.

Những tấm lòng khuyến học

.

Cách đây hơn 20 năm, xuất phát từ tấm lòng “tất cả vì đàn em thân yêu”, Hội đồng Sư phạm Trường THPT Thái Phiên thống nhất thành lập một tổ chức nhân đạo tự phát nhằm quyên góp quỹ khen thưởng, cấp phát học bổng và trợ cấp khó khăn cho học sinh nghèo, hiếu học, con thương binh - liệt sĩ…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương trao học bổng cho những học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và đại học năm 2013 tại lễ khai giảng năm học 2013-2014. 							      Ảnh: V.T.L
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương trao học bổng cho những học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và đại học năm 2013 tại lễ khai giảng năm học 2013-2014. Ảnh: V.T.L

Tất cả vì học trò nghèo

Như tên gọi từ những ngày đầu thành lập (Trường Trung học công lập Ngoại Ô - năm 1963), học trò Thái Phiên phần lớn sinh ra và lớn lên trong những khu dân cư nghèo ở vùng ven thành phố Đà Nẵng. Ngày ấy, nhiều em đứng trước nguy cơ bỏ học do không có tiền đóng học phí hoặc mặt mày nhợt nhạt vì đến lớp với cái bụng đói meo. Mỗi khi gặp cảnh ấy, những người thầy, người cô trong trường đều thấy đau xót nên tìm cách giúp đỡ. Tuy nhiên, trước đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, các cô thầy chỉ có thể giúp các em đỡ đói chứ khó lòng hỗ trợ về lâu dài. Đây là một trong những nguyên nhân thôi thúc Hội đồng Sư phạm Trường THPT Thái Phiên thành lập Ban vận động khuyến học, tiền thân của Chi hội khuyến học, gồm 7 người. Đây cũng là Chi hội khuyến học đầu tiên khối THPT tại Đà Nẵng. Trên cơ sở những thành tích ban đầu, ngày 10-2-1993, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) ký quyết định công nhận Chi hội khuyến học Thái Phiên. Từ năm 2005, mỗi năm, Chi hội hỗ trợ từ 10 đến 15 suất học học bổng (400.000 đồng/suất) và trợ cấp (200.000 đồng/suất) cho học trò nghèo. Hỗ trợ 2 suất cho con giáo viên có hoàn cảnh cha hoặc mẹ đang công tác tại trường qua đời gồm một suất 100.000 đồng/tháng/3 năm và một suất trọn gói 1.800.000 đồng. Đóng góp 20% kinh phí vào Quỹ khen thưởng của nhà trường để phát thưởng cho những học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, Hội còn hỗ trợ kinh phí để mở các lớp dạy phụ đạo miễn phí cho học trò nghèo các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn… từ năm học 2003-2004 đến nay.

Sinh ra trong gia đình nghèo, nhiều học trò sau thời gian học tập ở trường phải về gánh vác chuyện gia đình, đỡ đần cha mẹ. Điều đáng quý là trong điều kiện khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua ấy, nhiều tấm gương hiếu học xuất hiện. Trường hợp em Nguyễn Lê Đức Duy, học sinh lớp 11/1 là một ví dụ. Từ khi lọt lòng, Duy đã không biết cha mình là ai, mẹ lại mù nên từ nhỏ, mẹ con Duy được dì ruột đưa về cưu mang. Bản thân dì của Duy cũng chỉ là công nhân may gia công, đồng lương eo hẹp, phụng dưỡng thêm cha già đang bị bệnh nặng nên gia cảnh vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn khó. Cô Hà Thị Điểm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người trực tiếp đưa tên Duy vào danh sách cần giúp đỡ, trăn trở: “Nhà nghèo, bản thân Duy bị viêm tai giữa và hen suyễn nặng nên nhiều lúc, em đã có ý định bỏ học. Biết được điều này, Hội Khuyến học đã hướng dẫn em làm đơn xin trợ cấp khó khăn và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Khê hỗ trợ 1 chiếc xe đạp và 3 triệu đồng”.

Cần một chữ tâm

Từ con số 0, các thầy, cô trong Ban vận động khuyến học đi gõ cửa từng cơ quan, ban ngành xin kinh phí. Thầy Nguyễn Anh Tuấn (đã nghỉ hưu), nguyên Chủ tịch Hội khuyến học năm 2002 đến 2012, người có mặt trong Ban vận động từ những ngày đầu, cho biết: “Hiện nay, nguồn quỹ khuyến học thường xuyên của Hội là gần 100 triệu đồng. Quan điểm của Hội là chỉ dùng số tiền này khi gặp trường hợp cần sự giúp đỡ ngay tại chỗ. Do đó, để có nguồn tiền hỗ trợ xuyên suốt trong năm học, thành viên Ban chấp hành đã dựa vào các mối quan hệ cá nhân, tổ chức và đặc biệt là các cựu học sinh để vận động thường xuyên, liên tục”.

Tròn 20 năm công tác trong Hội khuyến học, bao lần thầy Nguyễn Anh Tuấn rớm nước mắt khi thấy học trò nghèo đôi khi chỉ nhận được vài ký gạo hỗ trợ mà vui mừng ra mặt, nói cười tíu tít. Ông bảo, người làm khuyến học phải có tâm và đừng bao giờ suy nghĩ mình làm những điều đó để được gì. Hãy cố gắng cho thật nhiều và nhận lấy niềm vui khi nhìn thấy học trò được tiếp sức. Có lẽ vì thế mà bây giờ, khi đã về hưu, nhưng Tết 2013, ông đã vận động được 30 suất quà cho học sinh nghèo. Mới đây nhất, cuối năm học 2012-2013, thầy Nguyễn Anh Tuấn cũng đã vận động được 500 cuốn vở và 10 triệu đồng để tặng thưởng cho học sinh giỏi, đạt kết quả tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Từ tấm lòng của người thầy, không ít cựu học sinh sau khi rời mái trường Thái Phiên, đã quay trở lại giúp đỡ những đàn em thân yêu của mình. Như anh Văn Hữu Luận, lớp 12/8, niên khóa 1992-1995 từng là học trò nghèo, được Hội Khuyến học nhà trường hỗ trợ quà, động viên học tập. Ra trường rồi vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, vài năm trở lại đây khi công việc đã ổn định, anh Luận thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của Hội, khi thì tiền, khi thì sách vở.

Nhà nghèo, học giỏi, bạn Thu Thảo, cựu học sinh Trường THPT Thái Phiên niên khóa 2009-2012 nhờ sự giúp đỡ của Hội khuyến học mà bây giờ đã trở thành cô sinh viên năm 2, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Từ khi bước vào mái trường Thái Phiên, Thu Thảo đã nhận được sự hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng cho đến hết những năm tháng đại học. Hiệu phó Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội khuyến học Thái Phiên cho biết, người có công đầu mang nguồn học bổng này về cho Thảo là nhà báo Nguyễn Tiến Dân, nguyên Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh nhà trường. “Sự đồng lòng của cả một hệ thống, từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu, thầy cô, phụ huynh đến cựu học sinh toàn trường đã giúp uy tín của Hội ngày càng tăng. Dựa vào uy tín này, nhiều nhà hảo tâm đã chủ động liên lạc để giúp đỡ học sinh nghèo. Tuy nhiên, công tác khuyến học không chỉ là hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, mà còn tham gia vào tất cả các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của nhà trường, tất cả vì đàn em thân yêu”, cô Tuyết khẳng định.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.