* Xin cho hỏi cách phân biệt các loại nhựa ni-lông và công dụng của từng loại. Riêng túi ni-lông được phân loại như thế nào? (Nguyễn Thị Mỹ Hiền, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
- Dựa trên chất liệu, nhựa ni-lông được phân thành 5 loại: PE, PP, PVC, PP, PET.
PE (Polyethylene) là loại nhựa trong suốt, mềm dẻo, bề mặt bóng láng; chống thấm nước và hơi nước tốt; nhưng chống thấm khí O2, CO, N2 và dầu mỡ đều kém. PE được dùng làm túi xách các loại, can (nhựa) có thể tích từ 1 đến 20 lít với các độ dày khác nhau; được làm nắp chai với điều kiện phải được bảo quản trong một môi trường không có chất gây mùi (vì PE rất dễ hấp thu mùi).
PP (Polypropylen) có tính bền cơ học cao, khá cứng vững, không mềm dẻo như PE, không bị kéo giãn dài nên được chế tạo thành sợi; chịu được nhiệt độ cao hơn 100oC; có tính chất chống thấm O2, hơi nước, dầu mỡ và các khí khác. PP được dùng làm bao bì một lớp để bảo quản thực phẩm; tạo thành sợi để dệt thành bao bì đựng lương thực, ngũ cốc có số lượng lớn…
PVC (Polyvinylchloride), từ năm 1920 trở về trước được sử dụng với số lượng rất lớn, nhưng nay đã bị PE vượt qua. Hiện nay, PVC phần lớn dùng để làm vỏ bọc dây cáp điện, làm ống thoát nước, áo mưa, màng nhựa gia dụng…
Năm 1970, người ta phát hiện trong PVC có vinyl chloride monomer (VCM), một chất có khả năng gây ung thư. Mặc dù đã khống chế được dư lượng VCM thấp hơn 1ppm (đơn vị đo mật độ – parts per million, nghĩa là phần triệu) là mức an toàn cho phép, nhưng ở châu Âu, PVC vẫn không được dùng làm bao bì thực phẩm dù giá thành rẻ hơn các loại bao bì nhựa khác.
PC (Polycarbonat) có tính chống thấm khí/hơi cao hơn các loại PE, PVC nhưng thấp hơn PP, PET; trong suốt, tính bền cơ học và độ cứng vững rất cao, khả năng chống mài mòn và không bị tác động bởi các thành phần của thực phẩm. PC có khả năng chịu được nhiệt độ cao nên được dùng làm bình, chai, nắp chứa thực phẩm cần tiệt trùng. Tuy nhiên, do màng PC có tính chống thấm khí/hơi kém, giá thành lại cao gấp ba lần PP, PET nên ít được sử dụng.
PET (Polyethylene terephthalate) có độ bền cơ học cao, có khả năng chịu đựng lực xé và lực va chạm, chịu đựng sự mài mòn cao, có độ cứng vững cao; chống thấm khí O2, và CO2 tốt hơn các loại nhựa khác; trơ với môi trường thực phẩm; khi được gia nhiệt đến 200oC hoặc làm lạnh ở -90oC, cấu trúc hóa học của mạch PET vẫn được giữ nguyên, tính chống thấm khí/hơi vẫn không thay đổi khi nhiệt độ khoảng 100oC. Do tính chống thấm rất cao nên PET được dùng làm chai, bình đựng nước tinh khiết, nước giải khát có gas…
Về túi ni-lông, có 5 loại thường gặp: túi trơn, túi Die-cut, túi T-shirt (hay còn gọi là túi shopping - túi siêu thị), túi Roll, và túi Zipper.
Túi trơn: phẳng, không quai, miệng bằng, mỏng. Thường gặp là các loại túi hàng chợ (đựng chè, đựng ô mai), túi đựng đá viên, túi PE trong suốt...
Túi Die-cut (túi đục quai): Loại túi quai lỗ dập quả trám (die-cut bag), hay gặp trong các cửa hàng bán lẻ, siêu thị...
Túi T-shirt (túi siêu thị): có 2 quai, giống như áo may-ô nên còn được gọi là túi may-ô hai quai. Loại túi này có nhiều màu để đựng hàng chợ; túi trong suốt thường đựng hàng đại lý và tạp hóa; túi xốp đen dùng để đựng rác (lót trong thùng đựng rác); túi in 1 hoặc 2 mặt dùng đựng hàng trong các siêu thị và trung tâm mua sắm.
Túi Roll (cuộn): được cuộn lại thành từng cuộn, to hay nhỏ tùy từng loại và giá cả. Loại túi này hay gặp nhất là đựng hàng hóa tại các quầy thực phẩm trong siêu thị, trung tâm thương mại.
Túi Zipper (có khóa kéo): loại túi có 1 miệng có khóa bấm - vuốt mép, có ưu điểm kín khí, an toàn, đóng gói tiện lợi. Loại túi này thường được làm bằng chất liệu PE với độ bền cơ lý tốt nên dùng để đựng một số hàng hóa bán lẻ cần bảo quản (linh kiện điện tử, vật tư y tế,…) hoặc đóng gói một số mặt hàng gia dụng.
ĐNCT