Sách Luận Ngữ, chương Hương đảng, có câu: Kiến tư thôi giả, tuy hiệp, tất biến. Kiến miện giả dữ cổ giả, tuy tiết, tất dĩ mạo. Nghĩa là: Thấy người mặc áo tang, dù quen biết, cũng biến sắc (tỏ lòng thương xót). Thấy người đội mão lễ và người mù, dù thân gần, cũng tỏ ra cung kính.

Như thế, miếu mạo là một từ ghép, nếu viết riêng ra sẽ không có nghĩa, như bài viết “Ðền, Chùa, Miếu, Mạo nghĩa là gì?” (sic) đăng trên báo Du lịch được dẫn lại bởi trang dongtayy.com: “Miếu (Temple) cùng được đọc chệch là miễu, mạo. Là nơi thờ thần. Có thể là nhân thần, thủy thần, bất kể vật gì, con gì được coi là linh thiêng”.

Nói thêm, miếu và miễu khác nhau, theo Từ điển tiếng Việt, miễu là miếu nhỏ. Trong làng xã, nếu miếu là nơi thờ Thành hoàng (nói chung là những người có công với đất nước, con người) thì miễu là những cái am nhỏ thường dựng gần mép đường hay bên kênh mương để cúng những người chết trẻ, chết oan mà người ta tin là chết linh hay hiện hồn về.

Miễu là do miếu nói trại ra. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong tiếng Hán cũng có một chữ miễu được viết là 眇, tính từ, có nhiều nghĩa; trong đó, có một nghĩa là “nhỏ bé, nhỏ mọn” (tiếng dùng nói nhún mình). Theo chúng tôi, đây có thể cũng là nghĩa của miễu - cái miếu nhỏ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.