* Đèo Hải Vân đã diễn ra rất nhiều trận đánh lớn nhỏ giữa quân dân ta với quân Pháp, sau là quân Mỹ. Xin cho biết trận đánh đầu tiên giữa ta và quân Pháp? (hoangvanmy@...).
Đường đèo Hải Vân xưa. (Ảnh tư liệu) |
- Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất bằng đường thủy nhưng không thể vượt đường bộ qua đèo Hải Vân để đến Huế. Đưa quân vào tấn công Gia Định rồi quay lại tấn công Đà Nẵng lần thứ hai vào năm 1859, liên quân tuy thu được một số thắng lợi ban đầu ở mặt trận bờ biển, nhưng vẫn tiếp tục sa lầy, không thể nào đặt chân phía bên kia đèo Hải Vân chứ đừng nói ra tận kinh thành Huế.
Hai lần tấn công Đà Nẵng tìm đường bộ ra Huế nhưng đều thất bại, bởi Hải Vân núi non hiểm trở, gây bất lợi cho người Pháp khi cận chiến trên đường đèo.
Về sau, tuy đã chiếm được Việt Nam nhưng quân Pháp vẫn tiếp tục gặp nhiều thiệt hại nặng nề ở đèo Hải Vân mà trận đánh đầu tiên giữa nghĩa quân của ta và quân Pháp diễn ra tại đây vào đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1886.
Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn) kể lại chiến thắng của nghĩa quân ta tại trận đánh về sau được báo chí Pháp xuất bản ở Việt Nam gọi là “Thảm kịch Nam Chơn” (Le drame de Namchon) này như sau:
Theo lệnh của De Courcy, Tổng tư lệnh binh đoàn viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thiếu tướng Prudhomme đóng tại Huế đã cấp tốc điều động đội công binh mở nhanh con đường chiến lược Huế – Đà Nẵng, mà đặc biệt là đoạn đường qua đèo Hải Vân.
Từ con đường xuyên sơn nhỏ hẹp đủ cho người khiêng cáng và cho ngựa đi (route muletière) phải phát quang, bạt đá làm thành con đường ô-tô có thể đi được (route carrossable), ngoài phương tiện và kỹ thuật của công binh còn phải huy động hàng 500 - 600 dân phu của phủ Thừa Thiên và hai huyện Diên Phước, Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam.
Đội công binh làm nhiệm vụ khảo sát gồm cả thảy 10 người, do đại úy Besson cầm đầu, trong đó có một thông ngôn người Việt, đến đóng tại làng Nam Chơn (cũng gọi là Chơn Sảng) nằm ở phía nam chân đèo Hải Vân, thuộc huyện Hòa Vang.
Vào lúc nửa đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1886, lực lượng nghĩa quân đã bất ngờ bao vây và tấn công vào hai căn nhà có đội công binh trú đóng, dùng giáo mác tiêu diệt toàn bộ, cắt lấy thủ cấp của đại úy Besson, phóng hỏa thiêu rụi, rồi rút lui an toàn. Do nằm giữa nơi rừng hoang vắng, cho nên đến ngày hôm sau (2-3-1886) quân Pháp mới đến được hiện trường để thu nhặt các xác chết dưới sự yểm trợ của pháo hạm Pluvier đậu ở Vũng Thùng, đồng thời một tàu chiến khác chở một đơn vị lính tập đến mở cuộc truy lùng nghĩa quân. Nhưng tất cả chỉ hoài công vô ích.
Ngày 8-3-1886, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp đóng ở Trung Kỳ phải nuốt hận ra bản “nhật lệnh” gọi là để báo tang.
Bài “Chặn bước xâm lược” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-12-2014 dẫn thông tin từ Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH - Những người bạn Cố đô Huế), tập XII, năm 1925, kể lại chi tiết hơn về “Thảm kịch Nam Chơn”.
Theo đó, lợi dụng sự hoang hiểm của núi rừng Hải Vân, quân kháng chiến Cần Vương đã tiêu diệt gọn một nhóm lính công binh của đại úy Besson trong đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1886. Chiều 28, Besson cùng toán lính của mình ngủ tại làng Nam Chơn dưới chân đèo Hải Vân. Viên đại úy này được tướng Prudhomme, chỉ huy quân đội Trung kỳ, phái đi thám sát để chuẩn bị làm một con đường chuyển quân qua đèo Hải Vân.
Theo tài liệu của chính người Pháp kể lại, nửa đêm, khoảng 300 quân kháng chiến đã bí mật áp thuyền vào vịnh Đà Nẵng, rồi thâm nhập vào làng. Besson còn thức, đang ngồi ở bàn, chỉ kịp rút súng ngắn bắn một phát thì bị tiêu diệt ngay tức khắc. Dù tiếng súng báo động nhóm lính đang ngủ trong các ngôi nhà khác nhưng cuối cùng họ cũng bị tiêu diệt hoàn toàn sau cố gắng chống trả làm thương vong một số nghĩa quân.
Sự kiện gây chấn động toàn quân đội Pháp trên toàn Đông Dương này (được báo chí Pháp bấy giờ gọi là “Thảm kịch Nam Chơn”) chính là trận đánh đầu tiên mà quân viễn chinh Pháp đã gặp phải trên đèo Hải Vân vào cuối thế kỷ XIX.
ĐNCT