.

Bỗng dưng… nguy kịch

.

Không ít người tự dưng tê liệt, á khẩu, hôn mê, trong khi chỉ trước đó vài phút họ có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh và đang lao động bình thường. Tình trạng nguy hiểm này không chỉ gặp nhiều ở người cao tuổi, mà còn có ở trẻ em và kể cả bác sĩ vẫn “bỗng dưng nguy kịch” như thường.

Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là hội chứng biểu hiện qua các tổn thương não, do sự khiếm khuyết của hệ thần kinh trung ương và có thể nặng tối đa ngay từ đầu. Đột quỵ được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất.

Hiện nay, tỉ lệ người bị tai biến mạch máu não ngày càng tăng. Một phần do sự gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu và tình trạng lạm dụng rượu bia, thuốc lá cùng với lối sống ít vận động.

Bệnh “đến” không báo trước

Một tuần sau khi con ra đi đột ngột, ông Trọng(*) trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn thẫn thờ không tin mất mát ập tới bất ngờ đến vậy. Đôi mắt nhìn xa xăm nặng trĩu nỗi buồn, ông Trọng nói: Đêm trước, con bé vẫn theo mẹ đi chùa, sau đó về chơi đùa với thằng em. Sáng ra, con gái tôi dậy sinh hoạt bình thường như bao ngày rồi bỗng dưng kêu đau đầu, lạnh người và dần dần hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị xuất huyết não dạng nặng. Từ lúc phát bệnh đến lúc tử vong chỉ vỏn vẹn trong một buổi sáng.

Điều khiến ông Trọng thất thần là hơn 20 năm qua con gái ông rất ít đau ốm vặt, càng không hay dùng thuốc. “Cháu nó khỏe lắm, có đau ốm chi mô”, ông Trọng buông lời đau xót.

Cách đây đúng một tháng, bà Nga(**), 55 tuổi trú tại đường Dũng Sỹ Thanh Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng cũng đột ngột choáng váng và lập tức bất động nửa người. Thường ngày, bà Nga buôn bán nhỏ tại nhà. Là lao động chính nên bà làm việc luôn tay từ sáng đến tối. Ai cũng khen bà lớn tuổi nhưng sức khỏe dẻo dai. Đến khi bà Nga ngã bệnh, may mắn có hàng xóm phát hiện đưa vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu kịp thời. Hiện tại, bà đang trong giai đoạn tập vật lý trị liệu và có thể tự đi lại.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các cán bộ y tế còn không thôi đau xót về sự ra đi của một đồng nghiệp ngay trong giờ làm việc. “Nam bác sĩ mặc blouse trắng, đang thao tác nghiệp vụ thì ngã xuống sàn. Ngay trong viện mà chúng tôi cũng đành bất lực vì bệnh diễn biến nguy kịch ngay khi xuất hiện triệu chứng. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, 50% bệnh nhân xuất huyết não tử vong khi chưa kịp tới bệnh viện, 25% tử vong ngay trong phòng cấp cứu, 25% sống sót thì có những di chứng rất nặng nề”, BS.CKII Nguyễn Ngọc Bá, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc-Bệnh viện Đà Nẵng, ngày nay đột quỵ không còn là loại bệnh đặc trưng ở một độ tuổi nhất định mà có thể gặp với mọi đối tượng. Nếu người cao tuổi bị đột quỵ phần nhiều xuất phát từ nguyên nhân xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bị bệnh tim, tăng cholesterol máu; thì người trẻ tuổi mắc bệnh do những bất thường mạch máu não bẩm sinh, dị dạng động-tĩnh mạch, phình mạch não, huyết khối tĩnh mạch não. Các trường hợp trẻ em bị đột quỵ đưa đến điều trị tại đây đa phần bị phình mạch não. Có em đang trên đường đi học, có những thanh niên đang lao động cũng lăn ra bất tỉnh và được chẩn đoán dị dạng mạch máu não.

Dễ nhầm dấu hiệu bệnh

Đa phần những người mắc bệnh đột quỵ và thân nhân của người bệnh cho rằng khi xuất hiện cảm giác mệt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lạnh người, họ nghĩ ngay đến nguyên nhân “trúng gió”.

Ông Trọng, người có con gái bị xuất huyết não cho biết gia đình đã “bắt gió” bằng dầu và xoa bóp mất 30 phút mà con không hồi tỉnh, ngược lại hai mắt con gái ông mỗi lúc càng thêm lờ đờ. Đến lúc này, người nhà mới hốt hoảng gọi xe cấp cứu.

Một bà nội trợ thường xuyên xâm xoàng khi đi chợ. Bà bảo chắc người yếu nên hay trúng gió. Mấy tiểu thương khuyên bà nên đi khám bác sĩ cho chắc chứ “gió đâu mà trúng miết rứa”.

Theo chia sẻ của nhiều người, phải đến khi bệnh nhân có dấu hiệu cứng họng, không nói được hoặc tê liệt, hôn mê thì lúc đó người bệnh mới được đưa vào bệnh viện. Với những triệu chứng thoáng qua như mất thăng bằng, thiếu máu não nhẹ, người bệnh dễ dàng bỏ qua sự cảnh báo. Có người thiếu máu não dẫn đến choáng váng lại trách nhầm… đế giày gây trơn trượt.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá cho biết, chứng bệnh này có hai loại là nhồi máu và xuất huyết với các mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Với mức độ cấp tính, hiện trên thế giới, kể cả các nước có nền y học tiên tiến cũng không có thuốc khống chế được tiến triển của xuất huyết này.

Trong khi đó, bác sĩ Dương Quang Hải, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, với những trường hợp không thuộc thể nặng và người bệnh vào viện trước 3 giờ đồng hồ kể từ lúc xuất hiện dấu hiệu bệnh thì khả năng can thiệp được là rất khả quan. Một số bệnh nhân đã được cứu sống và hạn chế di chứng vì cấp cứu đúng cách và kịp thời.

Về vấn đề sơ cấp cứu, các bác sĩ khuyến cáo người nhà nên nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện, không “bắt gió”, xoa dầu hoặc trì hoãn việc tiếp cận cơ sở y tế. Riêng trường hợp người bị hôn mê, nên để bệnh nhân nằm nghiêng tránh chất dịch nôn tràn vào phổi.

HƯỚNG DƯƠNG


(**) Tên bệnh nhân trong bài được thay đổi.

;
.
.
.
.
.