.

Trong lòng bè bạn

.

Sinh nhật thật sự không nằm ở hình thức, “độ hoành tráng” của buổi tiệc mà nằm trong trái tim mỗi người. Giá trị món quà nằm ở những nơi không thể nhìn thấy bằng mắt, chạm được bằng tay.

Sinh nhật đạm bạc nhưng giúp chủ nhân buổi tiệc nhận ra:
Sinh nhật đạm bạc nhưng giúp chủ nhân buổi tiệc nhận ra: "Trong lòng bạn bè, mình không phải là một số không". (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chứng tích tình bạn

Nếu nhà bị cháy, chị Đỗ Thị Vân Anh (quận Sơn Trà), sẽ ưu tiên cứu 3 thứ quý báu nhất đối với mình: album ảnh gia đình, giấy khai sinh của con và chiếc hộp gỗ đựng tất cả những thiệp mời sinh nhật chị lưu giữ đến hôm nay. Chiếc hộp gỗ với hơn 100 chiếc thiệp mỏng, in hình các nhân vật hoạt hình với nét và màu sắc đa phần nhòe, mờ nhạt vì kỹ thuật in đơn giản cũng như khoảng thời gian quá lâu. Thế nhưng, với chị, những tấm thiệp nhỏ xíu, nằm gọn gàng trong lòng bàn tay này lại là món quà lớn cho trái tim khi nó mang lại niềm vui, sự háo hức cho cả người nhận lẫn người trao.

Được mời dự sinh nhật ngày ấy cũng đồng nghĩa với việc bạn bè thực sự yêu quý mình. Không có nến và bánh ga-tô, tiệc chỉ có mấy quả cam, chiếc bánh quy. Thế nhưng sinh nhật giản đơn ngày ấy gói trọn vẹn sự hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc từ việc chọn mặc quần áo gì? Quà tặng bạn sẽ là quyển vở, cây bút chì, cục tẩy hay sang hơn là đôi dép nhựa? Chị Vân Anh giữ lại tất cả những tấm thiệp như hình ảnh quay chậm về quá khứ, để có lúc được mang ra để hoài niệm và yêu thương.

Những tấm thiệp càng trở nên vô giá khi chị tham dự buổi tiệc sinh nhật sang trọng nhưng nhạt nhẽo và xa cách sau này. Không có thiệp trao tay, sinh nhật giờ đây là những dòng chúc mừng ngắn gọn, vô cảm gửi trên mạng xã hội. Bữa tiệc được bắt đầu bằng một lời mời chung chung trên facebook hoặc một tin nhắn gửi đến hàng loạt địa chỉ. Người được mời đến nhà hàng đúng giờ, ào vào thưởng thức món ăn được bày biện tinh xảo, tặng những món quà đắt tiền rồi ra về và lãng quên cho đến năm sau…

Sinh nhật lần đầu tiên tại nước Úc của Trần Hoàng Hạnh (du học sinh người Đà Nẵng) rơi vào đợt cao điểm của mùa thi. Những người bạn Việt Nam hiếm hoi xung quanh không chỉ chạy đua với con chữ, bài vở mà còn cả những ca làm việc xuyên đêm. Hạnh xác định mình sẽ có một sinh nhật lặng lẽ. Kết thúc ngày dài tại trường, trở về nhà Hạnh bất ngờ khi đèn điện trong nhà và hành lang đột ngột tắt ngấm, rồi bạn thấy mình bơi giữa một biển bong bóng cùng lời hát Happy Birthday.

Rất nhiều lần được nghe bài hát này nhưng đây là lần duy nhất lời bài hát khiến Hạnh nhận ra: “Trong lòng bạn bè, mình không phải là một số không”. Đèn bật sáng, căn phòng ngập trong bóng bay màu xanh đậm và xám trắng – 2 màu yêu thích của Hạnh, tấm bảng nhắc việc trong nhà bếp được trưng dụng để viết cẩn thận những điều ước bạn bè dành cho Hạnh giữa những hình minh họa nhiều màu sắc. Trên bàn là chiếc bánh ga-tô và 19 ngọn nến.

Hình vẽ trên bánh méo mó bởi được làm bằng những bàn tay không chuyên nhưng với Hạnh đây vẫn là chiếc bánh đẹp nhất, bởi: “Vẻ đẹp thật sự không nằm ở hình thức bên ngoài mà nằm trong trái tim mỗi người. Giá trị món quà không nằm ở những thứ có thể nhìn thấy mà nằm ở những nơi không thể nhìn thấy bằng mắt, chạm được bằng tay. Tình bạn thực sự không thể hiện bằng những việc được mọi người biết đến mà ở những việc ít người biết đến”, Hạnh khẳng định.

Để có buổi tiệc, sau khi kết thúc ca làm việc lúc 3 giờ sáng hôm trước, Trần Ánh Nguyệt (bạn cùng nhà với Hạnh) đã nán lại chỗ làm, kiên trì bơm đến 50 chiếc bóng bay và quay về nhà với chùm bóng khổng lồ trên tay khi trời đã sáng. Nguyệt và các bạn trong nhà đã thống nhất nghỉ làm ngày hôm đó để người dọn dẹp, người nấu ăn, người tô vẽ, người làm bánh và cùng nhau đợi Hạnh về. “Nghỉ làm, không có lương nhưng đổi lại chúng tôi có kỷ niệm thật đẹp và khoảng thặng dư khổng lồ - thặng dư tình bạn”, Trần Ánh Nguyệt nói.

Không phải là cách để đánh bóng bản thân

Không khẳng định sinh nhật thời sinh viên nghèo khó, ít tiền thì mới vui vẻ tròn đầy, chị Minh H. (phóng viên hiện đang làm việc tại Đà Nẵng) vẫn trân trọng và yêu quý những khoảnh khắc cùng bạn bè trong ký túc xá Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ngày trước. Bạn bè đến từ nhiều vùng của đất nước, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần đều rất nghèo.

Tiệc sinh nhật là tiền góp của tất cả các thành viên trong phòng, mỗi người chỉ một ngàn đồng rồi dắt tay nhau đi ăn chè hoặc mua trái cây về tự bày biện. Sự đóng góp ít ỏi đó giúp bữa tiệc sinh nhật không trở thành gánh nặng cho những bạn quanh năm chỉ ăn cơm với rau hoặc muối lạc.

Điều này dần trở thành thói quen cho tất cả mọi người, kể cả những cá nhân có gia đình khá giả bởi: “Không muốn vì niềm vui riêng của mình mà làm bạn chạnh lòng”. Cách suy nghĩ cho nhau, vì nhau và những bữa tiệc đạm bạc nhưng hồn nhiên, ấm áp đó là gia tài cho chị Thu H. và bạn bè đến tận hôm nay.

Vì trân trọng những buổi tiệc sinh nhật giản đơn của mình, chị H. không khỏi giật mình khi thấy cô sinh viên trọ cạnh nhà tất tả bán hoa vào các dịp lễ, Tết, bán quần áo tại chợ đêm nhưng sách giáo trình và dụng cụ học tập vẫn cứ thiếu trước hụt sau, ăn uống vẫn kham khổ. Bởi, tất cả tiền bạc làm được đều: “Để dồn cho buổi tiệc sinh nhật”. Tiệc sang trọng ở nhà hàng, dưới ánh đèn vàng ấm áp, với tất cả các món ăn mới lạ, màn hình karaoke to hơn bảng đen lớp học, bia tràn ngập. Diễn biến của buổi tiệc được chụp ảnh, quay phim bằng điện thoại thông minh và tải lên mạng xã hội trong niềm tự hào âm ỉ của người chủ buổi tiệc.

Nhập học chưa được một tháng, Hoàng Đ. (sinh viên năm 2, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng) và tất cả các thành viên còn lại trong lớp không khỏi bàng hoàng trước độ chịu chơi của một bạn học. Bữa tiệc sinh nhật với hơn 100 khách mời tại vũ trường có tiếng được bạn khao toàn bộ. Tiệc không có ánh nến và những lời ước nguyện, bạn bè không ai nói và cũng không nghe được tiếng ai bởi tất cả đắm chìm trong rượu, ánh sáng mờ ảo và những bản rock nảy lửa. Tiệc mừng sinh nhật trở thành chủ đề bàn tán nhiều tháng trời bởi bạn bè trong lớp đều biết để chủ nhân buổi tiệc đến lớp đã là cuộc chạy tiếp sức triền miên của ba mẹ già ở quê. Sau buổi tiệc sang chảnh đó, bạn giàu không giao thiệp, bạn nghèo cũng ngại, không muốn chơi cùng, chủ nhân buổi tiệc trở nên cô độc trong lớp.

Theo Hoàng Đ. việc tổ chức những buổi tiệc xa hoa này là điều khá phổ biến, kể cả với sinh viên nghèo. Tất cả nằm dưới vỏ bọc là khoản tiền học thêm ngoại ngữ, tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, tiền học phí, tiền mua máy tính xách tay, tiền mua xe máy để thuận tiện đi lại… Không ít trường hợp, sinh viên tự khoác lên mình tấm áo “gia đình giàu có” nên phải tiêu xài hoang tàn chi địa, tiệc sinh nhật phải xứng đáng đẳng cấp nên đôi khi phải cắm xe, điện thoại và cả thẻ sinh viên để trang trải.

Nhiều sinh viên xem sinh nhật như cơ hội để nâng cấp bản thân, đánh bóng mình mà quên đi cha mẹ đang tảo tần cho giấc mơ đèn sách của con. “Thương hiệu giả”, khoác tấm áo choàng giàu có ngoại cỡ rồi đứng trước gió để có cảm giác mình to lớn hơn, thực ra là sự hoang tưởng và lãng phí – lãng phí tiền bạc của mẹ cha, thời gian và tri thức của chính bản thân mình” Hoàng Đ. khẳng định.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.