Nếu con tàu là tài sản giá trị lớn của người ngư dân thì mỗi sạp hàng là bát cơm manh áo của gia đình mỗi tiểu thương ở chợ.
Máy V52 vừa được thành phố trang bị cho công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ Cồn. Ảnh: T.Y |
Giữa những ngày nắng nóng, mỗi nơi lại thể hiện một cách ứng xử khác nhau với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, thờ ơ theo kiểu: cháy nổ là chuyện của người khác, chứ không phải chuyện của mình.
Càng nguy hiểm, càng dè chừng
Người đi chợ không ít lần “thót tim” khi nhìn thấy hình ảnh một bà, một chị lén lút thắp cây hương ở góc sạp để “đốt vía” hay lầm rầm khấn vái mong chợ thôi ế ẩm. Trong khi, ngay cạnh mình là bao bì, quần áo, thực phẩm khô, hàng mã cứ chực chờ “bà hỏa”.
Vụ cháy chợ Cồn năm 2000 như lời cảnh tỉnh với những ai còn thờ ơ với lửa. Buôn bán ở chợ Cồn hơn 20 năm nay, hơn ai hết, chị Huỳnh Thị Huyền Trang (ki-ốt 30, đình 15B) hiểu rõ điều đó. Kinh doanh mặt hàng mùng, mền, áo mưa, bít tất, như nhiều hộ tiểu thương khác, chị Trang từng có khoảng thời gian lo lắng, bất an sau vụ cháy chợ. Nỗi khiếp sợ thôi thúc tất cả mọi người phải hành động để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ gia tài bao nhiêu năm gầy dựng.
Chị nói, chị em trong chợ dường như có ý thức hơn, tự nhắc nhở nhau trước khi ra về phải tắt điện, sắp đặt hàng hóa gọn gàng, chừa lối đi thông thoáng. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có ý thức đó, thỉnh thoảng vẫn có chị em bị Ban Quản lý (BQL) chợ Cồn xử phạt, đình chỉ sử dụng mặt bằng 15 ngày vì thắp hương hay vi phạm những quy định về phòng chống cháy nổ.
Là chợ lớn tại Đà Nẵng, có khoảng 2.000 hộ buôn bán trong không gian rộng 14.000m2, chợ Cồn là hiện thân của ngôi chợ truyền thống với lối đi nhỏ hẹp rộng chừng 1 mét, hàng hóa bày biện tràn lan. Các đình chợ có mái liền kề nhau, bên trong chứa hàng tấn quần áo, bao bì, giầy dép, hàng mã, thực phẩm khô, xăng, gối, nệm.
Để bảo đảm công tác quản lý, BQL chợ cho gắn camera ở 16 điểm, rải đều khắp chợ, trang bị máy bơm chữa cháy Tohatsu V52; thành lập đội bảo vệ 46 người, có đầy đủ kiến thức, phương tiện về PCCC, thường xuyên kiểm tra, theo dõi. Hiện nay, chợ Cồn là chợ đầu tiên và duy nhất trong cả nước – đến thời điểm này – có xe chữa cháy do BQL quản lý vận hành. Xung quanh chợ có một số hầm chứa nước ngầm (mỗi hầm 80m3 nước), có thể sử dụng tại chỗ. Điều này ít nhiều cho bà con tiểu thương an tâm.
Ông Đoàn Quốc Hùng, Phó trưởng ban quản lý chợ cho biết, công tác phòng chống cháy nổ luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Ở chợ Cồn hiện nay có 3 nguồn điện chính, hoạt động độc lập, chủ động sử dụng khi xảy ra cháy nổ. Bên cạnh đó, việc sử dụng bếp gas ở các quầy hàng ăn uống được quy định chặt chẽ như hộ kinh doanh chỉ lấy gas ở một đại lý và đại lý này có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra van gas, dây và mua bảo hiểm cho người sử dụng. Trung bình, cứ 2 hộ kinh doanh nằm liền kề có 1 bình chữa cháy. Đến nay toàn chợ có khoảng 350 bình chữa cháy do tiểu thương tự trang bị.
Quản lý 4 chợ loại 1 gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường, 5 năm gần đây, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng tổ chức hơn 6 đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các kỹ năng trong công tác PCCC. Qua đó, hơn 1.000 người biết sử dụng bình chữa cháy CO2, MFZ4 và kỹ năng thoát hiểm, gần 5.000 hộ ký cam kết về công tác PCCC tại chợ. Câu chuyện ý thức được nâng tầm lên thành trách nhiệm với tài sản của bản thân và người khác. Thậm chí, ở một số chợ lớn, tiểu thương còn chủ động yêu cầu BQL thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức để chị em nắm bắt các quy định về phòng và chữa cháy.
Nhìn chung, tiểu thương hầu hết các chợ ở Đà Nẵng đều tuân thủ quy định về “an toàn PCCC chợ”, kèm theo việc BQL các chợ kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên, có điều khoản xử phạt cụ thể buộc tiểu thương phải tuân theo.
Ngư dân thờ ơ với… “bà hỏa”
Con tàu là phương tiện đánh bắt, là tài sản trị giá hàng tỷ đồng của ngư dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý bỏ ra vài trăm nghìn đồng trang bị bình cứu hỏa để sẵn sàng ứng phó khi cần.
Nhìn bảng thống kê báo cáo kết quả kiểm tra tàu đánh bắt thủy sản neo đậu tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đầu tháng 4 vừa qua do Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên sông cung cấp, chúng tôi không khỏi giật mình khi đến 90% tàu cá có trữ lượng dầu trên tàu từ 4.000 lít đến 15.000 lít không trang bị các phương tiện PCCC. Nhất là các tàu đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế.
Bất kỳ thời điểm nào trong năm, tại Âu thuyền Thọ Quang cũng có từ 800 đến 1.000 tàu neo đậu, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Mặt khác, việc neo đậu tàu thành từng cụm từ 10 đến 15 chiếc khiến việc PCCC khá khó khăn.
Đại tá Lê Hồng Tư, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cho biết, qua công tác kiểm tra có rất nhiều tàu thuyền neo đậu tại cảng không có người trông coi, không rút bình ắc-quy, máy phát điện, đốt hương thờ cúng trên tàu. Việc người dân còn thờ ơ với công tác phòng cháy trở thành mối nguy cần được các cấp, ngành chung tay tuyên truyền, chấn chỉnh.
Là chủ con tàu ĐNA 90541 công suất 650CV, thường xuyên trữ lượng dầu khoảng 6.000 lít, ngư dân L.V.M lý giải rằng việc tàu không trang bị bình chữa cháy là do cách đây không lâu, bình hỏng chưa sắm lại được. Theo ông, thời gian đầu gia đình ông cũng trang bị đầy đủ áo phao, bình cứu hỏa nhưng một thời gian không dùng, gặp nước biển nên gỉ rét.
“Sau chuyến đánh bắt dài ngày, trở về đất liền, ai cũng lo bán cá, sửa sang ngư lưới cụ, mua dầu, nghỉ ngơi để tiếp tục đi khơi, chẳng mấy ai nghĩ đến việc mua bình chữa cháy. Với lại, van bình cứu hỏa làm bằng sắt, mà sắt gặp nước biển mấy hồi là hư, gỉ, không dùng được nữa. Mấy chủ tàu khác cũng có lần than trời rằng lúc cần mang ra sử dụng thì cái van cứng ngắt, không nhấn xuống được. Thử nghĩ, mua rồi không sử dụng, thấy phí nên ít khi nghĩ tới nó. Khi nào Nhà nước có quy định hẵng hay, với lại lâu nay cháy tàu thì cháy ở đâu chứ Đà Nẵng mấy khi gặp mà lo”, ông nói.
Có lẽ, bài học từ vụ cháy tàu QNg 92012 TS của ông Phạm Minh Vương (Quảng Ngãi) tại khu vực phía Đông Nam cầu Rồng ngày 13-2-2015, thiệt hại gần 2 tỷ đồng chưa đủ giúp ngư dân Đà Nẵng cảnh tỉnh. Tại Âu thuyền Thọ Quang, chúng tôi nhận thấy nhiều tàu thuyền vẫn để bình gas trên boong tàu, dưới cái nắng 39 độ C, bên cạnh ngư lưới cụ, thùng xốp, chưa kể hệ thống dây điện đấu nối chằng chịt trong khoang có diện tích từ 10 - 15m2.
Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, đồng thời là chủ hai con tàu công suất lớn cho rằng, ngay bản thân ông cũng chưa bao giờ tham gia một lớp tập huấn về cách PCCC trên tàu. Do đó, dù trang bị đầy đủ bình cứu hỏa trên tàu, ông vẫn không thật sự tự tin sử dụng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn.
Thời gian gần đây, các địa phương như Sơn Trà, Thanh Khê đã chú ý nhiều hơn đến việc giúp ngư dân trang bị phương tiện PCCC. Thế nhưng, việc trang bị hiện vẫn chưa thực sự đồng bộ, chiếc có chiếc không nên vẫn chưa được người dân quan tâm. Đại tá Lê Hồng Tư cho rằng, chừng nào chưa có quy định xử phạt tàu cá không trang bị phương tiện PCCC, thì ngư dân vẫn còn thờ ơ, nếu không muốn nói là chủ quan, xem việc phòng cháy là việc của người khác chứ không phải việc của mình.
TIỂU YẾN