* Tôi có anh bạn người Huế, nghe tôi kể chuyện ngày trước danh tướng Ông Ích Khiêm đánh Pháp bằng trái mù u tại trận tuyến Đà Nẵng, anh bảo rằng ở Huế nghe nói cũng có một trận đánh tương tự như thế. Xin quý báo cho biết điều này thực hư thế nào? (Nguyễn Mai, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Câu chuyện về trận mù u ở Huế đã được một nhà nghiên cứu người Huế, ông Võ Văn Dật (bút danh Võ Hương An), đề cập đến trong bài viết Huyền thoại trận mù u đăng trên hamnghihue.com (Trường Trung học Hàm Nghi, Huế).
Tác giả Võ Hương An dẫn lại câu chuyện đã được học giả Thái Văn Kiểm nhắc đến tại trang 3 cuốn Cố Đô Huế rất nổi tiếng của ông như sau:
“Ngày nay trong văn chương bình dân còn truyền lại câu ca dao:
Văn Thánh trồng thông/ Võ Thánh trồng bàng/ Ngó vô Xã Tắc: hai hàng mù u
Câu này nhắc lại một chiến công dưới thời vua Tự Đức. Khi quân Pháp đổ bộ lên cửa Thuận An, kéo binh vào thành Huế, quân ta mai phục hai bên đường vào đàn Xã tắc, bèn lấy trái mù u đổ ra đầy đường. Quân Pháp đi giày da, đạp lên mù u, nhào té đảo điên. Quân ta thừa thế nhảy ra đánh xáp lá cà làm cho quân Pháp phải chạy tán loạn. Vì vậy mới gọi là trận giặc mù u. Ngày nay, hai bên đường xã tắc, còn hai hàng mù u (callophylum) cao ngất nghểu thỉnh thoảng rụng trái trên vai người đi đường, như để nhắc nhở một trang sử oanh liệt”.
Tuy nhiên, Võ Hương An đã chỉ ra rằng, trong suốt thời gian vua Tự Đức trị vì, quân Pháp chưa bao giờ tấn công Huế - ngay cả tấn công cửa Thuận An, cổng ngõ vào Huế, cũng chưa, nói chi tới việc quân Pháp vô trong kinh thành, rồi tiến lên đàn Xã tắc giữa hai hàng mù u để rồi bị phục binh của ta đánh giết!
Thực tế vẫn có trận mù u, nhưng không phải như Thái Văn Kiểm đã dẫn, mà nó thuộc về một biến cố khác, không ở dưới thời vua Tự Đức, mà cũng không dính líu gì đến đàn Xã tắc. Nó là một phần nhỏ trong biến cố thất thủ kinh đô năm Ất Dậu, 1885, thời vua Hàm Nghi (1884 - 1885). Tuy nhiên, Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược chỉ ghi vắn tắt về biến cố năm Ất Dậu (thường được biết đến với tên gọi “ngày thất thủ kinh đô”), cho nên cũng chẳng làm sao biết được mù u đã được sử dụng ở đâu và khi nào?
Câu trả lời đã có, trong Lô Giang tiểu sử, hồi ký của cụ Thượng thư hưu trí Nguyễn Văn Mại, hiệu Tiểu Cao, viết bằng chữ Nho, đã được con trai là ông Nguyễn Hy Xước dịch ra Việt ngữ năm 1947, in ronéo, lưu hành nội bộ gia đình. Tr. 35-36 sách đã dẫn, có đoạn:
“Lúc đó, ta vào thi Đình xong, cùng với anh Trần Đào Tiềm đến Bộ Lễ để chờ kết quả kỳ thi, thì thấy trong thành (kinh thành), từ Trấn Bình Đài [Mang Cá] cho đến Lục Bộ, hai bên đường đều đào hào, lính các trại đều mang gươm súng sẵn sàng, trước các trại lính đều chất đầy những thùng chứa cột chuối để phòng bị. Hai bên đường từ Trấn Bình Đài mà ra chất đầy những đống trái bàng và mù u (VHA nhấn mạnh).
(…)
Quân ta nghe tiếng súng không biết ngả nào, đạp nhau mà chết trong hào hoặc giữa đường, người trước bước trên mù u té ngã, người sau đạp lên mà chết hàng ngàn. Trước kia đào hào, rải mù u lên đường, chủ ý là để hại quân Pháp, mà hóa ra làm hại quân ta. Tại các cửa thành, trai gái già trẻ, người mang của, kẻ bế con, tranh nhau mà ra, người trước ngã, người sau đạp lên, thây liệt đầy đường…”.
Tác giả Võ Hương An kết luận: Mù u và trái bàng không hại được quân Pháp mà chỉ làm hại quân Việt vì lính Pháp đi giày đinh, đạp nát mù u và trái bàng dễ dàng, còn quân dân Việt thì đi chân đất, đạp nhằm mù u và trái bàng, té ngã, bị dẫm đạp mà chết, chưa nói chi tới tên bay đạn lạc. Tất cả ngoài dự liệu của các quan tướng. Rõ ràng là không có một chiến thắng vinh quang nào như đã được kể lại theo truyền thuyết.
ĐNCT