.

Vẫn chọn lối đi này

.

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, không giàu về tiền bạc nhưng lại rất giàu về tình cảm và tâm hồn. Đó là tâm sự của rất nhiều thầy, cô giáo vẫn ngày ngày đứng trên bục giảng truyền đạt cho học sinh những kiến thức cần thiết trong cuộc sống sau này…

Gần 40 năm với nghề, thầy Tuấn luôn yêu thương và gắn bó với nhiều thế hệ học trò. Ảnh: T.Y
Gần 40 năm với nghề, thầy Tuấn luôn yêu thương và gắn bó với nhiều thế hệ học trò. Ảnh: T.Y

Cái tâm của người thầy

Tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng năm 2001, Trương Thị Diệu Huyền từng giảng dạy tại Trường tiểu học tư thục Thế giới trẻ em (nay là Trường tiểu học, THCS và THPT Thế giới trẻ em) nằm ngay trung tâm thành phố, nơi chủ yếu đào tạo cho con em người nước ngoài. Một ngày cuối năm 2007, Huyền khiến gia đình và bạn bè bất ngờ khi báo tin rằng mình sắp chuyển công tác về Trường tiểu học Hải Vân, ngôi trường nghèo nằm dưới chân đèo Hải Vân với lý do “muốn được giảng dạy cho con em người Việt Nam”. Ai cũng tỏ ra tiếc nuối cho Huyền bởi cô đang giảng dạy trong một môi trường khá chuyên nghiệp, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Phải nói rằng, vào thời điểm đó, mức thu nhập này được xếp vào dạng cao.

Mới chân ướt chân ráo về dạy tại Trường tiểu học Hải Vân thì năm học 2008-2009, cô giáo Diệu Huyền được phân công ra giảng dạy tại cơ sở 2 của trường tại làng Vân. Lần đầu tiên đứng trên bục giảng tại làng Vân, trong lòng cô hiện lên hình ảnh giữa một bên là học trò trường quốc tế ăn mặc đẹp đẽ, người thoang thoảng mùi thơm, một bên là học trò làng Vân trên tóc còn vương mùi nắng khét, mấy đầu ngón tay đen bụi đất, những chiếc áo sờn rách cả cổ mà thương không chịu nổi.

Bằng tình thương đó, cô Huyền ngày ngày vượt đèo đến với làng Vân, cần mẫn dạy các em tập viết, học toán và làm quen với những gam màu cuộc sống. Cô bảo, bây giờ, nhiều đồng nghiệp của cô dạy ở trường quốc tế tỏ ra nuối tiếc cho cô vì thu nhập ở đó cao và được đi du lịch nhiều nơi. Nhưng khi chọn nghề giáo, cô đã xác định lương không phải mục tiêu duy nhất trong công việc của mình, dù cuộc sống của cô còn nhiều khó khăn và phải chi tiêu tằn tiện lắm mới có thể vượt qua được. Bởi hơn ai hết, cô biết mình yêu học sinh và trân trọng những đức tính cao quý của người thầy.

Mới đây, khi một số bài đăng trên Báo Đà Nẵng bàn chuyện dạy thêm, học thêm trá hình khiến nhiều thầy, cô giáo dưới phố lo lắng thì thầy và trò Trường tiểu học Hải Vân vẫn ăn ngon, ngủ yên. Dù không dạy thêm, học thêm nhưng những năm qua chất lượng dạy và học của trường luôn ổn định, không có học sinh bỏ học và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Đơn cử, trong năm học 2012-2013, tại cuộc thi giải toán trên Internet cấp thành phố, Trường tiểu học Hải Vân đạt 46 giải nhất, 16 giải nhì, 9 giải ba và 9 giải khuyến khích. Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Người dân ở đây nghèo lắm, đến cái ăn còn lo chưa đủ thì lấy tiền đâu cho con đi học thêm. Để bảo đảm chất lượng, thầy cô ở đây có cách làm khác hay hơn. Đó là tổ chức dạy phụ đạo, dạy kèm miễn phí cho học sinh yếu, kém ngay tại trường”.

Từng gắn bó với nhiều thế hệ học trò trước khi chuyển sang công tác lãnh đạo, hơn ai hết thầy Nguyễn Thanh Tuấn hiểu học trò của mình muốn gì, cần gì. Cái tâm người thầy bao năm đứng trên bục giảng giúp ông vận dụng hết khả năng của mình để chăm lo cho học trò. Bên cạnh sự đầu tư của ngành giáo dục, dựa vào chủ trương xã hội hóa, ông đã mang đơn đi xin tiền nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để về xây dựng thêm phòng học, thư viện, sân trường và nhà công vụ cho giáo viên, vận động tổ chức từ thiện trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. “Tôi rất hạnh phúc vì trên cương vị người lãnh đạo, tôi có thể giúp học trò mình có được chỗ học tập tử tế. Có lần trên đường về thăm quê, một cậu học trò cũ từ phía sau chạy lại bịt mắt tôi và hỏi tôi có đoán ra ai không. Vui vì nhiều năm ra trường mà học trò vẫn nhớ mình, yêu quý mình. Đó là hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có”.

Nhận được nhiều giá trị sống

Mỗi người có một lý do khi chọn nghề giáo. Đó trở thành sợi dây níu kéo mạnh mẽ nhất để họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống ở lại với nghề. Thầy giáo Nguyễn Công Dũng, giáo viên dạy nhạc Trường THCS Kim Đồng, quận Hải Châu  tự nhận mình là người “lái đò” tận tụy. Ở đó, thầy vừa làm thầy, vừa làm anh, vừa làm bạn, vừa làm cha của các em. Là thầy giáo dạy nhạc, nhưng Nguyễn Công Dũng nắm khá vững kiến thức địa lý và lịch sử.

Thầy bảo, môn nhạc liên quan khá nhiều đến địa lý và lịch sử vì mỗi tác phẩm ra đời đều gắn liền với vùng đất, con người và có hoàn cảnh ra đời khác nhau. Là thầy giáo nhưng có biệt tài về sáng tác, ca hát và sử dụng tốt nhiều dụng cụ âm nhạc, thầy Dũng có không ít cơ hội bước thẳng vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Ngoài thời gian đứng trên bục giảng, thầy Dũng cũng nhiều lần bươn chải với đủ nghề từ dạy năng khiếu ở Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng đến đánh đàn trong các đám cưới, đám tang nhưng cuối cùng “khi bươn chải ngoài đời tôi lại thèm được làm việc trong môi trường sư phạm tình cảm, nhẹ nhàng và có kỷ luật. Đối với tôi bây giờ, nghề giáo là nơi tôi nhận được nhiều giá trị về cuộc sống hơn bất cứ nghề nghiệp nào”.

Hơn 30 năm với nghiệp “lái đò”, thầy Dũng được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh yêu quý. Đó cũng là niềm vui giúp Nguyễn Công Dũng gắn bó với nghề. Em Nguyễn Thị Xuân Nhi, cựu học sinh lớp 8/1 (niên khóa 2011-2012) chia sẻ: “Bằng âm nhạc, thầy Dũng truyền tải cho chúng em học cách tôn trọng những cô lao công quét rác, biết khâm phục những tài năng nhưng kém may mắn ở đời, biết thông cảm, yêu thương và chia sẻ với những mảnh đời cơ cực. Thầy khuyên chúng em đừng cười lên nỗi đau của người khác. Dù đã rời trường, nhưng trong em luôn khắc sâu hình ảnh người thầy cần mẫn sau cây organ đàn ca khúc “Xin làm người chăm hoa” do mình sáng tác”.

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên Trường THCS Trần Quý Cáp, phường Khuê Trung thì tình yêu với nghề giáo, với học sinh thể hiện qua đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ thông tin để dạy lịch sử”. Đề tài này đã đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI và giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ XI.

Từ năm 2010, phương pháp giảng dạy của cô giáo Minh được sử dụng thường xuyên trong các tiết học lịch sử khối lớp 6 toàn thành phố, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh, tạo cảm hứng trong giảng dạy. “Đối với tôi, niềm yêu nghề thể hiện qua các nghiên cứu khoa học, với mục đích giúp học sinh và đồng nghiệp của mình có phương pháp dạy và học tốt hơn. Mang tâm niệm mình là người thầy đã giúp tôi dừng lại trước mọi cám dỗ của cuộc đời. Đó là sự lựa chọn đúng đắn để tôi vượt qua mọi khó khăn để luôn sống đẹp với nghề”.

Giữa lúc nền giáo dục nước nhà có nhiều biểu hiện tiêu cực khiến mọi người suy nghĩ, thì vẫn còn nhiều người thầy, dạy học không phải là nghề nhàm chán mà ngược lại, nó giúp họ trẻ hơn, sống chan hòa hơn. Như lời thầy Tuấn, dạy học khiến ông có cảm giác mình không bao giờ dừng lại mà phải luôn học tập, nghiên cứu không ngừng, có điều kiện giúp đỡ, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò thân yêu. Điều này khiến mỗi người thầy đều thấy con đường mình đã chọn là đúng đắn và đáng trân trọng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.