Hái lộc đầu Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam.
Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, là thời khắc giao hòa giữa đất trời trong ngày Tết cổ truyền, tục xưa truyền lại là mỗi người hái một cành lộc nhỏ, đưa về treo trước nhà hoặc đặt trên bàn thờ với mong muốn “Tống cựu, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới… Những nơi linh thiêng như đình, chùa, thường được chọn để người dân hái lộc Xuân.
Hái lộc Xuân trong giờ khắc giao thừa tại chùa Kỳ Viên, quận Thanh Khê.Ảnh: MINH TRÍ |
Tục này vẫn được giữ gìn trọn vẹn, đặc biệt là ở miền Bắc. Và có những biến tấu khác nhau cho phù hợp với thời đại mới. Hiện ở Đà Nẵng, Hội An, nhiều chùa “tặng” lộc cho người viếng chùa ngày đầu năm bằng những câu chúc phúc, bỏ trong bao thơ màu đỏ tượng trưng cho điều may mắn.
Từ một câu chuyện cổ
Vào thời điểm sau khi giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc nhỏ với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà, hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. “Lộc” có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc. Theo quan niệm của người xưa, sau khi hái lộc, cành lộc được nâng niu, không được cho ai, vì như vậy sẽ “mất lộc”.
Cành lộc được treo ở hiên nhà, để trừ ma quỷ và để báo cho mọi người biết gia chủ đã xuất hành “xin” được lộc đất trời. Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, là tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt.
Chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền lệnh cho các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi. Thấy các con bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, Hoàng hậu thưa: Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, trộm nghĩ, nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con, các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi...
Thế rồi, chọn ngày lành tháng tốt, chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng: Non ở nhà, già đi ấp/ Chẵn lên non, còn xuống biển. Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn. Trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền…
Trong xã hội ngày càng phát triển, hái lộc đầu Xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người. Ở miền Bắc, người dân vẫn giữ tập tục hái lộc là một nhành cây bất kỳ ở sân đình, chùa.
Ở Hà Nội, các sân chùa có bán những cành cây nhỏ có gắn hoa ngọc lan. Mua cành hoa này ngoài “lộc cây” còn có cả hương thơm thanh khiết của hoa. Hay nhiều nơi có sáng kiến dùng mía tím cả cây có ngọn thay lộc, đã thay thế một phần tệ bẻ lộc, hại cây đầu xuân. Mang một cây mía tím có ngọn, vừa mang được chồi lộc vừa mang vị ngọt về nhà cho sinh sôi nẩy nở và đậm đà cả năm, vừa giữ gìn được cảnh quan chung, cũng là gìn giữ một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhận lời chúc an lành từ các ngôi chùa
Ở hầu hết các chùa của Đà Nẵng, Hội An, thay vì ngày đầu năm các tín hữu, du khách đến viếng chùa, thắp hương rồi về, các thầy trụ trì đã có sáng kiến tặng “lộc” cho tín hữu. Đó là những lời chúc mang ý nghĩa đem lại điều may mắn, an lành suốt cả năm cho người nhận “lộc”. Và lời chúc này được chắt lọc từ các lời kinh, lời răn trong các sách kinh Phật, dựa vào quẻ xăm Quan Âm, những lời nói tốt đẹp từ sách báo…
Chị Ngô Bích Trâm (đường Bàu Hạc 1, quận Hải Châu), có trên 15 năm làm việc chuẩn bị lời chúc phúc đầu năm cho chùa Bà Đa. Thường vào đầu tháng 12 âm lịch, chị Trâm và khoảng 30 người, chủ yếu là thanh niên thuộc gia đình Phật tử thường đi lễ ở chùa này bắt tay vào công tác chuẩn bị lời chúc. Sau khi tập hợp, sửa lại lời cho phù hợp, các chị nhờ thầy trụ trì chùa góp ý, rồi đi in những lời chúc lên các tờ giấy, cho vào phong bao có màu đỏ...
Đến trước giờ giao thừa, những bì thư có lời chúc được mắc lên cây quật (được xem là cây lộc của chùa) và trên các loại cây ở khắp nơi trong sân chùa. Từ giao thừa trở đi, người đi lễ chùa đầu năm có thể thoải mái chọn cho mình một “lộc” cây của chùa, như một lá số xăm, đọc lời chúc trong đó và cầu mong mình và gia đình được hạnh phúc, bình an suốt cả năm.
Chị Trâm bảo, mình là người chuẩn bị khoảng 1.000 nội dung, in ra trên 3.000 lời chúc như vậy, nhưng đến sáng mồng 1 đi lễ chùa, khi hái một tờ “lộc” vẫn thấy đầy thành kính, thiêng liêng. Mong muốn và tin tưởng mình và gia đình gặp được nhiều may mắn, nhưng không nên quá sùng tín, vì chị bảo mỗi năm có đến 365 ngày, bao nhiêu điều xảy ra suốt năm làm sao biết trước được. Nên niềm tin khi hái “lộc” được gìn giữ, để mong mình sống đẹp với đời, với người, giữ trọn đạo với mẹ cha, anh em, người thân, bạn bè, sống tốt nhất khi có thể…
Ở chùa Quán Thế Âm chỉ có 32 quẻ xăm, trong đó có những quẻ tốt và chưa tốt, tùy vào việc “bắt” quẻ của mỗi người. Còn hầu hết các chùa trong thành phố đều đưa vào lá xăm-“lộc” này những lời chúc tốt lành, không dùng quẻ xấu, mong ai nhận được “lộc” cũng nhận được niềm vui.
Thực ra “lộc” của các chùa chỉ đủ cho du khách “hái” vào đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết. Nhưng từ đây đến ngày Rằm tháng Giêng, tháng Hai, nhiều người vẫn có tục đến chùa xin “lộc” đầu năm, chủ yếu tập trung vào người làm ăn buôn bán. Đông nhất vẫn là các chùa Phúc Kiến, chùa Ông (Hội An).
Không đến được chùa hái “lộc”, du khách vẫn có thể nhận được lộc đầu năm nếu bạn đến với Hội Hoa xuân ở công viên 29-3 trong 3 ngày đầu năm mới. Chị Trần Thị Khương Vy, Phó trưởng phòng Văn hóa, công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng, cho biết vào lúc 8 giờ sáng các ngày 1, 2 và mồng 3 Tết, 3 người mang áo dài khăn đóng sẽ diễn những tiểu phẩm hài có những lời chúc đầu Xuân dành cho người dân đến công viên.
Kèm theo đó, những suất quà nhỏ là các con thú tượng trưng cho 12 con giáp sẽ dành cho các em bé theo ba mẹ đi chơi Tết. Những lời chúc tốt đẹp và món quà nhỏ coi như là cái “lộc” đầu xuân, ai có duyên mới được nhận trong chương trình “Hái lộc đầu Xuân” mà công viên tổ chức suốt 3 năm qua.
Trước hết, “hái” trong cụm từ “hái lộc” không chỉ có nghĩa là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú. Từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân bản, đó là đạo lý nhân quả: “Có làm thì mới có ăn”, “Tay làm hàm nhai”. Cho nên “hái lộc” về mặt nhân văn chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế, đó là những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu. Đạo lý nhân quả mà ông cha chúng ta đã gởi gắm qua nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” muốn nói với chúng ta rằng: Những may mắn, những quả phúc, và cả niềm hỷ lạc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ bản tâm, từ hành động, từ lời nói, và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã gây tạo. Vì thế, tâm thức của người khi “hái lộc” trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết, thì Lộc mà chúng ta hái được, nhận được, gặp được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Khi ấy, phúc lộc mà ta nhận được mới thật sự của ta, chính do ta gieo trồng từ tâm thức thuần khiết thanh tịnh. Từ Kinh Nhất dạ hiền giả - Nghệ thuật Phật giáo.com |
HOÀNG NHUNG