* Tục tảo mộ vào tháng Chạp hằng năm có ý nghĩa như thế nào? (Trương Văn Thành, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là lễ Chạp thường được các gia đình tổ chức vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp hằng năm. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mộ, phát cỏ dại, chặt cây cối, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Đây là một trong những việc người còn sống thể hiện hiếu đạo, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Tảo mộ thể hiện hiếu đạo, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất. Ảnh: V.T.L |
Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.
Theo bài “Phong tục tảo mộ ngày Tết, đi tảo mộ ngày nào?” đăng trên báo Giao Thông (baogiaothong.vn), thăm viếng phần mộ tổ tiên (tảo mộ) là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, tục lệ trong “đạo thờ ông bà” đã trở thành truyền thống của dân tộc. Những gia đình đi xa thường tảo mộ sớm nhưng với những gia đình tại các vùng quê, ở gần phần mộ tổ tiên thì thực hiện truyền thống này phổ biết nhất là vào ngày cuối cùng trong năm, trước bữa cơm tất niên.
Tại những dòng tộc lớn còn có quy định cụ thể về ngày tảo mộ. Ngày này còn được ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng họ để con cháu ở các thế hệ nối tiếp thực hiện. Đây cũng được coi là một hình thức gắn kết các thành viên, gia đình trong dòng tộc lại với nhau và để người đi xa hướng về quê quán, cội nguồn.
Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất. Sửa sang phần mộ xong, các gia đình sẽ làm lễ khấn vái thần linh, ông bà đã khuất, mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu. Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy.
Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.
Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.
Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.
ĐNCT