Câu chuyện cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã và đang được những người tâm huyết với địa chỉ này lên phương án với mục đích giữ nguyên vị trí, kiến trúc công trình hiện có, xây các hạng mục phụ trợ, sắp xếp lại các không gian chức năng cũng như hướng đến lộ trình tham quan hợp lý.
Kiến trúc sư Phạm Phú Bình (đứng) trao đổi một số điểm trên bản vẽ thiết kế nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: T.Y |
Chắp nối về mặt kiến trúc
Tròn 100 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm sớm bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Điều dễ dàng nhận thấy khi bước vào khuôn viên BT là lớp tường bong tróc xen với những khe nứt, thoảng mùi ẩm mốc đặc trưng ở dãy nhà hình chữ U. Khu nhà trệt chính giữa, hiện dùng làm phòng trưng bày Trà Kiệu và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum rộng chừng 350m2, xây dựng từ năm 1915 - được giữ nguyên, chưa được cải tạo từ đó đến nay - đã xuống cấp trầm trọng.
Cùng với thành tựu khảo cổ học về văn hóa Chămpa, diện tích sử dụng ở BT Điêu khắc Chăm được mở rộng trên nền đất cũ. Cụ thể vào năm 1935, người Pháp tiếp tục xây dựng hai dãy nhà trệt bên cánh trái, cánh phải nằm thẳng góc về phía trước tòa nhà cũ và một dãy phía sau khu trưng bày Trà Kiệu, nâng diện tích sử dụng tại BT lên 710m2…
Thế nhưng, quá trình “hư đâu sửa đó”, diễn ra ở những mốc thời gian khác nhau khiến toàn bộ bề mặt kiến trúc hiện chưa đồng bộ, chắp vá, nhiều chỗ thiếu tính thẩm mỹ. Công tác nâng cấp, trùng tu diễn ra các năm sau đó chỉ hướng đến việc giải quyết một phần bài toán quá tải, chống thấm và lắp thêm cửa cuốn (sau thay thế bằng cửa kính) nhằm bảo vệ hiện vật khỏi bị lấy cắp chứ chưa giải quyết đồng bộ về tổng quan kiến trúc. Việc chắp nối về mặt kiến trúc ảnh hưởng khá nhiều đến công tác trưng bày, bảo quản hiện vật, gây khó khăn trong sắp xếp lộ trình tham quan cho du khách.
Là địa chỉ lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập hiện vật điêu khắc có giá trị về nghệ thuật văn hóa Chăm từ thế kỷ VII đến XV, hằng năm, BT đón hơn 200.000 lượt khách. Trong đó đa số là khách nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Chăm. Tuy nhiên, BT chỉ mới đảm bảo chức năng tham quan, chiêm ngưỡng cổ vật Chăm chứ chưa có không gian để du khách có thể ngồi lại, đọc thêm tài liệu, sách báo liên quan. Giá trị văn hóa, kiến trúc Chăm vì thế cũng chưa thật sự lan tỏa đến người dân, du khách.
Vài năm trở lại đây, cùng với việc xây dựng thành phố trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, Đà Nẵng nhiều lần đưa vấn đề nâng cấp, cải tạo BT ra bàn bạc, thảo luận. Trong đó, Hội thảo phương án nâng cấp, cải tạo BT Điêu khắc Chăm do Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức năm 2014 ghi nhận nhiều ý kiến từ chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như đội ngũ quản lý, làm việc trực tiếp tại BT.
Có thể thấy, việc cải tạo, nâng cấp BT không đơn giản, dù thành phố sẵn sàng chi tiền để bảo vệ công trình văn hóa quý giá này. Ông Hồ Văn Duy, Phó Giám đốc BT cho rằng, quá trình nâng cấp, cải tạo cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ như mái che bằng ngói hay bằng tôn để không gây phản cảm hay chuyện thống nhất cửa kính, cửa cuốn cũng cần được tính toán hợp lý nhằm bảo đảm bản sắc công trình.
Vừa nâng cấp vừa bảo tồn
Việc cải tạo, nâng cấp BT đang được tiến hành một cách đầy thận trọng. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc BT Điêu khắc Chăm cho biết, từng có 3 phương án đặt ra trong quá trình tìm kiếm giải pháp như: Tìm địa chỉ mới xây dựng cơ sở 2 để lưu giữ hiện vật; giữ nguyên kiến trúc hiện nay, chỉ đầu tư chống thấm, cải tạo nội thất bên trong phục vụ công tác trưng bày; giữ lại tòa nhà hình chữ U, cải tạo tòa nhà hành chính phía sau để tăng diện tích sử dụng, đồng thời khắc phục những hạn chế về mặt kiến trúc, thẩm mỹ.
Sau khi xem xét, lấy ý kiến từ nhiều chuyên gia, lãnh đạo BT thống nhất với phương án thứ 3. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mở rộng diện tích mà không phá vỡ kiến trúc ban đầu. Căn phòng mới, bức tường mới, lớp vôi mới, công trình mới liệu có gây xáo trộn trong khuôn viên công trình trăm tuổi?!
Sau một số cuộc hội thảo bàn sâu về vấn đề này, ngày 19-1-2015, UBND thành phố có Quyết định số 310/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nâng cấp, cải tạo BT và giao cho Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng phối hợp với BT cùng thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú ý đến mục tiêu “Giữ nguyên vị trí và kiến trúc công trình hiện có; nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng của BT và lộ trình tham quan hợp lý, đảm bảo điều kiện làm việc, hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, khai thác và phục vụ khách tham quan du lịch; phục vụ hoạt động nghiên cứu và học tập của các cá nhân và tổ chức có nhu cầu”.
Vấn đề hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư công trình, bao gồm phê duyệt quy mô đầu tư, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sẽ hoàn tất trong năm nay và đến năm 2016 bắt đầu khởi công xây dựng theo từng hạng mục được phê duyệt.
Cách đây không lâu, bản thiết kế do Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng đề xuất đã giải quyết được bài toán về giao thông chuyển tiếp giữa các dãy nhà, có lối đi dành cho người khuyết tật, cải tạo không gian trưng bày, xây dựng phòng họp, thư viện, nghiên cứu, phân khu chức năng độc lập. Phương án đưa ra là cải tạo tích cực, từ chống thấm hướng đến tăng diện tích sử dụng, đảm bảo tính tiện nghi của bảo tàng.
Kiến trúc sư (KTS) Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trong bản vẽ chi tiết đơn vị thực hiện, ông và các đồng nghiệp cố gắng giữ lại toàn bộ khối nhà do người Pháp xây dựng, thực hiện chống thấm, nâng cấp nhiều hạng mục; không tiến hành phương án nâng tầng, thay đổi kiến trúc hiện trạng của bảo tàng mà chỉ tập trung vào việc trùng tu, cải tạo nội ngoại thất, bố trí lại các không gian chức năng cho phù hợp.
Đây là lần thứ 3 KTS Phạm Phú Bình trình lên thành phố bản vẽ cụ thể đến từng chi tiết về các hạng mục cần cải tạo tại BT. Ông cho rằng, đây là thời điểm chín muồi những ý tưởng đã thai nghén trong nhiều năm qua. Để có bản thiết kế này, ông nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu về lịch sử phát triển nền văn hóa Chăm, tìm hiểu mong muốn của đội ngũ cán bộ đang công tác tại BT.
“Quan điểm của tôi là cái gì đã ổn định rồi thì cố giữ, chỉ tập trung khắc phục những hạn chế. Mặt khác, đơn vị tư vấn đề xuất việc xây dựng cổng phụ đường 2 Tháng 9 thành cổng đón, trả khách, xây thêm những hạng mục đi kèm như khu vực quầy vé, ký gửi đồ, nhà bảo vệ, tạo lối đi vào BT theo đúng lộ trình. Khu vực cổng chính chuyển thành cổng nghi lễ, chỉ sử dụng vào những ngày lễ, Tết. Trong quá trình xây dựng chú trọng việc cải tạo sân vườn thành khu vườn tượng, xây thêm các công trình kiến trúc phụ trợ như nhà vệ sinh, khu vực bán hàng lưu niệm, uống cà-phê, giải khát nhằm đảm bảo nhu cầu đa dạng của khách tham quan”, ông Bình nói.
Từ những gian trưng bày đầu tiên xây dựng năm 1915 rộng chừng 710m2, trải qua một số lần nâng cấp, BT Chăm nay có 3.780m2 được xây dựng, trong tổng số diện tích 6.315m2. Phỏng theo mô-típ các công trình kiến trúc Chămpa, lại nằm ở vị trí khá đẹp của thành phố, BT Điêu khắc Chăm nhiều năm qua là địa chỉ văn hóa quen thuộc, gần gũi trong đời sống mỗi người dân. Việc cải tạo, nâng cấp không thể chậm trễ nhưng không được tùy tiện, chắp vá, theo đúng tinh thần vừa nâng cấp, vừa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở Đà Nẵng.
TIỂU YẾN