.

Từ cuộc chiến bảo vệ thành Đà Nẵng

.

Cuộc chiến tranh bảo vệ thành Đà Nẵng đã lùi xa 155 năm, song để đánh giá tầm vóc của nó đối với diễn trình lịch sử dân tộc, cũng như nhận thức vai trò của Đà Nẵng trong “buổi đầu đánh Pháp” vẫn luôn mới đối với tất cả chúng ta. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu vài phát hiện thú vị về cuộc chiến tranh này.

Bản đồ do quân Pháp vẽ năm 1859 về các địa điểm trú đóng của quân Pháp tại Đà Nẵng
Bản đồ do quân Pháp vẽ năm 1859 về các địa điểm trú đóng của quân Pháp tại Đà Nẵng.

Theo gia phả của họ Võ ở làng Tứ Câu, Tú tài Võ Đăng Xuân được triều đình Huế giao trọng trách lập cơ pháo binh Diên - Nam (tức huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam - tác giả) án ngữ cửa sông Vĩnh Điện để phòng giặc Tây. Căn cứ vào sử liệu trên và dựa vào lời kể của các cụ già tại đây, chúng tôi đã tìm thấy dấu vết của “trận địa pháo” này như sau: một cứ điểm đóng tại Quán Mồng (nay là vườn nhà ông Kiểm Đôn làng Bồ Mưng, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn). Cứ điểm thứ hai ở làng Quá Giáng xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cách cứ điểm thứ nhất chừng 300m. Cứ điểm thứ ba được bố trí tại vườn nhà ông Biện Ngạn (nay là nhà ông Hương Khuê) làng Tứ Câu, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Bấy giờ, điểm này được đặt nhiều khẩu thần công lớn để chặn đường tiến quân của địch theo đường sông đến tỉnh thành La Qua, nên đến nay nhân dân ở đây vẫn còn gọi địa danh này là Cồn Súng.

Mới đây, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, chúng tôi được tiếp cận một tấm bản đồ do người Pháp vẽ năm 1859, về các địa điểm trú đóng của họ tại Đà Nẵng. Nhìn tấm bản đồ này, cho ta cái nhìn sinh động về sự bố trí lực lượng giữa Nam quân và liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Tương tự, căn cứ vào một tấm bản đồ được quân Pháp thu được tại nhà một ông quan An Nam ở Đà Nẵng vào ngày 15-9-1859, kết hợp với tập “Hòa Vang huyện chí” của Tú tài Trần Nhật Tĩnh (người làng Quan Nam, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chúng tôi phát hiện thêm nhiều vấn đề lý thú về việc bố phòng và đưa thư của quân đội triều đình Huế tại vùng tây bắc Đà Nẵng.

Sơ đồ khu nghĩa địa Tây tại bán đảo Sơn Trà năm 1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ảnh: Nguyễn Văn Tươi
Sơ đồ khu nghĩa địa Tây tại bán đảo Sơn Trà năm 1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ảnh: Nguyễn Văn Tươi

Từ các điểm ký chú của bản đồ, tại vị trí được đánh dấu là “Hóa Ổ đồn” cho chúng ta một chỉ dấu quan trọng là, trừ tấn Cu Đê trước đây, đến lúc Nguyễn Tri Phương cầm quân, ông cho thiết lập tại mỏm núi Nam Ô (còn gọi là núi Xuân Dương) một đồn binh tương đối lớn mà bản đồ chú là “Hóa Ổ đồn”. Về đồn này, chúng tôi tìm thấy một chi tiết thú vị từ cuốn “Hòa Vang huyện chí”, Trần Nhật Tĩnh cho biết: “Về phía Nam núi Xuân Dương có mỏm đá ra tận đến biển, nước rất sâu, người dân địa phương có lập đền thờ thần Hà Bá, đền rất linh thiêng. Năm Tự Đức thứ 12 (tức năm 1859) quân Pháp xâm phạm Đà Nẵng, Ban Biện quân vụ là Trần Đình Túc và Đốc binh Nguyễn Nhàn được phân giữ cửa này. Cách phía Đông chừng 50 trượng, có đắp đồn để canh giữ”.

Tại cửa sông Cu Đê, từ điểm phòng thủ là tấn Cu Đê trước đây, bản đồ cho thấy có đến ba đồn là: Cu Đê hạ đồn, Cu Đê thượng đồn và Cu Đê thủ ở phía thượng nguồn. Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép của Tú tài Trần Nhật Tĩnh cho biết, càng tiến về phía thượng nguồn Cu Đê, Nguyễn Tri Phương càng cho thiết lập một số đồn, bốt nhỏ tại các núi Trường Định, Phò Nam, Nam Yên: “Năm Tự Đức thứ 12, giặc Pháp xâm phạm cửa Câu Đê. Ngài Đại sứ Nguyễn Tri Phương sai tùy biện là Nguyễn Đình Thi đến phía Tây núi Trường Định ước cách vài trăm trượng đắp đồn để phòng ngự, gọi là đồn Trường Định, dựa vào thế núi ở phía đông bắc, tức là nơi này”.

Chúng tôi cũng đã truy tìm dấu tích của “đồn Quan Nam” theo như ghi chép của tác giả Hòa Vang huyện chí: “Năm Tự Đức thứ 12, ngài Đại sứ Nguyễn Tri Phương sai Nguyễn Văn Thi đắp đồn ở phía bắc núi Phò Nam để phòng ngự quân Pháp. Võ Trác chịu trách nhiệm canh giữ ở đó và gọi đó là đồn Quan Nam”. Căn cứ vào ghi chép trên, chúng tôi tìm thấy dấu vết một đoạn tường thành xưa. Thành được làm bằng những tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau. Một người dân địa phương cho biết: sau năm 1975 vẫn còn thấy rõ toàn bộ hình chữ nhật của thành này, sau đó dân dỡ đá về xây đình, xây nhà nên chỉ còn hai đoạn dài, mỗi đoạn chừng 40 mét.

Như vậy, ngoài những đồn lớn, bảo, tấn đã biết trước đây, Nguyễn Tri Phương còn cho thiết lập hàng chục đồn, bảo, lũy nhỏ để bảo vệ chặt con đường quan yếu Huế; hệ thống đồn này đã rất hiệu dụng trong việc chặn đứng quân Pháp thực hiện ý đồ giải tỏa đèo Hải Vân, tiến quân ra Huế, nhanh chóng buộc triều đình Huế đầu hàng. Chính hệ thống bố phòng dày đặc đó, khi quân Pháp tấn công đồn Chân Sảng, thì Nam quân đã “rót những phát thần công trúng đích” vào chiến hạm Némésis, ngay chỗ Đô đốc Page đang đứng chỉ huy, y thoát chết nhưng viên chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của y là trung tá Duppré Déroulède đã bị đại bác của Nam quân cắt làm đôi, mấy tên lính đứng gần đấy cũng chịu cảnh thương vong. Mộ của Duppré Déroulède hiện vẫn còn tại khu “nghĩa địa Tây” trên bán đảo Sơn Trà.

Khi đường Hải Vân bị Pháp phong tỏa, để bảo đảm sự liên lạc thư từ giữa triều đình Huế và mặt trận Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương tăng cường phòng ngự chặt chẽ hơn trên tuyến đường ra Huế, đồng thời mở đường “Hải Vân thượng đạo” để đưa tin tức ra Huế và ngược lại. Về con đường này, Tú tài Trần Nhật Tĩnh chép: “Núi Nam Yên có một con đường tắt ra Huế rất thuận lợi và nhanh chóng. Năm Tự Đức thứ 12, Bố chính tỉnh Quảng Nam là Thân Văn Tiếp thường đi bộ trên con đường này để khám tra, so với các con đường khác, kể cả con đường trung lộ qua núi Hải Vân thì con đường này có lẽ tốt hơn”. Nhờ sử dụng con đường Hải Vân thượng đạo để vận chuyển công văn nên việc chỉ đạo giữa triều đình và mặt trận Đà Nẵng luôn được thông suốt, công đầu đó thuộc hai trạm Nam Ô (tức Hóa Ổ thuộc Đà Nẵng) và Thừa Phú (Thừa Thiên-Huế). Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: “Vua nghĩ đường Chân Sảng tỉnh Quảng Nam bị nghẽn, 2 trạm Thừa Phú, Hóa Ổ phải chạy giấy xa, khó nhọc, thưởng mỗi trạm 30 quan tiền”.

Chúng tôi cũng đã tìm thấy cứ liệu cho thấy sự quan tâm đặc biệt của vua Tự Đức đối với mặt trận Đà Nẵng, nhất là việc ông cho thiết lập các nghĩa trủng cho các nghĩa sĩ đã hy sinh tại đây, ngay sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Khác với nghĩa trủng Hòa Vang được thiết lập trước đó, nghĩa trủng Phước Ninh được xây dựng vào năm 1876, tấm bia hiện còn tại nghĩa trủng này cho biết: Viên trấn thủ Đà Nẵng lúc bấy giờ là Nguyễn Quý Linh và lãnh binh Trương Tải Phủ thấy cảnh dập vùi những nắm xương lạc loài sau trận chiến Cửa Hàn đã “vâng mệnh triều đình” kêu gọi thân hào, nhân sĩ và đồng bào ở Đà Nẵng để xây dựng nghĩa trủng này.

Chúng tôi được ông Mai Phước Ngọc cung cấp một văn bản cổ, nội dung có đoạn: “Phụng mệnh đức vua, nay quan Phòng thủ cửa biển Quảng Nam, ông Nguyễn Chánh Tâm đã tư báo ý định của triều đình về việc lạc quyên xây dựng nghĩa trủng. Quan thừa dịch Nam Ô trước đây là ông Mai Văn Văn, đã tài trợ 100 quan tiền để xây nghĩa trủng. Kinh qua việc này, chiếu thể lệ thi hành, bổn Bộ đã khởi thảo văn bản xin được gia thưởng. Nhà vua đã phê chuẩn và tự tay ký lệnh biểu dương khích lệ”. Văn bản này được ban hành năm Tự Đức thứ 29 (1876), vậy thì ông Văn góp tiền chỉ để xây nghĩa trủng Phước Ninh, bởi nghĩa trủng Hòa Vang đã được xây dựng trước đó khá lâu.

Nhân đây, xin được nói thêm về “khu nghĩa địa Tây” tại chân núi Sơn Trà hiện nay. Trước đây, chúng tôi căn cứ vào bộ hồ sơ của Viện Viễn đông bác cổ (năm 1921) để khảo tả “khu nghĩa địa Tây” trong các công trình nghiên cứu của mình. Mới đây (8-2013), tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, chúng tôi được tiếp cận một bộ hồ sơ chi tiết, đầy đủ (có bản đồ minh họa) về việc người Pháp thiết lập nghĩa địa Tây vào năm 1897. Hồ sơ cho thấy số lượng binh lính Pháp, tước hiệu, cấp hàm và sơ đồ chôn của từng nấm mồ tại “khu nghĩa địa Tây”.  

Cùng với thời gian, sự hiển hiện của chiến tranh bảo vệ thành Đà Nẵng (1858 - 1860), nhất là vai trò của quân dân ta tại Đà Nẵng, dần hiện lên một cách chân thực và sinh động biết dường nào.

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.