.

Nơi chốn an cư

.

Việc UBND thành phố Đà Nẵng nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm từ 25 triệu đồng lên 30 triệu đồng/nhà đã giúp cho những người thuộc diện cực nghèo có được nơi chốn an cư.

Nhà bị san bằng sau bão số 11, ông Nguyễn Bảy đang mong ngóng được cấp đất tái định cư để làm nhà mới. Ảnh: V.T.L
Nhà bị san bằng sau bão số 11, ông Nguyễn Bảy đang mong ngóng được cấp đất tái định cư để làm nhà mới. Ảnh: V.T.L

Mất nhà vì… bão

Theo anh Giọng, cán bộ Lao động-TB&XH xã Hòa Khương, chúng tôi rẽ vào một đường bê-tông hẹp nơi ngã ba Hương Lam. Một ngôi nhà đang xây nằm ngay bên mé ruộng. Lát sau, bà Võ Thị Hường, chủ nhà, cũng về sau khi lên Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh nhận thuốc để chữa bệnh đau thần kinh do di chứng bị địch tra tấn thời chiến tranh. Bà có 7 người con, 4 người đã có gia đình ra riêng, còn lại 3 người sống chung với mẹ trong ngôi nhà cấp 4 quay mặt ra đồng ruộng, ngay “họng” gió.

Bão số 11 (Nari) hung hãn băng qua cánh đồng, đánh thốc vào nhà, “bẻ cái cụp từ trước ra sau, đồ đạc trong nhà nát bét hết” như lời bà thuật lại. Nhà sụp, người không hề hấn gì, cũng may, nửa đêm tất cả đã di tản qua nhà hàng xóm kiên cố. Đến nay, bà vui vẻ cho biết, bà đã nhận được hơn 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ khắc phục bão lụt, Thành ủy Đà Nẵng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố, Ủy ban MTTQVN thành phố, Hội Đồng hương Hòa Vang tại TP. Hồ Chí Minh…

Đưa chúng tôi đến xem căn phòng rộng khoảng 15m2 được xây kiên cố, bà thiệt lòng: “Tui nghe người ta nói một lần làm một lần khó, ráng đổ cho được 6 cái trụ để chống bão và làm cái phòng riêng để trốn bão. Chừ làm được rồi mới thấy yên tâm”. Chúng tôi chia sẻ với bà kinh nghiệm của bà Lê Thị Nại ở thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, nhờ trú ẩn trong căn phòng rất kiên cố phía dưới gác lửng đổ bê-tông mà 8 người nhà bà bình yên trong lúc căn nhà bị bão đánh sụp.

Nằm ngay “họng” gió có lẽ cũng là nguyên nhân khiến nhà ông Nguyễn Bảy ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, bị san bằng đúng theo nghĩa đen của từ này. Nếu không được chị Phan Thị Thanh Vân - cán bộ Văn phòng UBND phường - dẫn đường thì chúng tôi khó tìm ra nhà ông. Nó cách quốc lộ 1A hơn nửa cây số quanh co đường đất, nằm ngay bên mép nước của hồ nước phía nam cầu Nam Ô. Đó là trước bão số 11, chứ bây giờ chỉ còn cái nền xi-măng với đống cây ngổn ngang, chồng tôn kẽm méo mó và những tấm phi-brô xi-măng vỡ nát.

Ông Bảy, nghe vợ báo qua điện thoại, đã chạy xe từ công trình xây dựng ông đang làm trên xã Hòa Bắc về. Ông cho biết, sau bão gia đình ông được hỗ trợ 8 tấm tôn, 20kg gạo và 1 thùng mì tôm. Vừa dẹp lại đống cây ngổn ngang, ông vừa nói: “Nhận tôn chỉ biết gửi nhờ nhà bà con chứ đất đâu mà làm nhà, chừ 4 người trong nhà tui phải đi ở nhà thuê, mỗi tháng trả 800 nghìn đồng. Tết nhất gần kề rồi, không có nhà chẳng biết sống ra răng đây…”.

Theo ông Lê Duy Du, Chủ tịch - Bí thư phường Hòa Hiệp Nam, ông Bảy là một trong 4 hộ trong phường bị bão 11 đánh sập nhà hoàn toàn; 3 nhà thuộc dự án khu nhà công nhân liền kề của Ban Giải tỏa đền bù các dự án Đầu tư - Xây dựng số 1 và một nhà trong dự án Du lịch sinh thái Nam Ô của Ban Giải tỏa đền bù các dự án Đầu tư - Xây dựng số 2. “Hội đồng Giải phóng mặt bằng của quận và thành phố đã đề nghị các dự án sớm giao đất tái định cư để các hộ này làm nhà, ổn định cuộc sống” - ông Du cho hay.

Nơi chốn an cư

Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang cho biết, năm nay cả huyện có 40 hộ thuộc diện chính sách được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ 930 triệu đồng sửa chữa nhà (không kể nhà bà Võ Thị Hường nói trên); ngoài ra, còn có 41 hộ nghèo được hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng để xóa nhà tạm. Trong 41 hộ này, xã Hòa Nhơn có 10 hộ, bằng xã Hòa Bắc. Vì sao mà một xã nằm sát nách Trung tâm hành chính huyện lại có số nhà tạm bằng với xã nghèo nhất huyện?

Trả lời câu hỏi trên, ông Ngô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn lý giải: Hòa Nhơn có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, một số thôn rất nghèo như Diêu Phong, Trước Đông. Diêu Phong nay còn có cầu bắc qua xã Hòa Phú, chứ Trước Đông đi hết đường là quay đầu trở lại. Thôn Phú Hòa trước có nghề khai thác cát, sạn, nay cái nghề hủy hoại tài nguyên môi trường này bị cấm, phải chuyển qua nghề nông, một số học nghề làm nấm rơm, nấm sò, cũng chỉ mới bắt đầu nên chưa ổn định kinh tế gia đình được.

Người nghèo ở Hòa Nhơn không chỉ nghèo vì điều kiện mưu sinh mà còn nghèo vì sức khỏe. Ông Đạt và ông Bùi Tấn Sĩ, cán bộ LĐ-TB&XH xã, đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới xây của gia đình ông Phạm Phúc ở thôn Phú Hòa 2. Màu tường rực lên dưới nắng đầu đông, nhưng cửa đóng im ỉm. Hàng xóm cho biết ông Phúc đi mua thuốc chữa bệnh đau cột sống kinh niên, vợ ông bán hàng rong nơi chợ chồm hổm bên cầu Giăng, hai đứa con thì đi học.

Hai mẹ con bà Lê Thị Minh Châu ở thôn Phước Hậu, hoàn cảnh càng éo le hơn. Con gái bị chất độc da cam. Bà chái mấy tấm tôn ở tạm, lâu ngày nát bét hết. Ông Sĩ bảo, lẽ ra cái “nhà” quá tạm bợ của bà phải được xóa lâu rồi, nhưng ngặt nỗi, do nhà bà nằm trong vùng quy hoạch làm đường giao thông. Sau 5 năm “treo” lơ lửng dự án mở đường mới được tháo dỡ để bà được hỗ trợ xây nhà mới hồi tháng 4-2013.

Năm 2013 mức hỗ trợ xóa nhà tạm đã được thành phố Đà Nẵng nâng từ 25 triệu đồng lên 30 triệu đồng/nhà (ngân sách thành phố 40%, Quỹ Vì người nghèo 60%). Chủ trương nhân văn này đã giúp cho những người thuộc diện cực nghèo có được nơi ăn chốn ở. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số hộ trĩu nặng mối lo như 4 hộ nằm trong diện di dời giải tỏa bị bão tước mất nhà ở phường Hòa Hiệp Nam. Họ đang từng ngày mong ngóng một nơi chốn an cư…

Từ đầu năm 2011 đến nay, bằng nhiều nguồn lực huy động thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và ngân sách thành phố, đã xây dựng 762 nhà đại đoàn kết cho người nghèo với kinh phí gần 22 tỷ đồng; sửa chữa 1.063 nhà, với kinh phí gần 12 tỷ đồng. Bố trí 331 căn hộ chung cư cho hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thành phố đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo có đất ở ổn định.

Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.