“Với cấp học phổ thông, môn học nào chúng tôi cũng coi trọng, nhưng với trường Thái Phiên thì một số môn như Toán, Ngoại ngữ, Văn, Sử… năm nào học sinh của trường cũng đoạt giải thưởng cấp thành phố và quốc gia. Thầy và trò nhà trường rất trân trọng các giải thưởng vì đầu vào của trường khá thấp so với một số trường top đầu của thành phố”, cô Hà Thị Điểm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, nói về chất lượng dạy và học của trường.
Thầy Phạm Văn Khế trong giờ giảng bài cho một lớp học sinh khối 10 Trường THPT Thái Phiên. Ảnh: H.L |
Hai giải nhất và 4 giải nhì môn Lịch sử mà các học sinh (HS) Trường THPT Thái Phiên đoạt được trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp thành phố năm học vừa qua là minh chứng cho truyền thống học tốt và học giỏi môn học này của trường. Thầy Hà Thúc Quang, Tổ phó tổ Lịch sử, thường nhắc với học trò của mình câu “nằm lòng” của thầy: “Thích mà học không bằng vui mà học”. Và để cho bao lứa học trò cảm thấy vui thích với Lịch sử, môn học ít được coi trọng trong những năm gần đây, các thầy cô của tổ Sử không ngừng cố gắng đầu tư vào chất lượng bài giảng để tạo ra cảm hứng cho HS. Vì theo thầy Quang, chỉ có “cảm hứng” mới lôi kéo được các em yêu thích và say mê môn học. “Giáo viên nhiệt tâm, không hài lòng với những gì có trong sách giáo khoa, chúng tôi luôn cập nhật các thông tin thời sự, nghiên cứu tư liệu hỗ trợ bài giảng, không dạy theo cách giáo điều, máy móc và dạy HS với tinh thần phản biện, khoa học, nhờ đó môn lịch sử mới được HS đón nhận và giúp những em có năng khiếu học giỏi môn này. Từ đó môn sử trở thành một trong những môn học “nặng ký” ở trường Thái Phiên”, thầy Hà Thúc Quang nhấn mạnh đến yếu tố giúp cho học trò của trường giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Bên cạnh môn Lịch sử, những cô cậu học trò Thái Phiên cũng thường xuyên “rinh” các giải thưởng Ngoại ngữ về cho trường, cho lớp. Dù chưa có nhiều giải cao, nhưng năm nào HS của trường cũng có giải cấp thành phố, giải thưởng trong kỳ thi tìm hiểu đất nước Australia - Khám phá tiềm năng năm 2008, tìm hiểu đất nước Anh năm 2009, giải thưởng kỳ thi hùng biện tiếng Anh cấp thành phố các năm và năm học vừa qua, hay giải Bạc cấp quốc gia trong kỳ thi tiếng Anh trên Internet…
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, cho rằng với chuẩn đầu vào không cao, vào năm học lớp 10 các thầy cô còn phải dùng khá nhiều tiếng Việt trong các tiết học Ngoại ngữ, thì sau một thời gian, cô và trò phải bảo đảm xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giờ học. Và tập cho các em nghe-nói, phản xạ bằng ngoại ngữ là một yêu cầu chuyên môn của tổ. Khoảng 10 năm nay, các điều kiện hỗ trợ như phòng nghe-nhìn, đồ dùng dạy học, các buổi chiếu phim và nói chuyện theo chủ đề và đặc biệt phong trào học ngoại ngữ, xem ngoại ngữ là một hành trang vào đời giúp cho việc dạy và học của cô trò hiệu quả hơn trước. Chưa hết, trong số 16 giáo viên của tổ, 4 người đã tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, 9 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở. Theo cô Minh Nguyệt, tổ Ngoại ngữ là tổ đạt trình độ đào tạo trên chuẩn cao trong các tổ chuyên môn của trường, mối quan hệ giữa thầy và trò cũng thân thiện, thoải mái hơn, giúp cho việc truyền thụ kiến thức và học của các em nhanh hơn…
Nhắc đến bao thế hệ học trò đã qua, thầy Phạm Văn Khế, Tổ trưởng tổ Toán, vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại một số gương HS được thầy đánh giá là “rất xuất sắc” trong cuộc đời 32 năm đứng trên bục giảng của mình. Đó là cựu HS Đoàn Ngọc Tường, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam, nhập trường năm 1996. Trí thông minh và sự xuất sắc của Tường khiến thầy Khế rất tin tưởng, thầy truyền hết kiến thức và các kỹ năng giải Toán cho cậu học trò đặc “chất” quê, chẳng biết đến việc học thêm. Bù lại, Tường học giỏi Toán đến mức rất hiếm khi có điểm dưới 10 ở môn học này. Những gương mặt học trò đặc biệt như thế luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người thầy giáo tóc bắt đầu lốm đốm sợi bạc. Thầy Khế thường bảo học trò là các bài Toán giống như các vì sao trên trời, thầy và các em làm sao để giải được một vài vì sao là đã thành công trên con đường học tập rồi. Và thầy thường xuyên sưu tầm các bài tập hay, các đề thi để thầy và trò tìm cách giải. “Tôi rất thích những bài toán học trò giải nhiều cách, thể hiện một cách ngăn nắp, chặt chẽ. Thường những bài toán càng khó càng có nhiều cái hay, cách giải của HS như thế nào để thể hiện cái giỏi, cái xuất sắc của em đó mới là điều làm nên sự hấp dẫn của môn toán”, đó cũng là cách thầy Khế phát hiện những em HS giỏi và có năng khiếu về toán, để đưa vào đội tuyển chuẩn bị cho các kỳ thi HS giỏi.
Tổ Toán của Trường THPT Thái Phiên cũng được xem là tổ “già” nhất, đông nhất trường khi có đến 10 thầy cô trên 50 tuổi trên tổng số 24 giáo viên Toán và số thầy tổ Toán làm giáo viên chủ nhiệm cũng đông không kém với 18 người. Nói về các tổ chuyên môn của trường, cô Hà Thị Điểm nhận xét: “Sự mạnh mẽ của tổ Toán; cái chu đáo, tận tâm với nghề của tổ Lý; sự thân ái, đoàn kết của tổ Hóa, Ngoại ngữ, Sử, Địa… khẳng định sự nỗ lực hết mình của thầy cô trường Thái Phiên dành cho bao lứa học trò, tạo nên sự mạnh mẽ, đồng nhất trong toàn trường. Học trò Trường Ngoại Ô xưa vì thế cũng không hề thua kém các trường bạn, nhờ đó trường có bao lứa học trò thành đạt, nên người”. Những năm qua, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học công lập của HS trường Thái Phiên luôn đạt 35-40%, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn xấp xỉ con số 100%. Đó là minh chứng cho thấy dù chưa phải là một trường nổi tiếng về điểm số đầu vào, nhưng phong trào dạy và học của thầy trò Trường Thái Phiên vẫn đang từng bước nâng lên, sánh ngang với nhiều trường “có tiếng” khác ở phố.
HIỀN LƯƠNG