.

Cháy nhà mới tìm… bình xịt

.

Ở Đà Nẵng bây giờ hầu như nhà nào cũng có bình xịt chữa cháy loại xách tay nhỏ gọn. Tưởng vậy là bớt lo chuyện “nước xa khó cứu lửa gần”, khi “nước” có tại chỗ xịt cái rẹt vào điểm chớm cháy.

Các hộ dân chung cư cần được diễn tập PCCC. TRONG ẢNH: Ông Xuất lần đầu đọc bảng tiêu lệnh chữa cháy được đặt ngay trước cửa nhà. Ảnh: H.D
Các hộ dân chung cư cần được diễn tập PCCC. TRONG ẢNH: Ông Xuất lần đầu đọc bảng tiêu lệnh chữa cháy được đặt ngay trước cửa nhà. Ảnh: H.D

Nhưng có bình là một chuyện, biết xài hay không lại là chuyện khác. Ngặt nỗi, nhiều người, nhất là người già, phụ nữ, những người thường xuyên có mặt ở nhà lại… mù tịt về cái bình xịt chữa cháy này!

Chưa từng sờ vào…

Con cái đứa lập nghiệp xa, đứa có nhà cửa ở riêng, bà Năm, 75 tuổi, trú tại đường Lý Thái Tông, quận Thanh Khê sống một mình trong căn nhà rộng rãi. Đồ đạc thiết yếu trong nhà bà không thiếu thứ gì, ngoại trừ… bình chữa cháy.

Nghe hỏi về bình chữa cháy, bà Năm nhầm sang “bình rửa chén”. Lát hồi, biết mình tai lãng, bà Năm cười khà khà: “Xóm ni nhiều nhà có bình xịt, tổ trưởng cũng nói tôi nên mua, nhưng tôi sống một mình, sắm ra làm chi. Có cũng không biết dùng, mà muốn dùng cũng cầm không nổi”. “Lỡ có cháy thì sao?”, bà Năm lại cười: “Ai làm chi thì làm”.

Ngược với bà Năm “bình tĩnh” trước cháy nổ, nhà đối diện dù chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau, nhưng ngay khi địa phương phát động phong trào mua bình xịt chữa cháy là hộ này hăng hái sắm đầu tiên. Cả ông và bà cho biết: “Sợ nhất là cháy, nguy hiểm vô cùng”. Ông Nguyễn Tân, 73 tuổi, chủ hộ, tự tin cho biết: “Mấy cái bình ni xài dễ òm. Xịt như xịt muỗi rứa thôi. Có cháy thì bật van, xịt tới tấp”.

Trong khi ông Tân thoải mái nói về phòng cháy, vợ ông lại tỏ ra hoang mang: “Thiệt tình thấy cái bình để đó mà nếu có cháy, biểu lấy ra dùng, tôi sẽ không biết làm cách chi. Cầm như thế nào, mở ra làm sao. Ổng đi miết, tôi lại thường xuyên ở nhà”.

Theo anh Lê Tuấn Anh, cán bộ Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng, bình chữa cháy nên được đặt tại nơi dễ thấy, dễ sử dụng và quan sát. Tốt nhất, nên đặt bình ở gần cửa ra vào thay vì để sâu trong nhà. “Có cháy mới chạy vào ngách nhà lấy bình xịt ra thì có khi lại bị ngạt khói, càng thêm nguy hiểm”, một cảnh sát PCCC nói.

Bên cạnh đó, bình xịt dù trông chắc chắn cũng cần được bảo quản cẩn thận như tránh ánh nắng trực tiếp, không nên để dưới sàn nhà mà cần được treo lên cao tránh ẩm, hoen rỉ có thể gây giảm ứng suất chủ lực của bình, dẫn đến bình bị xì.

Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ lại đặt bình ở nơi… khó thấy hoặc nhét đâu đó cho xong. Thậm chí, nghe hỏi về bình chữa cháy được đặt ngay trong nhà mình, không ít người như sực nhớ đến một vật chẳng mấy khi được để ý. Đơn giản như bình nặng hay nhẹ, để ở đâu, trong bình chứa khí hay bột, hạn sử dụng, v.v… hầu như không mấy ai quan tâm.

Anh Lê Tuấn Anh cho biết: Từ năm 2012, Cảnh sát PCCC có ý tưởng mỗi nhà trang bị một bình chữa cháy. Qua 3 năm phối hợp với Mặt trận thành phố, lực lượng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đã không những biến ý tưởng thành hiện thực, mà còn tiến gần đến việc toàn bộ hộ dân có bình chữa cháy. Hiện nay, toàn thành phố có 749/824 cụm dân cư an toàn PCCC, trong đó có thôn an toàn PCCC tại huyện Hòa Vang.

Nếu huyện Hòa Vang còn có tới trên 50% hộ không có bình chữa cháy, thì trong nội thành, tỉ lệ hộ có bình xịt tương đối cao. Cao nhất như quận Thanh Khê, từ năm 2014 đã có 98,45% hộ có bình chữa cháy, với 35.873 bình/36.438 hộ toàn quận.

Giá bình xịt xách tay hộ gia đình hiện nay khoảng dưới 200.000 đồng/bình. Đó là giá bèo cho chuyện phòng cháy, nhưng là giá cao với không ít hộ khó khăn. Để giúp nhiều nhà có bình chữa cháy, lực lượng cảnh sát vận động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân hoặc cùng với chính quyền địa phương mua bình xịt tặng hộ nghèo. Có Cảnh sát PCCC tự bỏ tiền túi mua 10 bình tặng cho hàng xóm trong khu vực anh sinh sống.

Phải khẳng định, Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt việc trang bị phương tiện phòng cháy hộ gia đình. Tuy vậy, từ phủ sóng số lượng bình, tiến tới phủ sóng “hiểu biết về cách sử dụng” thực sự là một “chiến dịch” khác đáng để bàn.

114 là số chi rứa?

So với từng hộ gia đình riêng lẻ, việc phòng cháy đối với các khu chung cư càng được coi trọng nhiều hơn, bởi nguy cơ cháy nổ và lây lan cháy tại nơi đây rất lớn. Biết là vậy, nhiều cư dân chung cư còn “lơ tơ mơ” với phòng cháy, và chưa “mất bò” nên chưa lo “làm chuồng”.

Về sinh sống tại chung cư dành cho người thu nhập thấp tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã gần một năm nay, nhưng ông Đinh Văn Xuất (70 tuổi), phòng 501, nhà H chưa bao giờ đọc bảng tiêu lệnh chữa cháy đặt nổi bật ngay cửa ra vào nhà mình. Nhà ông Xuất nằm ở đầu cầu thang của tầng 5, nên đây cũng là điểm tập kết bảng hướng dẫn, bình xịt và dây dẫn nước chữa cháy.

Đứng từ trong nhà, nhìn ra ngoài, ông Xuất đọc một lèo những dòng chữ màu đỏ ghi trên tiêu lệnh: “1-Báo động. 2- Cúp cầu dao điện. 3-Dùng bình chữa cháy, cát và nước để dập tắt. 4-Điện thoại đến số nớ”.

Chúng tôi hỏi: “Số nớ” (114-PV) là số chi chú có biết không? Tưởng chỉ nói vui, không ngờ, ông Xuất hỏi lại thành thật: “114 là số chi rứa?”. Ông kể thiệt sự không biết đến con số 114. Ông cùng vợ và hai đứa cháu nhỏ ở chung nhà với vợ chồng con trai. Các con đi làm suốt, ông nhận trách nhiệm coi ngó nhà cửa. Hồi mới về chung cư, ông từng thấy bình xịt chữa cháy nằm trước căn hộ của mình, nhưng sau đó một thời gian thì không biết ai mang đi đâu.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 9-7, các bình chữa cháy của nhà H được nằm “rải rác”, nghĩa là tầng có, tầng không. Trong khi đó, tầng trệt nhà xe lại tập kết hơn chục bình xịt. Ông Huỳnh Viết Tàu, 75 tuổi, trưởng nhà H cho biết: “Để bình dưới ni mà mãi không thấy ai chịu mang lên các tầng”.

Ông Tàu nhận chức nhà trưởng cách đây khoảng 1 tháng. Người cũ bàn giao công việc, riêng phần PCCC thì… không nói lại gì với ông. Theo ông Tàu, phổ biến, hướng dẫn phòng cháy là việc của Ban quản lý nhà chung cư vì đơn vị này thu tiền nhà đều đều thì phải lo luôn chuyện cháy nổ.

Tại chung cư Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, ông Phạm Văn Ái, trưởng nhà A/C2 cho biết, chung cư được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012. Các nhà trưởng được Ban quản lý nhà chung cư phối hợp với Cảnh sát PCCC tập huấn liên quan đến cháy nổ. Với kiến thức có được, các nhà trưởng sau đó sẽ là người đứng đầu của Tổ phản ứng PCCC tại chỗ. Tuy vậy, từ khi tập huấn đến nay đã lâu, tại đây vẫn chưa được thông báo thành lập tổ phản ứng như kế hoạch!

Thêm nữa, ngoài nhà trưởng, những người còn lại sinh sống tại chung cư này vẫn chưa được diễn tập hay tập huấn về PCCC để biết lúc có cháy họ sẽ ứng phó cơ bản như thế nào.

Chị Ngà, 37 tuổi, một người sống tại đây chia sẻ, chung cư được trang bị hệ thống báo cháy, xô, xẻng và các phương tiện khác phòng cháy, chỉ còn lo lối thoát hiểm. Theo chị Ngà, khi có cháy, cầu thang máy sẽ không được sử dụng, mọi người chỉ còn cách chạy thang bộ. Bên trong thang bộ lại rất bí. Ngoài ra, các hộ đều làm hệ thống khung sắt bảo vệ phía sau lan can. Công ty Quản lý nhà chung cư đã gửi mẫu khung sắt, loại có ô cửa sổ mở ra trong trường hợp cứu hộ, nhưng nhiều gia đình không tuân thủ theo mẫu này.

Cần lắm “cháy nháp”

Một tháng đã trôi qua nhưng người dân bốn tổ 95, 96, 97, 98 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê còn ấn tượng mãi buổi diễn tập PCCC tại một xóm “bàn cờ” trên địa bàn. Xóm nhỏ, ngoằn ngoèo, nằm cạnh Bệnh viện Da liễu được chọn làm điểm tập chữa cháy bởi độ khó trong tiếp cận hiện trường. Thanh niên, người già, trẻ nhỏ được sống như thật cảnh cháy xóm từ việc báo động, tiếp cận xe chữa cháy, giải thoát người bị nạn…

Anh Lê Ngọc Vinh, 43 tuổi, người dân sinh sống tại đây tâm sự: “Tình huống cháy giả như vậy thật sự cần thiết để bà con có thêm chút kiến thức chữa cháy trong xóm lẫn chính trong nhà của mình”.

Thông tin từ Cảnh sát PCCC thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 8 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy nhà chung cư, phần lớn nguyên nhân do chập điện và sơ suất trong sử dụng nguồn điện. Nhờ có bình chữa cháy tại chỗ, một số vụ cháy được nhân dân tự tổ chức dập lửa trước khi lực lượng cảnh sát tiếp cận.

Điều này cho thấy khả năng cháy nhà, cháy chung cư luôn rình rập. Những buổi diễn tập, tập huấn đến với từng người dân là điều thực sự cần thiết. Cùng với phương tiện phòng cháy, những kiến thức đúng về chữa cháy sẽ giúp mỗi người có thể phần nào tự cứu mình và cứu tài sản xung quanh.

Tuy nhiên, để kiến thức PCCC đến rộng rãi với nhiều tầng lớp nhân dân là bài toán khá hóc búa tại thời điểm này. Cán bộ tuyên truyền PCCC thành phố cho hay, đội tuyên truyền còn thiếu người so với nhu cầu thực tế. Theo quy định, mỗi cán bộ phụ trách không quá 70 cơ sở và 1 địa bàn dân cư, nhưng hiện nay mỗi cán bộ có khi phụ trách đến 300 cơ sở và 4 địa bàn dân cư.

Tuyên truyền cho tới từng khu dân cư là điều không dễ dàng trong điều kiện thiếu cán bộ. Vậy nhưng với những nơi may mắn được tổ chức các buổi tuyên truyền thì không ít hộ lại cử… bà ngoại hoặc người già đi dự cho có.

Bình CO2: Chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và thiết bị điện. Trên bình thường ghi rõ CO2, hoặc MT2, MT3, MT5

Ngoài ra, khí CO2 được phun ra sẽ có nhiệt độ rất lạnh là -73 độ C, do đó người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, hoặc cầm vào loa bình, vì sẽ bị bỏng lạnh.

Bình bột: Có nhiều loại khác nhau, để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí) và D hoặc E (chữa cháy điện).

Bình bột cũng tuyệt đối không được dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.