Các công ty Nhật Bản có cả hệ thống điều tra nghiên cứu thị trường, tư vấn và hỗ trợ thông tin rất đầy đủ cho các nhà đầu tư của họ khi lựa chọn một thị trường nào đó. Qua khảo sát, họ xem các thông tin đó có phù hợp với tiêu chí công ty mình hay không để quyết định đầu tư.
Một buổi mừng sinh nhật tại Sanei Việt Nam. (Ảnh do Sanei cung cấp) |
“Đất lành” cho các công ty Nhật Bản
Với Công ty TNHH Sanei Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà Cienco 5, số 77 Nguyễn Du - Đà Nẵng), anh Nguyễn Văn Nhân, trợ lý Giám đốc đã dẫn lời Giám đốc công ty, ông Tomioka Hiroyuki, rằng công ty đã có sự so sánh giữa 3 thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để cuối cùng chọn Đà Nẵng; vì nơi này có nguồn lao động tốt; tốt ở đây bao gồm cả số lượng và chất lượng cũng như mức thu nhập.
Về số lượng thì hiện Đà Nẵng có nhiều trường đại học, cao đẳng cũng như dạy nghề, có thể đào tạo rất nhiều lao động mà nhu cầu sử dụng tại địa phương chưa đáp ứng được. Tại thời điểm 2006, năm thành lập Sanei Việt Nam tại Đà Nẵng, các nhà đầu tư trong nước ở Đà Nẵng chưa nhiều, các nhà đầu tư nước ngoài cũng còn quá ít. Các công ty Nhà nước sử dụng lao động rất hạn chế nên lao động sau khi ra trường rất khó xin vào, thông tin tuyển dụng của các công ty Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng rất hạn chế.
Về chất lượng thì từ trung cấp cho đến đại học và ngay cả sau đại học vẫn có thể tuyển dụng được nên Sanei có thể dễ dàng lựa chọn lao động có trình độ phù hợp với công việc, có thể nói là cao hơn mức yêu cầu. Cụ thể, Sanei hiện sử dụng hơn 60 lao động, trong đó có cả lao động trình độ trung cấp mà vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng tại thời điểm ban đầu thì công ty chỉ tuyển hầu hết trình độ đại học và cao đẳng.
Đầu tư của các công ty Nhật Bản nói chung, Sanei nói riêng, vào Đà Nẵng đã giải quyết được nguồn lao động dư thừa, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động không thể xin việc trong các công ty Nhà nước, và trả mức thu nhập cho lao động cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước; hằng năm thu về cho Nhà nước hàng trăm triệu USD đầu tư FDI.
Đà Nẵng hiện có 92 doanh nghiệp và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động ổn định với tổng số vốn đầu tư 370 triệu USD, tập trung trên các lĩnh vực chế biến bột giấy xuất khẩu, cần câu, linh kiện điện tử, gia công phần mềm, thiết kế, vận tải… tạo việc làm ổn định cho gần 30 nghìn lao động địa phương. Công tác quảng bá, thu hút vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào khu công nghệ cao Đà Nẵng đang được tích cực đẩy mạnh, đã có 2 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư là tập đoàn Tokyo Keiki với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD và công ty Niwachuzo với số vốn đầu tư 22 triệu USD. Nguồn: danang.gov.vn |
Nếu Sanei Việt Nam chuyên thiết kế kết cấu các công trình dân dụng thì Công ty TNHH Marusun Việt Nam (Phòng 806, Tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai Plaza, số 1 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng) muốn phát triển ngành sản xuất ô-tô tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. “Đà Nẵng là một thành phố đẹp và yên bình, con người thân thiện nên Marusun đã chọn Đà Nẵng để đặt văn phòng công ty” - chị Lê Thị Từ Dung, trợ lý Giám đốc cho biết.
Marusun chủ yếu gia công, thiết kế khuôn rèn liên quan đến ô-tô và 100% sản phẩm xuất khẩu sang Nhật. Đây là một ngành khó, đòi hỏi kinh nghiệm nhiều và khả năng sáng tạo cao nên các nhân viên người Việt đang làm việc tại công ty phải cố gắng học hỏi.
Về mức thu nhập, theo điều tra năm 2006 thì mức lương kỹ sư ra trường tại Đà Nẵng khoảng từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 1/20 mức lương lao động phổ thông của Nhật Bản. Dựa theo mức sống và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Đà Nẵng hiện nay, lãnh đạo của Sanei dự đoán trong 10 năm hoặc 20 năm nữa thì mức thu nhập cũng như giá cả thị trường và các yếu tố liên quan đến mức sống của người lao động không tăng quá cao so với Nhật Bản.
Điều này có nghĩa là Đà Nẵng vẫn là “đất lành” của các công ty đến từ xứ sở Mặt trời mọc.
Cầu nối kinh tế-văn hóa
Trong khuôn khổ các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013 (VJES) đã diễn ra sáng 5-9 vừa qua tại Hà Nội. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2012 là 317 dự án, kỷ lục cao nhất trong 2 năm liên tiếp (năm 2011 là 234 dự án). Hiện đang có sự quan tâm lớn của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam đầu tư nên Việt Nam cần tận dụng cơ hội lớn này”.
Trước đó, chiều 23-8, khi đến chào từ biệt UBND thành phố Đà Nẵng nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển nhanh và bền vững của Đà Nẵng trong những năm gần đây; chính sách của thành phố đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường trao đổi, nghiên cứu, liên kết đầu tư.
Chính sách kêu gọi đầu tư tích cực cùng với thiên nhiên tươi đẹp, con người cần mẫn... đã trở thành những tiêu chí để các doanh nghiệp FDI Nhật đến với Đà Nẵng. Theo cảm nhận của anh Nhân ở Sanei Việt Nam, khi đến Đà Nẵng, hầu hết các lãnh đạo cũng như chuyên gia Nhật Bản trong công ty đều thích thú và thường đến các bãi biển Đà Nẵng. Họ cũng hay đi tham quan Hội An, bởi họ tìm thấy ở đó nét cổ kính và sự yên bình.
Ông Saito Kazutomi, Giám đốc Marusun Việt Nam tại Đà Nẵng thì cho rằng, giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Fuji nơi Công ty Marusun Nhật Bản đóng trụ sở có những nét tương đồng. Nếu Fuji nổi tiếng với núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ đỉnh núi thì Đà Nẵng có núi Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. “Đà Nẵng vừa có bãi biển đẹp,vừa có sông Hàn thơ mộng nên tôi nghĩ Đà Nẵng cũng khá giống với thành phố chúng tôi” - ông nói.
Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tại Đà Nẵng không có nhiều các hoạt động được tổ chức như ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngày 13-9 vừa qua, một đoàn hơn 20 sinh viên Nhật Bản đến Việt Nam để tham gia các hoạt động giao lưu trong dịp kỷ niệm này, đã đến tham quan Sanei Việt Nam tại Đà Nẵng. Đó là một trong những cầu nối kinh tế - văn hóa góp phần làm bền chặt hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.
VĂN THÀNH LÊ