* Xin cho biết tên gọi các loại tàu thuyền đi lại trên sông nước. (Vũ Bình, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Có rất nhiều tên gọi chỉ các phương tiện đi lại trên sông nước, dưới đây là một số tên gọi được các từ điển giảng giải, tham khảo theo nhà nghiên cứu Vũ Hữu San và một số tài liệu khác:
Xưa nhất là Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), đã được Alexandre de Rhodes biên soạn sau khi ông ở Việt Nam 12 năm và được in tại Roma vào năm 1651 lúc Alexandre ở châu Âu. Từ điển tiếng Việt đầu tiên này có khoảng 8.000 mục từ, trong đó có các mục Thuyền, Tàu, nhưng lại thiếu các mục Bè, Ghe, Xuồng...
Đại Nam Quốc âm Tự vị (xuất bản năm 1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của, có xuất hiện thêm từ Ghe nhưng được ghép chung với Thuyền thành “tiếng đôi” Ghe thuyền.
Dictionnaire Vietnamien – Francais (Từ điển Việt- Pháp) xuất bản năm 1898 của Génibrel thống kê được 38 tên ghe: ghe bầu, ghe biển, ghe cửa, ghe nốc (ghe giã), ghe mành, ghe nang, ghe lồng, ghe lồng chón, ghe bốc chài, ghe trẹt, ghe giàn, ghe rập đáy, ghe cui, ghe cá, ghe rớ, ghe lườn, ghe vạch (mũi vạch, mỏ vạch), ghe câu, ghe rỗi, ghe đò, ghe hầu, ghe lê, ghe son, ghe vẹm, ghe ô, ghe hồng, ghe quyển, ghe diều, ghe mui ống, ghe giã vọng, ghe sơn đỏ, ghe tiểu điếu, ghe bản lồng, ghe khoái, ghe sai, ghe đại trường đà, ghe chiến, ghe nan.
Việt Nam Tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức xuất bản ở Hà Nội những năm 1931-1937 có các mục từ nói về phương tiện đi lại trên sông nước như sau:
Tàu là thứ thuyền lớn chở được nhiều người, nhiều đồ: Tàu sông, Tàu bể. Nghĩa rộng: tiếng gọi chung những cái để chở nhiều người, nhiều hàng: Tàu hỏa, Tàu bay.
Thuyền là đồ dùng để chở trên mặt nước: Thuyền chở khách. Thuyền đánh cá.
Bè là (do) tre, gỗ, nứa, ghép lại thả sông (đi biển)
Ghe tức là cái thuyền
Xuồng là thứ thuyền nhỏ không có mui, thường buộc theo tàu hay thuyền lớn.
Một số danh từ chỉ ghe thuyền mang đặc trưng văn hóa vùng miền. Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cho biết thuyền cũng đọc là thoàn; sõng là loại thuyền nan, xuồng nhỏ đan bằng nan tre (được dùng phổ biến ở vùng Bình Định – Phú Yên).
Tác giả Huỳnh Minh trong quyển Gò Công xưa và nay (Cánh Bằng xuất bản, Sài Gòn, 1969) có nói đến hai loại ghe của vùng đất này:
Ghe điệu: mũi lái chạm trổ, kèo mui thường sơn son thếp vàng, bên trong lót ván trơn bóng, có chỗ nấu nướng, đủ tiện nghi để hút á phiện cho giới nhà giàu.
Ghe hầu: sang hơn ghe điệu, dành cho cai tổng, tri phủ, tri huyện. Ban đêm ghe thắp sáng không phải để soi đường, mà để báo hiệu cho biết là ghe của quan. Khác với ghe thường, ghe hầu được đóng đẹp đẽ, sang trọng hơn: sơn son thếp vàng, đầu rồng đuôi phụng, trước mũi hai chèo, mui ghe lộng lẫy, bên trong trang trí rất đẹp như một phòng khách trên nhà… Ban đầu chỉ có loại quan chức mới đi ghe hầu, về sau các nhà giàu có, dư dả cũng đua nhau sắm loại ghe này, như kiểu đổi Citroen con cóc để sắm Dodge hay Mercédes đi cho oai.
Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (NXB Văn học, 2004) cũng trích lời của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị nói về một loại thuyền đặc biệt của đất cố đô:
Thuyền rồng: là thuyền trước mũi có đầu rồng, đó là thuyền vua ngự. (Từ điển này cũng có mục từ Thuyền ngự và giảng: thuyền hoa lệ và đồ sộ, chạm trổ, sơn son thếp vàng, bên trong chia thành từng gian, gian của nhà vua, gian của các bà cung phi, gian của nô tỳ thái giám). Từ đời vua Gia Long đến đời vua Tự Đức đều có thuyền rồng, thường có nội cung theo hầu. Thuyền rồng thường không có lính chèo, được kéo bởi 6 hoặc 8 thuyền khác, mỗi thuyền có chừng 50-60 tay chèo, gọi là lính Long thuyền.
ĐNCT