.

Muôn cách làm từ thiện

.

Trong suy nghĩ của nhiều người, từ thiện là việc dành riêng cho những ai “có điều kiện” về kinh tế. Nhưng thật ra, làm từ thiện đôi khi rất đơn giản, chỉ cần bạn có tấm lòng và thực sự muốn sẻ chia.

Anh Lê Đình Ba, Trưởng nhóm ACE Thiện Văn trong một chuyến trao quà cho bà con xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên sau cơn bão Nari. Ảnh: T.Y
Anh Lê Đình Ba, Trưởng nhóm ACE Thiện Văn trong một chuyến trao quà cho bà con xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên sau cơn bão Nari. Ảnh: T.Y

Càng làm càng… nghiện

Trong một chuyến đi từ thiện lên xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum năm 2008, nhóm ACE Thiện Văn (Đà Nẵng) đã mang quà cho thương bệnh binh nhân dịp 27-7, học bổng cho học sinh nghèo và 10 triệu đồng xây dựng nhà sàn tình nghĩa cho con liệt sĩ là chị Y Lé ở thôn 2. Cũng trong chuyến đi này, ACE Thiện Văn chuẩn bị trước 15 tiết mục ca nhạc phục vụ bà con. Nằm trên địa bàn có độ cao 1.340 mét so với mực nước biển, bà con xã Hiếu phần lớn là đồng bào dân tộc Mơ Nâm. Trời mưa như trút nước. Đêm văn nghệ diễn ra ấm áp nghĩa tình. Những em bé đến nhận học bổng chỉ với bàn chân trần và manh áo mỏng đã khiến các thành viên trong đoàn lúc ấy nghĩ ngay một chuyến từ thiện tiếp theo đến xã Hiếu mang theo quần áo ấm, chăn màn và những bao gạo cứu đói. Về Đà Nẵng, nhờ tích cực vận động, ACE Thiện Văn đã có vài lần quay lại xã Hiếu cùng bà con dân làng.

Đó chỉ là một trong hàng chục địa chỉ từ thiện mà ACE Thiện Văn đặt chân đến. Ra đời năm 2007 do cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa sáng lập, đối tượng ACE hướng đến là học sinh nghèo, gia đình khó khăn sau bão lũ, những ca mổ tim, ghép thận… với số tiền quyên góp hàng chục triệu đồng. Khi nhà báo Đặng Ngọc Khoa qua đời, việc điều hành ACE Thiện Văn được giao lại cho anh Lê Đình Ba, thành viên tích cực của nhóm. Anh Lê Đình Ba chia sẻ, từ ngày đầu thành lập, ACE Thiện Văn luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các nhà hảo tâm, trở thành “chiếc cầu nối” uy tín, có trách nhiệm nhằm đưa tấm lòng của người quyên góp đến đúng địa chỉ. Sau nhiều chuyến từ thiện, anh Ba đúc kết: “Nếu một người từng mang tấm lòng của mình đến với người nghèo thì sự ấm áp, trăn trở đó luôn ở lại trong lòng họ, trở thành động lực cho họ bước tiếp trên con đường thiện nguyện. Cứ như thể càng làm càng nghiện và không thể dứt ra được”.

Cũng tại Đà Nẵng, có một câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện thu hút rất nhiều sinh viên tham gia mang tên Nhân Ái. Đúng như tên gọi, Nhân Ái thực hiện nhiều chuyến quà từ thiện đến vùng đồng bào, dân tộc khó khăn ở một số tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian học tập ở Đà Nẵng, nhiều thành viên Nhân Ái đã xin phép Ban chủ nhiệm được thành lập các chi nhánh CLB tại nơi các bạn sinh sống, làm việc như Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Quảng Nam để duy trì hoạt động thiện nguyện ngày một sâu rộng. Anh Trần Văn Duy, Tổng phụ trách CLB Nhân Ái chia sẻ: “Một trong những thành công của CLB là đã tập hợp được lượng lớn bạn trẻ có tấm lòng thương người, tổ chức chương trình từ thiện hiệu quả. Từ đó, công tác quyên góp diễn ra thuận lợi hơn. Càng đi xa, chúng tôi càng thấy đất nước mình còn nhiều nơi vô cùng khó khăn và không muốn mình dừng lại”.

Tạo sức mạnh lan tỏa

Nhờ thay đổi cách thức điều hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND, từ đầu năm đến nay, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đã vận động được số tiền cho các hoạt động từ thiện tại địa phương hơn 995 triệu đồng. Hội đã sử dụng số tiền này để trao tặng quà, cấp học bổng cho học sinh, xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa, thực hiện các chương trình “Bát cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo”, “Xe lăn, xe lắc tay cho người khuyết tật”, “Khám chữa bệnh, phát thuốc cho người nghèo”, “Cứu tế, cứu trợ xã hội”… Ông Trần Thái Mười, Chủ tịch Hội cho biết, hội viên của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Phước Mỹ hầu hết là Bí thư Chi bộ tại khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố. Đó là những kênh điều hành hiệu quả nhằm đưa chương trình từ thiện của Hội đến với người dân thuận tiện và dễ dàng hơn. “Việc vận động sự đóng góp của bà con khu vực phường Phước Mỹ đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhờ đó người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện. Số người nghèo được giúp đỡ ngày càng nhiều và món quà đến tay họ ngày càng thiết thực”, ông Mười nhấn mạnh.

Hiện nay, ở Đà Nẵng và địa phương khác trên cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã rất tích cực trong hoạt động này. Các bạn trẻ, dựa vào thế mạnh của mình, bên cạnh việc vận động đóng góp, đã có nhiều hoạt động tìm kiếm kinh phí hiệu quả. Ví như nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng duy trì nguồn quỹ bằng việc vẽ tranh, viết thư pháp và cắt dán những mô hình giấy để bày bán tại Đà Nẵng, Hội An. CLB Tình nguyện Bồ Công Anh, Đội Công tác xã hội thuộc Hội Sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức bán hoa vào các dịp lễ, Tết để gây quỹ. Số tiền ít ỏi này các bạn dành để mua quà, đến thăm địa chỉ trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, nấu cháo tình thương mang đến bệnh viện để chia sẻ với những người xem bệnh viện là nhà.

Bên cạnh các tổ chức từ thiện lập ra dưới sự quản lý của các hội, đoàn thể địa phương thì ở Đà Nẵng cũng có không ít những nhóm tự lập ra, tự quyên góp dựa trên uy tín cá nhân của những người đứng đầu Ban chủ nhiệm. Với các nhóm này, để có được một chuyến đi từ thiện là sự nỗ lực rất lớn của từng thành viên. Chị Kim Hương, thành viên phụ trách tài chính nhóm ACE Thiện Văn nói rằng, công tác vận động nguồn quỹ ngày một khó khăn do ai cũng có thể tự mình làm từ thiện mà không cần thông qua một tổ chức, cá nhân nào. Với ACE, việc đưa thông tin lên website của nhóm, ghi rõ họ tên người đóng góp, số tiền cũng như hình ảnh chụp lại việc trao, nhận quà góp phần to lớn trong việc củng cố niềm tin của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Tạm kết bài viết này, chúng tôi mượn câu chuyện về một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet trong vòng 45 phút tại một sân ga đông người ở Washington DC năm 2007. Suốt thời gian đó, chàng trai nhận được tổng cộng 32 đô-la từ người đi đường. Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3,5 triệu đô-la. Nhiều chương trình của Joshua Bell vé bán hết không còn chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô-la, ban tổ chức sẵn sàng trả 1.000 đô-la mỗi phút cho tài năng của anh. Ðây là cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Thử nghiệm này, Joshua Bell ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm. Tờ The Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, trong hoàn cảnh bình thường hằng ngày không? Đó cũng chính là triết lý sống của những người ngày đêm đau đáu về những chuyến đi thiện nguyện, rằng chúng ta không có nhiều thời gian cho những điều tốt đẹp, vì thế hãy làm những việc có ích ngay khi bạn có thể.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.