*Đọc sách báo, tài liệu, thỉnh thoảng tôi bắt gặp thành ngữ “Chiếc giường của Procuste” nhưng chưa rõ về xuất xứ và ngữ nghĩa của nó. Xin quý báo giải thích giùm. (Trần Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Thành ngữ “Chiếc giường của Procuste” xuất phát từ một thần thoại Hy Lạp, kể về chiến tích của Thésée (Hy Lạp cổ đại ghi là Thêseús) khi chàng đi từ quê nhà Trézène đến thành Athènes và trở thành vị vua huyền thoại của Athènes.
Tranh minh họa “Chiếc giường của Procuste”. Nguồn: Internet |
Như chàng Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, chàng Thésée xứ Trézène đến đâu “gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Đến Épidaure gặp tên khổng lồ thọt chân, đến Istros gặp tên cướp, đến Mégaride gặp tên khổng lồ Cercyon hung bạo,... tất cả muốn chàng nộp mạng, nhưng đều bị chàng hạ gục bằng tài nghệ của mình.
Tuy nhiên, chiến công lừng lẫy lưu danh thiên cổ của Thésée trên đường đến Athènes là thanh trừ tên cướp đường Procustre có thân hình to cao ở gần thung lũng Céphise vùng đồng bằng Attique. Tuy hắn có hai tên là Polypémon và Damastès, nhưng người ta quen gọi hắn bằng biệt danh Procustre (trong tiếng Hy Lạp cổ đại là Prokroústês), có nghĩa là “kẻ kéo căng người ra” (celui qui étire). Gọi thế, bởi hắn có cách tra tấn rất độc ác những nạn nhân mà hắn bắt được. Hắn trói họ rồi đặt trên chiếc giường của hắn. Nếu người họ dài quá khổ so với giường, hắn sẽ dùng gươm cắt bớt những phần thò ra; nếu người nạn nhân ngắn quá, hắn sẽ kéo dài họ ra cho bằng chiếc giường mới thôi. Trên cái giường tử thần đó, nạn nhân nào của hắn cũng phải giãy chết trong đớn đau tột cùng.
Thésée dùng võ thuật quật ngã Procuste, trói hắn trên chiếc giường của chính hắn, bắt phải đền tội cũng bằng chính cực hình của hắn gây nên.
Văn học thế giới ngày nay có thành ngữ Chiếc giường của Procuste (Le lit de Procuste) để chỉ một chuẩn mẫu, một nguyên tắc cứng nhắc phi thực tế nhưng lại được xem là khuôn vàng thước ngọc đem áp dụng trong xã hội.
Tương tự, Việt Nam có thành ngữ “Đẽo chân cho vừa giày” dùng để chỉ mọi toan tính muốn bắt người ta theo một kiểu mẫu duy nhất, một lối suy nghĩ hay hành động duy nhất.
Trong bài “Giường Procuste là giường gì?” đăng trên petrotimes.vn (Báo điện tử của Hội Dầu khí Việt Nam) ngày 4-7-2013, học giả An Chi cũng diễn giải về thành ngữ đang xét: “Người ta thường dùng lối nói chiếc giường của Procuste để ám chỉ cái xu hướng muốn quy mọi người hoặc mọi thứ về một cái mẫu người duy nhất, một kiểu tư duy duy nhất, một kiểu hành động duy nhất”.
ĐNCT