22 giờ, một ki-ốt vải ở tầng 2 bốc cháy, khói lên mù mịt. Những người làm bảo vệ chợ lập tức đánh kẻng báo động cháy, dùng bộ đàm cầm tay thông báo cho chỉ huy ca trực và lực lượng PCCC tại chỗ. Đó là một phần trong kịch bản diễn tập chữa cháy, cứu nạn diễn ra ngày 6-7 vừa qua tại chợ Cồn…
Một buổi diễn tập chữa cháy thường niên tại UBND phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: Q.T |
Với các tình huống giả định được đưa ra, nhiều cuộc diễn tập chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của lực lượng Cảnh sát PCCC giúp người dân lường được các tình huống xảy ra như lúc cháy thật.
Nâng cao kỹ năng từ diễn tập
Không ít lần khi đang đi trên đường, nghe tiếng còi xe cứu hỏa hú vang, tôi chạy xe đến nơi xảy ra cháy, lấy sổ tay, máy ảnh ra tác nghiệp, chạy tới chạy lui chụp ảnh. Phải một lúc sau, tôi mới phát hiện ra đó là hiện trường giả mà các chiến sĩ PCCC dựng lên nhằm diễn tập hoặc tuyên truyền chữa cháy đến người dân. Không chỉ tôi mà rất nhiều người đi đường hiếu kỳ cũng thường xuyên “mắc bẫy” như vậy, cũng bởi các chiến sĩ PCCC diễn tập quá nhập tâm.
Vụ diễn tập chữa cháy ở siêu thị Metro cách đây 2 năm khiến người dân khu vực quận Cẩm Lệ tưởng cháy thật cũng là một thành công lớn của các chiến sĩ đơn vị PCCC số 1. Tình huống giả định là cháy một trong những gian hàng kinh doanh vào thời điểm khách mua sắm đông đúc. Với tâm lý đám đông, khi có cháy, khách hàng sẽ hỗn loạn tìm cách thoát ra ngoài và nhiều người sẽ bị kẹt lại. Tình huống đặt ra cho các chiến sĩ chữa cháy là phải dập lửa và di tản khách ra ngoài an toàn. Đơn vị PCCC số 1 khi chuẩn bị đã không thông báo trước cho khách hàng nhằm tạo hiện trường giống thật, chỉ khi đốt lửa lên mới thông báo trên loa là đang diễn tập để người dân hiểu.
Trong các sự cố cháy nổ ở khu dân cư, cháy bình gas có lẽ khiến người dân sợ nhất. Hiểu được tâm lý này, các phòng PCCC trên địa bàn thường xuyên tổ chức diễn tập cháy bình gas nhằm giúp người dân biết cách xử lý. Anh Trương Huy Chương, Đội trưởng đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, các anh đem bình gas thật ra đốt và chữa cháy cho người dân xem. Sau đó, khuyến khích phụ nữ, người già, những đối tượng thường xuyên có mặt ở nhà thực tập. Qua buổi diễn tập, các gia đình sẽ có thêm kiến thức: bình gas không dễ gì nổ, chủ yếu là nổ khí gas. Vì vậy, khi phát hiện có mùi gas trong nhà thì không được bật quạt, bật đèn, không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt mà phải mở toang hết cửa để gió lùa vào. Và, sau đó, tự tin dùng bình bột để dập lửa.
Để tổ chức một buổi diễn tập chữa cháy như thật không dễ. Đầu tiên lực lượng PCCC phải làm việc với chủ cơ sở, khảo sát thực địa cơ sở, tìm nguy cơ cháy cao nhất, lựa chọn tình huống khó nhất để diễn tập. Sau đó, phải xây dựng kịch bản, phương án phối hợp. Ví dụ, đến giờ G thì ai là người báo động toàn cơ sở, ai điện thoại cho lực lượng PCCC, lực lượng nào tổ chức thoát nạn, hướng dẫn xe chữa cháy đến nơi, nếu là cơ sở lớn thì phải có cán bộ chuyên trách hướng dẫn ngắt điện… tất cả đều lên kịch bản sẵn sàng. Đồng thời, mời đến hiện trường Cảnh sát giao thông, công an khu vực để bảo đảm các vấn đề về giao thông, an ninh…
Các chiến sĩ PCCC đa phần là lính nghĩa vụ, còn rất trẻ, ít có kinh nghiệm cọ xát thực tế nên diễn tập là cơ hội để họ nâng cao khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, củng cố tâm lý khi tiếp xúc với lửa thật. Nhiều chiến sĩ PCCC thừa nhận, nếu xảy ra cháy thật ở một trong những nơi đã từng diễn tập, họ sẽ bớt lúng túng. Bởi, cuộc diễn tập trước đó đã giúp họ thông thạo tập quán, quy mô, tính chất của cơ sở, lường trước các tình huống... Vụ cháy ở kho sơn xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (tháng 5-2015) khiến 15 chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị thương, nguyên nhân chính cũng là do các chiến sĩ không biết trước được trong kho đó chứa vật liệu gì nên bị hạn chế phương án chữa cháy.
Vẫn còn khoảng cách với thực tế
Anh Nguyễn Văn Tân, cán bộ Phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC thành phố, khẳng định diễn tập là phương pháp đem lại hiệu quả chữa cháy cao nhất hiện nay, là phương án tối ưu - để tuyên truyền cho người dân tại cơ sở kiến thức về PCCC cũng như giúp chiến sĩ cứu hỏa trẻ tích lũy kinh nghiệm. Tuy vậy, vẫn có một khoảng cách không nhỏ giữa diễn tập và thực tế. Không như các nước tiên tiến, mỗi khi diễn tập họ có mô hình thật, ví dụ, chữa cháy ô-tô, họ đốt ô-tô. Ở Việt Nam, khi diễn tập chỉ đốt tạo khói để biết đó là điểm xảy ra cháy. Ví dụ muốn cháy điểm X sẽ đốt tạo khói tại điểm X, các chiến sĩ đã biết chính xác vị trí đám cháy nên dễ dàng thao tác dập lửa. Trong khi nếu cháy thật, ngọn lửa sẽ bùng phát, gây ra cháy lan, khói lên mù mịt khiến các chiến sĩ không biết chính xác ngọn lửa phát ra từ đâu, gây khó khăn trong công tác chữa cháy.
Thêm vào đó, khi xảy ra cháy thật, tâm lý của lực lượng PCCC cơ sở và người ở bên trong khu vực cháy sẽ mất bình tĩnh, hoảng sợ, không thể lường trước được sự cố nên thường dẫn đến hiện tượng di chuyển chen lấn nhau, cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt mà không biết hướng di chuyển đó có an toàn hay không, có bị tác động của lửa, khói hay không… Nhiều chiến sĩ PCCC kể lại rằng, có những trường hợp khi lực lượng chữa cháy đến hướng dẫn người dân di chuyển xuống cầu thang nhưng do quá sợ họ lại chạy lên cầu thang theo chiến sĩ chữa cháy vì họ nghĩ chạy theo chiến sĩ chữa cháy là an toàn.
Đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, khi tiếp xúc với đám cháy phức tạp cũng rất e dè và bị động do các chiến sĩ PCCC đa phần là lính trẻ. Nhất là khi tiếp xúc với lửa thật, bức xạ nhiệt từ lửa tỏa ra rất nóng, dù đã được trang bị kiến thức và diễn tập nhiều lần. Hơn nữa, nếu như diễn tập, điều kiện thời tiết không ảnh hưởng nhiều thì khi cháy thật, nếu có gió to sẽ gây ra cháy lan, cháy mạnh. Thêm vào đó, khi cháy thật, mật độ người dày đặc cũng gây ra nhiều khó khăn cho chiến sĩ PCCC.
Dù biết diễn tập là phương pháp tối ưu nhưng nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh không muốn tổ chức diễn tập, họ chủ quan “dễ gì cháy”. Thêm nữa, mỗi khi diễn tập, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng cũng khiến chủ cơ sở… chần chừ. Đây chính là vấn đề khiến số lượng những buổi tổ chức diễn tập PCCC vẫn còn ít so với yêu cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị thuộc Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp với cơ sở tổ chức được 55 lần diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở; trong đó có 4 phương án có sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cảnh sát PCCC thành phố. Theo quy định, phương án chữa cháy cơ sở thực tập ít nhất mỗi năm 1 lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu. Tuy nhiên thực tế thì cơ sở chưa làm được điều này. |
QUỲNH TRANG