.

"Sinh con rồi mới sinh cha…"

* Trong một lần nói chuyện lúc trà dư tửu hậu, một anh bạn đưa ra thành ngữ “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” rồi bình luận đây là hiện tượng phi lô-gic trong tiếng Việt. Tôi nhớ đây là thành ngữ được giải thích bằng một câu chuyện dân gian và cũng ngờ ngợ về tính mâu thuẫn của nó. Rất mong quý báo giải thích. (Hoàng Mỹ, Thanh Khê, Đà Nẵng)

- Sinh con rồi mới sinh cha là một chuyện cổ tích rất lý thú của người Việt, đã được Nguyễn Đổng Chi đưa vào Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam (NXB Văn nghệ Thành phố, 1993, tập II, tr. 73-135); trước đó, tác giả Hoàng Trọng Miên cũng kể một câu chuyện tương tự có tít là Con sinh trước cha, in trong Việt Nam Văn học Toàn thư (NXB Tiếng Phương Đông, Sài Gòn, 1973, tr. 385-386).

Chuyện kể rằng, Giáp và Ất là đôi bạn chí thân ở cách nhau con sông. Thấy bạn quá túng bấn, Giáp cho Ất mượn 10 nén bạc làm ăn. Từ đó, bẵng đi thời gian khá lâu, cả hai không liên lạc nhau. Nghĩ rằng Ất làm ăn thất bại nên không trả được nợ, Giáp sang sông thăm bạn, mang theo 5 nén bạc để phòng khi cần thì giúp bạn thêm lần nữa.

Đến nơi thấy nhà bạn tòa ngang dãy dọc, Giáp thầm mừng, bèn lén giấu 5 nén bạc trên nóc cổng rồi mới vào. Vợ chồng Ất tưởng Giáp sang đòi nợ nên bàn cách phục rượu rồi giết bạn, xác vùi dưới gốc khế sau vườn. Khế từ đó sum suê cành lá nhưng chỉ ra một quả to lớn khác thường. Vợ Ất mang thai, thèm chua nên hái ăn, sau sinh một bé trai mặt mũi khôi ngô, nhưng đến bảy tuổi mà vẫn chưa biết nói. Vợ chồng Ất van vái tứ phương. Một hôm thằng bé hốt nhiên mở miệng bảo: Cha mẹ cứ mời một ông quan về đây, ông ta sẽ làm cho con nói được.

Vợ chồng Ất làm theo, mời quan huyện về nhà mình. Gặp quan, thằng bé xưng tên là Giáp và kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Quan lệnh cho lính ra đào gốc khế, quả nhiên tìm được bộ xương người; tìm trên nóc cổng, hãy còn đủ 5 nén bạc.

Lập tức quan sai giam cổ vợ chồng Ất lại chờ ngày ra pháp trường, bao nhiêu tài sản đều giao cả cho thằng bé. Và, thằng bé, vốn là Giáp tái sinh, sau đó lại trở về nhà Giáp. Khi Giáp ra đi đứa cháu nội của mình mới đẻ, bây giờ thì nó đã lên 8, hơn mình một tuổi. Làng xóm nực cười, bảo: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

Câu chuyện dẫn đến thành ngữ “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, thoạt nghe thì có vẻ mâu thuẫn, phi lô-gic, nhưng xét cho cùng thì không hẳn thế. Trong tiếng Việt, sinh là từ đồng âm dị nghĩa, vừa có nghĩa là đẻ ra, vừa có nghĩa là tạo ra, thành ra. Trong “sinh con”, “sinh cháu” thì sinh có nghĩa là đẻ ra; trong “sinh cha”, “sinh ông” thì sinh nghĩa là tạo ra. Người đàn ông chỉ được lên chức cha khi đã có con và lên chức ông khi đã có cháu. Như thế, thành ngữ đang xét không có gì là khó hiểu, là phi lô-gic.

Nói thêm, trong dân gian, thành ngữ này cũng là một câu đố về bụi tre gai. Sau khi trồng tre một thời gian sẽ có măng (sinh con), măng dần dà lớn lên thành cây tre (sinh cha), trên cây tre tiếp tục sinh ra cành có gai (sinh cháu) và sau mấy chục năm cây tre sẽ già, gốc mọc tua tủa những chùm rễ nổi trên mặt đất trông như chòm râu (sinh ông).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.