.

Mặt trận không tiếng súng

.

Họ nói rằng, kể cả trong giấc mơ, những người lính một thời vào sinh ra tử chưa bao giờ nghĩ, sau này khi đất nước thống nhất, mình sẽ trở thành những doanh nhân cựu chiến binh (CCB) thành đạt.

Ông Trần Quang Tuấn (phải) trao quà hỗ trợ cho một gia đình cựu chiến binh ở quận Thanh Khê. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Trần Quang Tuấn (phải) trao quà hỗ trợ cho một gia đình cựu chiến binh ở quận Thanh Khê. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhưng rồi sau tất cả nỗ lực, ý chí vươn lên làm giàu, họ trở thành lực lượng tiên phong trong công tác xã hội từ thiện, xóa đói giảm nghèo, chia sẻ nghĩa tình đồng đội.

Lập nghiệp từ bàn tay trắng

Từ chiến trường trở về, ông Đặng Hòa, Giám đốc DNTN Hoàng Giang đến với nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng, sự học dở dang cùng gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên vai suốt những năm tháng đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Đầu năm 1975, Đặng Hòa trở thành lính Sư đoàn 2, vác ba lô vào chiến trường biên giới Tây Nam nhận nhiệm vụ chống lại các hoạt động xâm lược của quân Khmer Đỏ, giúp bà con phát triển kinh tế. Bảy năm sau, ông được điều chuyển về công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5; sau đó phục viên, hành nghề lái tàu đưa đón cán bộ, công nhân viên thuộc cảng Đà Nẵng. Thời gian này, ông học thêm nghề đóng sửa tàu thuyền, sản xuất bao bì, tìm kiếm cơ hội phát triển dịch vụ du lịch trên sông Hàn.

Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hàn cùng sở thích tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương, năm 1997, ông Đặng Hòa gom góp tiền bạc đóng chiếc thuyền du lịch có sức chứa 50 khách đặt tên “Du thuyền Hàn Giang”, mở đầu loại hình du lịch đường sông ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thời kỳ đó du lịch Đà Nẵng chưa có gì hấp dẫn nên nguồn thu từ loại hình dịch vụ này của ông rất hạn chế, dẫn đến làm ăn thua lỗ phải phá sản. Mãi đến năm 2003, sau khi tích góp và mời được một số công ty du lịch như Vitour, Xuyên Á, Vietravel… liên kết làm ăn, mở rộng dịch vụ phục vụ khách du lịch, ông Hòa quyết định thành lập lại công ty, lấy tên DNTN Hoàng Giang và phát triển ổn định cho đến ngày nay. Trung bình mỗi đêm, 2 du thuyền của ông đón từ 1 đến 2 đoàn khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, DNTN Hoàng Giang còn liên kết tổ chức các tour tham quan du lịch đường thủy, câu cá, bắn cá, lặn ngắm san hô ở Bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng… Chia sẻ về nghiệp kinh doanh, ông bảo cuộc đời mình giống như những nốt nhạc thăng trầm, lúc khó khăn tưởng chừng như buông xuôi, lúc bùng cháy dữ dội. Phẩm chất người lính cụ Hồ luôn thôi thúc ông thắng không kiêu, bại không nản. Dù bước đầu có những thành công nhất định, nhưng trước mắt ông Hòa còn rất nhiều dự định, kế hoạch chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân.

Tham gia cách mạng từ năm 1967 khi vừa bước qua tuổi 13, chị Hồ Thị Thắng được đồng đội nhắc đến như một tấm gương sản xuất kinh tế giỏi. Cô bé liên lạc gan dạ, dũng cảm và đầy mưu trí ngày nào của Đội Công tác K4 (Hội An) nay là Giám đốc Công ty TNHH Phước Đức Thắng (Đà Nẵng). Cha mẹ mất sớm nên ngoài ký ức chiến tranh, chị luôn nhớ về tuổi thơ nghèo đói của mình. Chị bảo thuở nhỏ, mỗi lần đi chơi, bạn bè rủ nhau chung tiền mua đậu nấu chè, chị thường phải trốn khỏi những cuộc vui đó vì trong túi không có tiền.

Khổ là thế nên sau này, khi làm ăn được, chị không ngần ngại chia sẻ một phần lợi nhuận giúp đỡ người nghèo. Gần 20 năm nay, mỗi năm chị cấp phát hàng chục tấn gạo cho cựu thanh niên xung phong, người nghèo, người tàn tật đón Tết, hỗ trợ xây dựng hơn 100 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách, người có công trên khắp địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, nhận nuôi 3 Bà mẹ VNAH... Đơn cử năm 2014, chị Hồ Thị Thắng chi khoảng 500 triệu đồng cho các hoạt động nghĩa tình, cao quý trên.

Mái ấm doanh nhân

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, những người lính, doanh nhân CCB như ông Hòa, chị Thắng không còn đơn độc. Tại Đại hội lần thứ nhất, Hội Doanh nhân CCB thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015, ông Trần Quang Tuấn, quyền Chủ tịch Hội hiện nay kể lại rằng khi đó, mỗi CCB đều cảm thấy vững tin và ấm lòng hơn bởi họ biết từ đây, mình đã tìm được “đồng minh” trên trận chiến mới - trận chiến phát triển kinh tế - xã hội.

Ở đó, bao người lính gan dạ, kiên trung trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước như Phạm Văn Hải, Trần Quang Tuấn, Hồ Thị Thắng, Phạm Văn Bạn, Ngô Sĩ Tấn… đã trở thành doanh nhân thành đạt, đến với thương trường bằng tinh thần, phẩm chất người lính, không ngại khó ngại khổ, vươn lên làm giàu trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thử thách.

Về sinh hoạt dưới mái nhà chung, những doanh nhân CCB như tìm thấy một nơi để mình chia sẻ kỷ niệm chiến trường cũng như chia sẻ mối quan hệ, kinh nghiệm kinh doanh, bổ sung khiếm khuyết, khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, vun đắp nghĩa tình đồng đội. Giữ cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến 2014, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Du lịch CIT từng được biết đến là một doanh nhân thành đạt, góp nhiều tâm sức trong việc xây dựng, phát triển hội viên.

Ông sinh ra và lớn lên ở miền quê Thái Bình, theo tiếng gọi Tổ quốc vào chiến trường miền Nam chiến đấu, giải phóng dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hải quyết định ở lại Đà Nẵng lập nghiệp, bươn chải qua nhiều ngành nghề khác nhau để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Năm 2006, ông thành lập CIT hoạt động đa ngành trong lĩnh vực đầu tư xây dựng với số vốn điều lệ 17 tỷ đồng.

Có thời điểm, doanh nghiệp của ông tham gia thực hiện nhiều dự án xây dựng lớn tại khu vực miền Trung, thu hút gần 1.000 lao động, phần lớn là CCB và con em CCB, bộ đội xuất ngũ, bộ đội phục viên với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng mỗi tháng. Cuối năm 2014, khi công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, CCB Phạm Văn Hải đã viết đơn xin từ chức Chủ tịch Hội vì không muốn sự bê trễ của mình ảnh hưởng đến công tác Hội. Những việc làm ấy của ông Hải cũng đủ nói lên tinh thần, trách nhiệm của người lính với đồng đội và cũng là đồng nghiệp trong thời bình.

Ông Trần Quang Tuấn cho biết giữa lúc đời sống người dân, đặc biệt CCB còn nhiều khó khăn, vất vả thì việc mỗi người lính trở về sau cuộc chiến, vươn lên làm giàu, góp phần chăm lo đời sống người lao động là điều đáng quý. Bên cạnh đó, việc tham gia vào Hội Doanh nhân CCB sẽ giúp CCB gắn kết thành một tổ chức vững mạnh, vì sự nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nói chung, bảo vệ hội viên về mặt pháp lý, hỗ trợ giới thiệu mối quan hệ làm ăn tiến tới phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, hoạt động có hiệu quả.

Dù biết công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, trải qua bao trằn trọc, lo âu nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ với người lao động khiến những cựu binh ấy luôn nỗ lực, nghĩ ra cách làm hay từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Họ thật đúng như hai câu thơ của Tố Hữu “Từ chiến trường ra ta xốc tới công trường/Người chiến thắng là người xây dựng mới” (Với Đảng mùa Xuân, 1977), mãi xứng danh người lính trên mặt trận mới - mặt trận xây dựng, phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh.

Hội Doanh nhân CCB thành phố Đà Nẵng hiện có gần 50 hội viên trong tổng số 100 doanh nghiệp do CCB làm chủ, đạt doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp nguồn ngân sách không nhỏ thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ khi thành lập đến nay, Hội đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế hộ gia đình, xây hơn 100 nhà đại đoàn kết cho CCB, đóng góp hàng trăm triệu đồng trong công tác từ thiện xã hội, trở thành “mái ấm doanh nhân”, chỗ dựa tinh thần cho những người từng đi qua cuộc chiến.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.