.

Các loại chợ

* Hệ thống chợ ở nước ta được phân loại như thế nào? Tôi nghe nói chợ đầu mối Hòa Cường là chợ loại 1, xin cho biết cách phân loại này dựa vào những tiêu chí gì? (Mai Thị Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Theo tài liệu của Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội), hệ thống chợ Việt Nam được chia thành 5 loại như sau:

+ Theo địa giới hành chính: (1) Chợ đô thị - loại chợ được tổ chức, tụ họp ở thành phố, thị xã, thị trấn, (2) chợ nông thôn - chợ thường được tổ chức tại trung tâm xã, trung tâm cụm xã;

+ Theo tính chất mua bán: (1) Chợ bán buôn - các chợ lớn, chợ trung tâm, chợ có vị trí là cửa ngõ của thành phố, thị xã, thị trấn, có phạm vi hoạt động rộng, tập trung với khối lượng hàng hóa lớn, (2) chợ bán lẻ - chợ thuộc phạm vi xã, phường (hoặc liên xã, liên phường), cụm dân cư, hàng hóa qua chợ chủ yếu để bán lẻ, phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng;

+ Theo đặc điểm mặt hàng kinh doanh: (1) Chợ tổng hợp - chợ kinh doanh nhiều loại hàng hóa thuộc nhiều ngành hàng khác nhau. (2) chợ chuyên doanh - chợ chuyên kinh doanh một mặt hàng chính yếu, mặt hàng này thường chiếm doanh số trên 60% đồng thời vẫn có bán một số mặt hàng khác, các loại hàng này có doanh số dưới 40% tổng doanh thu;

+ Theo tính chất và quy mô xây dựng: (1) Chợ kiên cố - chợ được xây dựng hoàn chỉnh với đủ các yếu tố của một công trình kiến trúc, có độ bền sử dụng cao (trên 10 năm). (2) chợ bán kiên cố - chợ chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Bên cạnh những hạng mục xây dựng kiên cố (tầng lầu, cửa hàng, sạp hàng) còn có những hạng mục xây dựng tạm như lán, mái che, quầy bán hàng…, độ bền sử dụng không cao (dưới 10 năm) và thiếu tiện nghi. (3) chợ tạm - chợ có quầy, sạp bán hàng là những lều quán được làm có tính chất tạm thời, không ổn định, khi cần thiết có thể dỡ bỏ nhanh chóng và ít tốn kém;

+ Theo số lượng hộ kinh doanh, vị trí và mặt bằng của chợ: Chợ loại 1, chợ loại 2, chợ loại 3.

Chợ đầu mối Hòa Cường là chợ loại 1. Đây là cách phân loại dựa theo Điều 3 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

Theo đó, chợ loại 1 là chợ phải bảo đảm các tiêu chuẩn: (1) Có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch; (2) Được đặt ở các vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên; (3) Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác.

Chợ loại 2 là chợ thỏa mãn các tiêu chuẩn: (1) Có trên 200 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc là bán kiên cố theo quy hoạch; (2) Được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên; (3) Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường.

Chợ loại 3 là chợ thỏa mãn các tiêu chuẩn: (1) Có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; (2) Chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.

ĐNCT

;
.
.
.
  • Nghe hiện vật kể chuyện
    Bước qua cánh cổng Bảo tàng Đà Nẵng ở địa chỉ 31 Trần Phú, tôi như lạc vào dòng chảy thời gian của thành phố bên sông Hàn. Không gian trầm mặc của công trình hơn 120 tuổi giờ đây khoác lên mình diện mạo mới, vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Vẫn là những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, nhưng cách chúng được kể lại đã hoàn toàn khác…
    .
  • Di sản trường tồn trên nền tảng số
  • Câu chuyện kiến trúc
.
.
.
  • Bờ bãi tháng Tư
    Một cách tự nhiên, những gì hiện hữu trên quê hương đã trở thành biểu tượng khiến tôi chiêm ngẫm nhiều điều khi trải qua những khoảng lặng thời gian. Lý lẽ ấy tôi đã nương mình để hiểu thêm về cội nguồn sức mạnh.
    .
  • THƠ
  • Chiều về Đà Nẵng
.

Đọc nhiều

.
.