.

Trân trọng từng hiện vật

.

Nhân kỷ niệm 100 năm Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm, hàng chục nhân viên của BT dốc sức chuẩn bị, lựa chọn từng hiện vật, chăm chút từng câu trong bài thuyết trình nhằm đưa đến cho du khách những thông tin chính xác, hữu ích nhất. Họ âm thầm làm việc, lặng lẽ cống hiến và mang một tình yêu bền bỉ với văn hóa Chăm...

Anh Nguyễn Hồ giới thiệu tượng thần Siva được phục chế phần thân-cổ. Ảnh: H.N
Anh Nguyễn Hồ giới thiệu tượng thần Siva được phục chế phần thân-cổ. Ảnh: H.N

Du khách, hay bất kỳ ai khi đến BT Điêu khắc Chăm đều tập trung vào hiện vật (HV), xem sự độc đáo và kỳ bí mà mỗi bức tượng Chăm mang lại. Đằng sau mỗi bức phù điêu, mỗi bức tượng thần Siva uy nghi kia là bàn tay, khối óc của những người là nhân viên BT, họ chăm chút để mỗi bức tượng có thể đứng vững mặc gió bụi thời gian và toát lên vẻ đẹp, sự độc đáo hiếm có, sự tiêu biểu của mỗi phong cách điêu khắc Chăm.

Đứng giám sát những người thợ giúp chuẩn bị phòng trưng bày mang tên “Đà Nẵng”, anh Phan Công Hải, nhân viên Phòng Kiểm kê-trưng bày tập trung cao độ đến những bục, kệ sẽ đặt tượng, ghi nhớ từng vị trí HV. Để những HV được trưng bày, giới thiệu cho người xem theo một trình tự dễ hiểu, anh lên kế hoạch trưng bày, thiết kế chi tiết từng vị trí HV. Quá trình lên sơ đồ và trưng bày thực tế, nếu có những thay đổi do yếu tố thẩm mỹ của HV cũng như không gian chung, cách bố trí, sắp xếp HV có thể thay đổi, thì nhân viên trưng bày phải báo cáo trực tiếp với lãnh đạo BT, đưa ra đề xuất hợp lý nhất.

Có thể nói, người trưng bày như một người dọn món lên bàn ăn. Họ phải nắm lịch sử, xuất xứ từng HV, phải có con mắt thẩm mỹ để sắp xếp từng HV hài hòa với không gian xung quanh, hài hòa với HV bên cạnh. Một gian trưng bày ở BT có hấp dẫn, bắt mắt, có dễ hiểu hay không tùy thuộc vào người trưng bày; để mỗi người khi bước chân vào BT, gồm nhiều giai tầng khác nhau, văn hóa, tri thức, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhưng ai cũng có thể hiểu bộ sưu tập đó nói lên điều gì. Có thể nói, tiếng nói của người trưng bày quyết định sự thành công của triển lãm, hướng dẫn cho người xem theo chủ đề nào đó. Với Phan Công Hải, trưng bày không chỉ là công việc ở BT, đó là đam mê, là sự thành kính mà anh gửi gắm qua từng HV.

Tôi ngẫm nghĩ mãi khi một nhân viên BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, có thời gian công tác ở đây trên 20 năm, bảo rằng khi vào đây làm việc, ban đầu là tìm cho mình một công việc, nhưng rồi muốn làm được phải học, phải đọc, phải nghiên cứu rất nhiều cuốn sách về lịch sử, vùng đất, văn hóa của người Chăm, của Ấn Độ giáo, thế rồi yêu BT này, gắn bó với nó như một cái duyên. Có lẽ những bí ẩn sâu xa mà nền văn hóa Chăm mang lại cho những người Việt hôm nay luôn hấp dẫn, và có gì đó níu kéo, khiến những người đã và đang tiệm cận với nó không thể rời xa, luôn cảm thấy thôi thúc muốn biết nhiều hơn nữa. Và tính chất của một BT ngoài giới thiệu HV đến công chúng còn là quá trình nghiên cứu, giáo dục, nên những người làm việc ở đây luôn thấy mình được đón nhận, với những kiến thức đầy ắp và những gì chưa biết vẫn là muôn vàn ẩn số cần được khám phá.

Ngày còn ở quê, anh Nguyễn Hồ (Trưởng phòng Sưu tầm-bảo quản) luôn được ông nội dặn khi đi chăn trâu vào mùa nước cạn, không được cho trâu qua sông Rù Rì, không được cưỡi lên các bức tượng Chăm. Quê anh ở Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam, bên kia sông là tháp Đồng Dương. Trong tâm thức của người quê anh, luôn phải trân trọng những gì người Chăm để lại. Cũng vì mê lịch sử mà năm 1993, anh Hồ xin làm một chân bảo vệ ở BT này. Hồi đó BT không có tường rào, tượng bị mất khá nhiều. Rồi con đường cạnh BT mở ra, anh phải chứng kiến những bức phù điêu bằng đá bị mủn ra trước sức ép của tiếng ồn, hơi nước ngoài sông phả vào.

Năm 2002, anh Hồ xách túi vào Sài Gòn học chuyên ngành BT. Nửa năm đi học, nửa năm về làm bảo vệ. Đây cũng là thời gian các chuyên gia bảo quản của Pháp, Campuchia sang BT Điêu khắc Chăm thực hiện dự án trưng bày-bảo quản. Anh Hồ được chỉ định tham gia dự án như một người học việc. Họ hướng dẫn cách phục chế, phục dựng lại các HV.

Anh tốt nghiệp năm 2006 thì năm 2009 dự án kết thúc. Anh Hồ được học tất cả các phương pháp phục chế. Tất cả các HV được sưu tầm từ cuối thế kỷ 19 bị gãy, vỡ, sứt, muốn trưng bày phải phục dựng; anh được cầm tay chỉ việc, và phải tự học, tự tìm tài liệu để đọc rất nhiều, chống xuống cấp cho HV từng ngày. Đến năm 2009, phòng trưng bày mẫu về HV Chăm mang phong cách Đồng Dương ra đời.

Quá trình đó, các chuyên gia phục chế đã phải gỡ từng bức tượng, bức phù điêu trước đó người Pháp gắn chặt vào tường bằng xi-măng ra khỏi tường, làm bệ đỡ cho tượng, gỡ từng con ốc làm bằng sắt bị rỉ sét ngày xưa người Pháp dùng nối những phần tượng bị rời vào thân tượng. Và thay vào đó là những con ốc làm bằng inox.

“Những ngày đó cả BT là một công trường, thí nghiệm cách phục chế HV bên cạnh các bức tượng và vẫn đón khách tham quan hằng ngày. Hồi đó BT không có phòng thí nghiệm, đến khi có dự án phục chế mới xây xưởng thí nghiệm, phải thử nhiều phương pháp, test kết quả và thử trên chất liệu tương đương mới áp dụng vào HV. Anh em làm phục chế ai cũng đam mê, “xót” HV bị xuống cấp nên vừa học vừa làm, tài liệu của nước ngoài chưa được dịch nhiều như bây giờ, anh phải dịch qua công cụ Google, rồi tra cứu thêm từ điển”, anh Hồ hồi tưởng lại quá trình làm việc của mình.

Và những “chuyên gia” của Phòng Sưu tầm-bảo quản luôn nhắc nhở mình không được chủ quan, không thể thỏa mãn bất cứ điều gì về bảo quản HV, bởi mỗi nước như Đức, Ý, Pháp luôn có các cách bảo quản khác nhau, mà anh em chưa có cơ hội học hỏi. Ở trong phòng này, chân tay ai cũng chai sần, hằng ngày tiếp xúc với những HV mà cái nhỏ nhất cũng nặng cỡ 30kg, cái nặng nhất chừng 6-7 tấn. Ngoài ra, mỗi người luôn phải tìm hiểu trong sách vở, trong thực tế, la cà trong từng xóm nhỏ để tìm hiểu HV và vận động hiến tặng.

Với anh Nguyễn Hồ, hơn 20 năm đặt chân vào BT, niềm đam mê vẫn không hề vơi cạn. Anh và các đồng nghiệp đã sáng tạo ra chất bột đá làm chất liệu phục chế (áp dụng công nghệ composite trong làm khuôn, tạo mẫu, đúc). Anh tin rằng, sẽ có một đội ngũ kế cận yêu nghề, tay nghề giỏi gắn bó với BT này.

Ở Phòng Giáo dục-truyền thông, nơi làm cầu nối giữa BT và công chúng, hằng ngày, bạn Lý Hòa Bình chuẩn bị nội dung, giới thiệu các thông tin cần thiết về HV, BT, đưa lên trang thông tin điện tử và tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan. 5 năm làm việc ở BT, công việc đưa lại cho Hòa Bình những điều mới mẻ. Từ những ngày đầu bước chân vào làm việc, chưa có ấn tượng, chưa có cảm xúc với nền văn hóa Chăm, thì nay Bình cũng như nhiều anh chị, đã là nhà “Chăm học”.

Quá trình làm việc, phải tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Chăm và các nền văn hóa khác, sau đó tổng hợp các thông tin đó và chia sẻ với du khách khi có yêu cầu. Mỗi hành trang văn hóa cứ dày lên trong Bình. Và nói như nhiều người ở đây, là dù không được đào tạo bài bản, nhưng buộc phải làm việc như người được đào tạo bài bản, do đó ai cũng phải học, từ lịch sử, tôn giáo, đến kiến trúc, hội họa. Và trong tương lai, những thế hệ có tay nghề, am hiểu, trân trọng từng HV và yêu nền văn hóa Chăm sẽ cống hiến để BT ngày càng phát triển, xứng đáng là một trong những BT đặc biệt nhất của thế giới.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.