Tết bắt đầu với vài trận mưa phùn rơi đều trên mái ngói, và dấu hiệu rõ ràng nhất có lẽ là khi các ngã đường vào chợ càng lúc càng nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu.
Hai du khách người Phú Yên đang chọn mua bánh tổ về làm quà Tết. (Ảnh chụp tại quầy bà Lài)Ảnh: T.Y |
Hòa cùng không khí đó, sạp bánh quê thường ngày nằm khiêm tốn nơi góc chợ nay được sắp xếp gọn ghẽ, để mỗi người khách đều có thể chạm được từng hương vị riêng với sâu thẳm nỗi nhớ nơi quê nhà.
Bánh tổ Hội An, khoai lang Trà Kiệu
Khoảng 35 năm nay, trong một góc nhỏ nơi chợ Cồn, cứ đúng 7 giờ sáng là quầy bánh quê của bà Hoàng Thị Lài (số 2 Phan Bá Thiết – Hội An) đón vị khách đầu tiên. Người chưa biết có ý trách sao bà buôn bán trễ, để khách muốn mua phải chờ đợi mất thời gian. Người biết rồi lại ra chiều thông cảm “bà Lài ở Hội An mà ngày nào cũng ra tận đây buôn bán thế là quý lắm rồi, mình vừa mua được bánh mới, ăn ngon mà không sợ bị mốc hay hư hỏng”.
Quầy bánh quê của bà Lài được kê bởi đôi ba thùng gỗ nằm khiêm tốn ngay cạnh hàng ăn. Lúc tôi mới đến, bà đang bận tay bày biện chồng bánh tổ, bánh hộc, bánh ít, bánh đậu xanh… ra sạp, thỉnh thoảng ngẩng lên cười, giới thiệu bánh khi có khách ghé mua. Đứng từ xa quan sát, dễ nhận ra những vị khách đến hàng bà sớm hôm đó đều là khách quen qua cách họ tự nhiên lấy bao, chọn bánh và móc ví trả tiền.
Còn non nửa tháng nữa mới Tết, nên khách đến quầy bà Lài chủ yếu mua bánh ít, bánh xu xê về ăn trong ngày nhưng không quên đặt bà vài ổ bánh tổ hay ít gói bánh hạt sen, bánh in đậu xanh, hẹn ngày cận Tết sẽ đến lấy về cúng gia tiên.
Theo bà Lài, không phải ngẫu nhiên mà bánh tổ Hội An được nhắc đến trong đoạn hò vè của người xưa “Bánh tổ Hội An/Khoai lang Trà Kiệu/Thơm rượu Tam Kỳ”. Và không phải ngẫu nhiên từ Hội An bà ra Đà Nẵng mở sạp bánh quê tại chợ Cồn năm 1980 và gắn bó với ngôi chợ này từ đó đến nay. Hồi trẻ, bà Lài đã ý thức được Hội An quê nhà có nhiều bánh ngon, được người phương xa cho lên hàng đặc sản.
Mỗi ngày, bà dậy từ lúc 4, 5 giờ sáng đến mấy lò bánh tổ, bánh hộc, bánh hạt sen, xôi ngọt, bánh in, bánh ít, xu xê lấy mỗi thứ một ít về gói gém gửi theo xe buýt mang ra Đà Nẵng. Riêng bánh tổ, bà chọn lò bà Thanh (tổ 38B, khối phố Hậu Xá, phường Thanh Hà), tồn tại hơn 70 năm, nổi tiếng thơm ngon tại Hội An, được nhiều người đặt hàng dịp Tết.
Phụ thuộc vào giờ giấc nhà xe, nên ra đến chợ Cồn bao giờ cũng “trưa trời trưa trật”, thường thì có khách đứng chờ sẵn. Hàng bà bày biện không nhiều, mua ít thì lấy liền, nhiều thì đặt hàng trước một ngày. Thường bán buôn đến tầm 4 giờ chiều là hết bánh, bà đi xe đò về lại Hội An. Giữa không khí buổi chợ chờ xuân, bà cười bảo “tuy không làm ra, nhưng nghề của bà là quanh năm mang Tết quê đến với mọi nhà. Nhất là những ai xa quê không về được dịp Tết thì mấy món này, tuy nhỏ bé giản dị nhưng là món ăn tinh thần không gì sánh được”.
Không có địa điểm đặt sạp như bà Lài nhưng cứ tầm mồng 10 tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Liên (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) tạm gác công việc về quê mua bánh mứt ra bán “chồm hổm” tại các khu chợ nằm trên địa bàn thành phố. Nong bánh tuy cũ kỹ, rộng chừng một vòng ôm nhưng có đầy đủ “thương hiệu” đặc sản vùng miền như mứt gừng Huế, bánh nổ Quảng Ngãi, khô mè Cẩm Lệ… gợi nhớ không khí Tết xưa.
Bà Liên chia sẻ, con cái làm ăn ổn định nên gia đình không phải lo về kinh tế, nhưng suốt ngày “ngồi không” bà thấy buồn tay buồn chân nên hằng năm cứ đến tháng Chạp là bà “năn nỉ chúng nó” ra chợ bán bánh để nhìn bà con mua sắm lấy không khí. Theo bà Liên, gánh bánh quê dẫu không đông đúc và không lời lãi nhiều như các quầy bánh mứt hiện đại nhưng nhờ thế mà bà có thời gian rỉ rả trò chuyện, tâm tình, hỏi thăm khách vài ba câu về chuyện Tết, chuyện quê.
Bánh Tết… quanh năm
Chợ Tết nội thành giờ không thiếu thứ gì. Có những mặt hàng xuất xứ từ quê nhưng phải lặn lội ra chợ phố mới mua được như ống giang, lá chuối, lá dừa, lạt tre… bởi người buôn kẻ bán xem đây là thị trường dễ kiếm lời, nhờ đó, không khí Tết ở phố bao giờ cũng đến sớm hơn quê cả chục ngày.
Một số người “mách nước” nếu muốn nấu bánh tét, bánh chưng dịp Tết thì cứ đến đường Ông Ích Khiêm (khu vực ngã ba Tam giác) từ rằm tháng Chạp là có đầy đủ lá chuối, lạt tre, cần bao nhiêu cũng có. Giá mỗi ký lá chuối “đẹp” dao động từ 15-20 nghìn đồng, bó lạt tước từ tre (hoặc giang) 100 sợi giá 20 nghìn đồng… Từ 3 năm nay, chị Hồng (quê Điện Bàn, Quảng Nam) góp mặt vào “chợ” chuối, lạt Ông Ích Khiêm, mỗi chiều, vợ chồng chị chạy xe rảo quanh mấy xã lân cận, thấy nhà nào có trồng chuối hột là tấp xe vào hỏi.
Mua xong, mang ra giếng rửa rồi đứng rọc lá tại chỗ, bó thành từng nẹp chất lên xe chở về. Buổi tối, lá được bày ra sân cho “ngậm sương”, hôm nào trời hanh khô thì tưới nước trực tiếp lên lá giữ lá tươi lâu để sớm mai chở ra Đà Nẵng bán. Trong các giống chuối thường trồng để lấy quả thì chỉ có lá chuối hột mới sử dụng được cho việc gói bánh bởi độ dai và cho mùi thơm khi lá chín. Do đó, dẫu giá cả có nhỉnh hơn đôi chút vẫn được người mua vui vẻ chấp nhận. Dù “chợ vỉa hè” này chỉ họp những ngày cận Tết nhưng đã tạo nên thói quen mua sắm cho người dân Đà Nẵng nhiều năm qua.
Tại Đà Nẵng, có 2 địa điểm bán lá chuối hột quanh năm là chợ Đầu mối Hòa Cường và khu vực đầu đường vào chợ Hàng Heo. Tại đây, trung bình mỗi ngày các sạp bán ra gần 200 ký lá, chủ yếu bán sỉ cho đại lý làm bánh lọc, nậm, bánh ít, bánh chưng, tét… phân phối ra thị trường có giá chừng 5 – 8 nghìn đồng/kg. Ngày Tết, giá cả bán sỉ cho đại lý vẫn giữ nguyên nhưng giá bán lẻ thường lên gấp 3 lần. Bù lại, lá chuối được “tuyển” cẩn thận hơn, to mà không rách để phục vụ việc gói bánh chưng, bánh tét phục vụ người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi), bán lá chuối tại khu vực chợ Hàng Heo cho biết bà buôn bán ở đây từ ngày đất nước thống nhất. Thời đó nguồn lá phong phú được chuyển về từ các vùng Liên Chiểu, Hòa Vang nhưng nay do quá trình đô thị hóa, người dân mất đất sản xuất nên nguồn hàng chủ yếu lấy từ trong Quảng Nam ra. Dịp Tết, mỗi ngày bà bán ra gần 500 ký lá, trong đó hơn một nửa là bán lẻ cho các hộ dân muốn tự nấu bánh chưng, bánh tét để vừa dạy con cháu, vừa tỏ lòng thơm thảo với tổ tiên. Thế nên mặt hàng này lâu nay vẫn hút khách.
Dường như với nhiều người, việc nấu một nồi bánh tét ngày Tết cũng là một “nghề” truyền tay nhau thú vị. Canh lửa làm sao để gạo vừa chín tới, không sống sượng nhưng cũng không nở “chã bã” mất ngon. Buộc dây lạt thế nào để bánh không nhão, không thiếu nước… là một nghệ thuật. Cái gì làm mãi cũng thành quen, ở phố bây giờ, trước giờ giao thừa, đâu đó dưới nếp nhà lại có một nồi bánh tét bập bùng cháy bên cạnh mấy cái đầu túm tụm trò chuyện, hàn huyên. Và, những ngày cận Tết, người người ra chợ không chỉ để mua bán mà còn thỏa cái thú vui “dạo chợ”, tìm kiếm hương vị ngày xuân trong mỗi gian hàng.
TIỂU YẾN